largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

TPHCM "dao mổ rạch 3 lần", còn Đắk Lắk người nhà bệnh nhân tự mua dao mổ

 Giải pháp tốt nhất bây giờ là người dân vẫn mua dao mổ từ bên ngoài vào và sau đó đưa hóa đơn để bảo hiểm chi trả. Chuyện này đã xảy ra từ lâu ở Đắk Lắk, không phải mới bây giờ.

Đại diện của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết như vậy sau khi báo chí phản ánh việc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thiếu hụt dao mổ cho bệnh nhân và yêu cầu người nhà của họ đi mua bên ngoài.

Không chỉ dao mổ, bệnh viện cũng thiếu thuốc, dịch truyền. Bác sĩ kê toa cho bệnh nhân hoặc người nhà ra ngoài mua.

Bệnh viện mà thiếu thuốc, thiếu thiết bị khám chữa bệnh thì có còn là bệnh viện nữa không?

Đương nhiên bệnh viện rất muốn mua thiết bị y tế và thuốc men đầy đủ để phục vụ bệnh nhân, nhưng cơ chế, quy định chưa rõ ràng, ai cũng e sợ vạ lây. Nếu như không may có sai phạm thì có thể rơi vào vòng lao lý, thân bại danh liệt.

Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, nơi người nhà bệnh nhân phải tự mua dao mổ. Ảnh: Bảo Trung

Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, nơi người nhà bệnh nhân phải tự mua dao mổ. Ảnh: Bảo Trung

Ngày nào mở báo đọc, thông tin về đồng nghiệp ở các địa phương bị khởi tố, bắt tạm giam khiến nhiều bác sĩ quản lý cơ sở y tế công phải run tay khi đặt bút xuống ký mua hay đấu thầu.

Không riêng gì Đắk Lắk mà nhiều nơi như vậy - không dám làm vì không biết đúng hay sai. Những người làm quản lý bệnh viện thà chấp nhận để bệnh viện thiếu thuốc men, vật tư y tế, còn hơn tự đẩy mình vào rủi ro về mặt pháp luật.

Trong những trường hợp cán bộ y tế sai phạm liên quan đến mua sắm, đấu thầu, cũng có trường hợp không cố tình sai phạm. Nhưng cho dù như vậy, họ cũng phải chịu trách nhiệm. Đó là điều làm cho ai cũng phải sợ, không dám "động tay, động chân", dẫn đến tình hình khan hiếm thuốc điều trị, vật tư y tế trong các bệnh viện hiện nay.

Đừng trách bác sĩ vô tâm, vô trách nhiệm, mà hãy trách hệ thống các quy định về mua sắm, đấu thầu vật tư y tế quá lạc hậu và không minh bạch. Trên thực tế, quy định về mua sắm, đấu thầu vật tư thiết bị y tế có rất nhiều, nhưng không rõ ràng, cụ thể, thậm chí vướng mắc, phức tạp. Có quy định nhưng khi áp dụng không biết đúng hay sai thì những quy định đó nên bỏ đi, bổ sung thay thế cho phù hợp.

Các nhà quản lý tự tin để mua sắm, đấu thầu khi các quy định của pháp luật bảo vệ được người ngay, trị được kẻ gian. Còn quy định nhập nhằng không rõ đúng sai thì người ngay có thể sai phạm, kẻ gian đôi khi lọt lưới.

Để dao mổ không "rạch 3 lần", để bệnh nhân không tự đi mua thuốc, thì phải xử lý từ cái gốc của vấn đề, đó là xây dựng các quy định mua sắm thiết bị, thuốc men, vật tư y tế khoa học, rõ ràng, minh bạch.