largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu BV Nhi đồng 2 không làm gián đoạn ghép gan cho trẻ có chỉ định ghép

Sở Y tế TP.HCM cho biết, một trong những vấn đề khó khăn của ghép tạng là nguồn tạng hiến cho trẻ em quá khan hiếm

 Chiều 24/5, Sở Y tế TP.HCM đã ra chỉ đạo yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tuân thủ quy định về đề án ghép tạng trẻ em để trình Bộ Y tế thẩm định và thông qua. Theo quy định hiện hành, Bệnh viện Nhi đồng 2 đang khẩn trương xây dựng lại đề án ghép tạng trẻ em để trình Bộ Y tế thẩm định và thông qua. Sở Y tế yêu cầu Ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 tuân thủ quy định nhưng không làm gián đoạn ghép gan cho trẻ có chỉ định ghép.

Với tinh thần phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ giữa các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn thành phố và các bệnh viện thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn tiếp tục thực hiện quy trình ghép tạng với sự hỗ trợ của các chuyên gia ghép tạng của Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo kế hoạch, trong tháng 6, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tiếp tục thực hiện ca ghép gan mới với sự phối hợp của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Các bác sĩ thưc hiện ca ghép gan cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: BV

Các bác sĩ thưc hiện ca ghép gan cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: BV

Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, năm 2005, Bộ Y tế đã ban hành quyết định cho phép Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ghép thận và ghép gan trẻ em. 

Ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện vào tháng 6/2004, ca ghép gan đầu tiên thực hiện vào tháng 12/2005, cả 2 đều là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam được ghép tạng. Hiện tại, bệnh nhi đã trưởng thành, có cuộc sống khỏe mạnh. Đến nay đã có 25 bệnh nhi được ghép gan thành công.

Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM cho biết, một trong những vấn đề khó khăn của ghép tạng là nguồn tạng hiến cho trẻ em quá khan hiếm. Theo điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ghi rõ: "Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác".

Do đó, đối tượng trẻ em chết não hiện không được đưa vào nguồn hiến tạng. Với thực trạng hiện tại, ngành y tế mong sớm có điều chỉnh trong luật định để tạo điều kiện cho quy trình ghép tạng thực hiện thuận lợi, các bác sĩ Nhi sẽ có thể trực tiếp lấy tạng từ người cho là trẻ em chết não.

Nhiều tháng qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có trung tâm ghép tạng nhi khoa duy nhất của khu vực phía Nam phải tạm dừng hoạt động ghép tạng. Nhiều phụ huynh có con bị suy gan, suy thận phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi ghép tạng cho con. Trong đó, có một số bệnh nhi đã tử vong trước khi tìm được nơi ghép tạng.

Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết lý do xảy ra tình trạng trì hoãn ghép tạng. Cụ thể, việc ghép tạng trở nên khó khăn là nhân lực thiếu chứng chỉ hành nghề chuyên ngành Nhi khoa, Ngoại nhi hoặc chứng chỉ chuyên môn ghép tạng người lớn; thiếu phòng mổ ghép tạng; thiếu nguồn tạng hiến và quy trình ghép tạng phức tạp.

Được biết, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM là bệnh viện nhi khoa duy nhất tại khu vực phía Nam triển khai các kỹ thuật ghép tạng cho trẻ em. Bắt đầu từ năm 2004, đơn vị này tiến hành ghép gan, ghép thận và ghép tế bào gốc cho trẻ em mắc các bệnh lý liên quan. Tính đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 25 ca ghép gan, 13 ca ghép thận.