largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Thanh Hóa 44,1 độ C, Việt Nam ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ

Mức nhiệt 44,1 độ C ở Hồi Xuân (Thanh Hóa) hôm nay là cao chưa từng có trong lịch sử quan trắc của ngành khí tượng Việt Nam. Nắng nóng trên cả nước khả năng kéo dài hết ngày 7/5.

Chiều 6/5, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết kỷ lục mới về nhiệt độ cao nhất vừa thiết lập ở khu vực xã Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa). Trạm quan trắc tại đây ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong ngày là 44,1 độ C.

Đây là mức nhiệt cao chưa từng có ở Việt Nam từ trước đến nay trong lịch sử quan trắc của ngành khí tượng. Số liệu này vượt qua kỷ lục cũ là 43,4 độ C ở Hương Khê (Hà Tĩnh), vào ngày 20/4/2019.

Như vậy, lần thứ 3 kể từ đầu năm nay, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ghi nhận các mức nhiệt cao kỷ lục vào cùng kỳ.Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 6/5, khu vực Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao phổ biến 37-40 độ C.

Nhiệt độ đo được ở TP Hà Tĩnh vào trưa 6/5 lên tới 42 độ C. Ảnh: Phạm Trường.

Nhiệt độ đo được ở TP Hà Tĩnh vào trưa 6/5 lên tới 42 độ C. Ảnh: Phạm Trường.

Ngoài Thanh Hóa, nhiều nơi khác cũng nóng đặc biệt gay gắt khi ghi nhận mức nhiệt cao trên 41 độ C gồm: Lạc Sơn (Hòa Bình) 41,7 độ C, TP Hòa Bình 41,3 độ C, Quỳ Châu (Nghệ An) 42 độ C, Tương Dương (Nghệ An) 42,5 độ C, Tây Hiếu (Nghệ An) 42.5 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 41.3 độ C...

Trong khi đó, khu vực Đông Bắc Bộ ghi nhận mức nhiệt thấp hơn nhưng cũng trong ngưỡng nắng gắt, cực kỳ oi bức. Nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Cùng lúc, nắng nóng tiếp diễn ở Tây Nguyên và Nam Bộ với mức nhiệt vào đầu giờ chiều dao động 35-37 độ C.

Đây là đợt nắng nóng diện rộng trên toàn quốc xảy ra lần đầu trong năm nay và có thể kéo dài thêm một ngày tới.

Nhiệt độ cao cùng độ ẩm xuống thấp gây cảm giác khó chịu, khiến người dân dễ cảm thấy kiệt sức khi làm việc dưới nắng nóng trong thời gian dài. Ảnh: Phạm Trường.

Nhiệt độ cao cùng độ ẩm xuống thấp gây cảm giác khó chịu, khiến người dân dễ cảm thấy kiệt sức khi làm việc dưới nắng nóng trong thời gian dài. Ảnh: Phạm Trường.

Ngày 7/5, tình trạng oi bức tiếp diễn ở Tây Bắc Bộ và nền nhiệt tại đây vẫn ở mức rất cao, dao động 36-38 độ C. Một số nơi trên 39 độ C.

Trong khi đó, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên giảm nhiệt nhẹ so với những ngày qua nhưng không đáng kể. Nắng nóng vẫn diễn ra gay gắt khi nhiệt độ cao nhất ở ngưỡng 36-39 độ C. Độ ẩm xuống rất thấp gây cảm giác khó chịu.

Tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố Đồng bằng Bắc Bộ, ngày 7/5, vùng áp thấp nóng suy giảm nên nền nhiệt cũng giảm nhẹ xuống ngưỡng cao nhất 35-36 độ C. Người dân vẫn cảm thấy oi nóng nhưng cảm giác không gay gắt như một ngày trước.

Chuyên gia nhận định từ ngày 8/5, nắng nóng diện rộng có khả năng chấm dứt ở cả Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Tuần tới, thời tiết cả nước dễ chịu hơn nhưng người dân cần đề phòng với những cơn mưa rào và dông.

Đáng lưu ý, một đợt không khí lạnh khả năng tràn xuống miền Bắc trong đêm 7 và ngày 8/5. Hình thái này khiến nền nhiệt ở Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa giảm xuống rất nhanh, dao động 25-28 độ C, vùng núi có nơi dưới 22 độ C.

Từ chiều tối và đêm 7-8/5, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện mưa rào giải nhiệt. Một số nơi mưa lớn với lượng phổ biến 20-40 mm, có nơi trên 60 mm.

Mưa bắt đầu lan rộng ra Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế từ ngày 8/5 với lượng 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. Cùng lúc, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng có mưa rào và dông, tập trung về chiều hoặc tối.

Do mưa xuất hiện sau thời gian nắng nóng kéo dài, người dân cả nước cần đề phòng các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.