Chắt chiu phục vụ người nghèo
Gần 9 giờ sáng hàng ngày, quán cơm xã hội Mây Ngàn 2 (số 846 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM) đã đón khách. Hôm nay, ngoài phần bánh mì, bò kho… khách hàng còn ăn chuối già tráng miệng và nhận được 1 cái bánh bao.
Ai cũng tươi vui với phần ăn của mình.
Khi 1 = 2
Quán cơm Mây Ngàn 2 do cựu học sinh Trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong thành lập và hoạt động hơn 4 năm nay. Cơ ngơi khá khang trang, bàn ghế cao, quạt máy phun sương. Tấm ảnh sân trường chuyên Lê Hồng Phong được phóng to chiếm hết bức tường. Chúng tôi đã bắt gặp những nụ cười rất cảm thông và thân thiện của nhân viên phục vụ quán cơm. Hình như các anh, chị đã quen mặt với “khách hàng thân thiết” của mình. Tùy khách hàng, khi phát phần ăn chị Nguyễn Thị Hậu, nhân viên quán, đã đưa thêm 1 ổ bánh mì. Mặc dù, phần ăn nào cũng có thêm một chén nước bò kho, nhưng cứ hễ thấy chén nước hết thì các anh, chị lại đến tận bàn châm thêm. Có khách hàng đã được 2 ổ bánh mì, nhưng vẫn xin thêm ổ nữa. Chị Hậu vẫn vui vẻ đưa bánh mì kèm thêm chén nước chấm.

Nhiều người đã đến rất sớm để dùng bữa tại quán cơm xã hội Mây Ngàn 2
Ông Đặng Chiếu Nhiên, phụ trách quán cơm đứng gần đó liền lấy thêm cái bánh bao tặng cho vị khách đó. Ông Nhiên cho biết: “Anh em ở quán cơm rất thương ông. Ông tên là Đoàn Đình Tần, hơn 70 tuổi rồi. Ông thuê nhà ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè (TPHCM) và đang chạy xe ôm. Ông là một trong những khách hàng đến quán cơm sớm nhất. Vì vậy khi vừa nấu nướng xong thì chúng tôi mời ông vào liền. Bởi lẽ, qua tìm hiểu ông nhịn ăn sáng. Coi như gộp chung ăn 2 buổi sáng, trưa thành 1. Và, ông ăn trưa thật nhiều để chiều thì ăn tiếp những phần quà mà quán cơm tặng, như hôm nay là cái bánh bao còn thường là chuối hay bánh ngọt. Quán cơm này tiếp đãi khá nhiều khách hàng như vậy!”.
Ở góc bàn gần cửa ra vào, bà Đặng Hoa đang vội vã ăn phần ăn của mình. Chốc chốc bà Hoa lại đứng dậy đi rót thêm nước uống. Bà Hoa cho biết: “Tôi năm nay 52 tuổi, quê quán ở tỉnh Thanh Hóa và đang thuê nhà ở phường Tân Quy, quận 7. Tôi chọn địa bàn này để bán vé số. Bởi lẽ, khu vực này có quán cơm từ thiện rất nghĩa tình. Mình đi vòng vòng bán vé số và canh cứ đến giờ quán mở cửa thì vào ăn liền. Mặc dù, mỗi phần ăn là 2.000 đồng, nhưng ngày nào cũng đổi món và rất ngon miệng. Hình như các cô, chú phục vụ không bao giờ từ chối hay nặng lời khi chúng tôi xin thêm cơm, canh hay thức ăn. Lúc nào họ cũng tươi cười và thân thiện. Tôi ước mong sao quán mở bán thêm các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy để hỗ trợ cho người nghèo chúng tôi!”. Để duy trì hoạt động quán cơm xã hội, các cựu học sinh Trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong đã vận dụng các mối quan hệ xã hội của mình kiếm tìm tài trợ. Tại quán cơm, các anh, chị làm việc không lương mà còn chắt chiu từng đồng kinh phí…
Nhà tự thuê, cơm tự nấu
Ông Đặng Chiếu Nhiên, phụ trách quán cơm cho biết: “Để duy trì được quán cơm xã hội này chúng tôi đã tính toán rất chi li các chi phí. Tiền thuê nhà, tiền điện, nước là chi phí không thể cắt giảm được. Còn khoản nào tiết kiệm được thì mình phải chắt chiu. Nhờ người quen giới thiệu tôi đã liên hệ với các tiểu thương ở chợ đầu mối Thủ Đức. Họ vui vẻ gom góp rau, củ, quả tặng chúng tôi. Hàng ngày họ gửi quà tặng đó theo xe tải về tuyến đường nhỏ bên hông chợ Tân Bình. Tuy nhiên, khu vực đó phải dọn dẹp, trả lại mặt bằng trước 5 giờ cho Ban quản lý chợ Tân Bình. Vậy là mỗi ngày mình phải đến đó lúc 4 giờ 30 phút để lấy rau. Thuê xe ôm công nghệ chuyên chở cũng được, nhưng chi phí từ đó về quận 7 rất cao. Thôi mình ráng chịu cực một chút để tiết kiệm chi phí, duy trì hoạt động!”.
Như đã đề cập, nhân viên phục vụ quán đã quen biết với các khách hàng thân thiết, thường xuyên đến quán dùng bữa. Do vậy, cứ thấy khách hàng nào vắng mặt vài bữa là các anh, chị lại tìm hiểu nguyên nhân. Tính đến nay, ngoài hàng trăm phần ăn phục vụ tại quán, các anh, chị còn dành 15 phần ăn tặng cho Tổ ấm ở gần đó và cắt cử người đem 15 phần ăn đến tận nhà những người đã từng ăn tại quán, nhưng nay già yếu, bệnh tật không thể đi đến quán.
Ông Nhiên cho biết thêm: “Làm công tác xã hội thì cực nhưng rất hạnh phúc. Bởi lẽ, chúng tôi đã đồng hành và thay mặt anh, em cựu học sinh Pétrus Ký - Lê Hồng Phong ở trong và ngoài nước chia sẻ một phần khó khăn với người nghèo. Ngoài 2 quán cơm Mây Ngàn 1 (ở cư xá Lữ Gia, phục vụ các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu) và Mây Ngàn 2, chúng tôi còn hỗ trợ kinh phí tiếp sức cho Mái ấm Mây Ngàn, nơi đang nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Nhờ hoạt động nghĩa tình, công khai, minh bạch… ngoài anh em cựu học sinh trong, ngoài nước, chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, gạo, rau, củ, quả, bánh, trái… của các doanh nghiệp và người dân”.
TIN LIÊN QUAN
Học sinh nghèo, mồ côi được trường nuôi dưỡng miễn phí
Bà Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) cho biết, đang tiếp tục vận động các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường sinh sống để giáo viên nuôi dưỡng.
Cô giáo mầm non bị tai nạn cần sự giúp đỡ
Vụ tai nạn giao thông khiến cô giáo mầm non Trần Thị Trí bị cán dập nát phải cắt bỏ chân phải. Gia đình có 3 người con nhỏ, chồng làm thuê thu nhập bấp bênh và hiện đang ở trọ, nên hoàn cảnh rất khó khăn rất cần sự chung tay, giúp đỡ của toàn xã hội.
Bé trai 3 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo
Vừa thấy người lạ, bé Nguyễn Văn Chí Trung (34 tháng tuổi, quê quán ấp Tân Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang - ảnh) đã khóc thét và rúc đầu vào ngực mẹ.
Hành động đẹp của người đàn ông ở Bình Định khi nhặt được tiền, vàng
Một người đàn ông ở xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn, Bình Định) có hành động đẹp khi trả lại tiền, vàng trị giá gần 43 triệu đồng nhặt được cho người bị mất.
Thuốc nam từ thiện
Mỗi buổi sáng, khuôn viên điện thờ Phật Mẫu Trường Tây (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) trở nên nhộn nhịp với các hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí. Bệnh nhân ra vào tấp nập, đông đảo người làm từ thiện làm việc không ngơi tay.
Công ty TPComs trao tặng 12 tấn gạo cho Bếp ăn từ thiện Bệnh viện II Lâm Đồng
Chiều 22/12, Công ty TPComs (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Bảo Lộc, Hội Chữ thập đỏ thành phố và Bệnh viện II Lâm Đồng tổ chức chương trình ký kết trao tặng 12 tấn gạo cho Bếp ăn từ thiện Bệnh viện II.
Mẹ bé gái hiếu thảo ở Bình Định xuất viện
Sáng 22-12, lãnh đạo, bác sĩ Bệnh viện Bình Định đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật, tặng hoa chúc mừng bà Phạm Thị Lan (mẹ bé gái hiếu thảo Phan Thị Ca) xuất viện trở về nhà.
Cô Sáu Hà nặng tình xứ biển
Mặc dù đã gần 70 tuổi, nhưng bà Lâm Thị Hà, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Khu phố Hải Trung, TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ vẫn xông xáo trong công tác hội và chăm lo cho bà con trong khu phố. Người dân ở đây trìu mến gọi bà là cô Sáu Hà.
Xót xa gia đình sống trong căn nhà chờ sập, dồn tiền chữa bệnh thần kinh cho con
Nhiều năm nay vợ chồng anh Hiếu vẫn sống trong căn nhà tạm được lợp bằng lá, trời nắng thì nóng, mưa thì dột, trong nhà không có một tài sản giá trị.
Hỗ trợ, chữa bệnh cho mẹ của bé gái nhặt ve chai
Ngày 13-12, Bệnh viện Bình Định đã cử các y, bác sĩ phối hợp với chuyên gia y tế tại TPHCM đến tận nhà, hỗ trợ khám bệnh cho bà Phạm Thị Lan (40 tuổi), mẹ của em Phan Thị Ca (học sinh lớp 9, Trường THCS Cát Tường, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định).