largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Lập đoàn kiểm tra nhóm ‘thầy thuốc’ tự nhận bào chế 'thần dược'

Sau khi Tuổi Trẻ khởi đăng loạt phóng sự điều tra “Lật tẩy thần dược giả, quảng cáo dỏm”, lãnh đạo UBND huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra những nội dung mà báo đề cập.

Nhiều loại

Nhiều loại "thuốc" quảng cáo như "thần dược" tại nhà ông Phát chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định của Luật dược năm 2016 - Ảnh: Q.T.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Tam - phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thành - cho biết ngày 3-1, ông đã ký thành lập đoàn kiểm tra nhóm "thầy thuốc" nhận bào chế ra "thần dược". Dự kiến trong ngày hôm nay 4-1, đoàn liên ngành sẽ kiểm tra nhà thuốc Phúc Sinh Đường (khu phố 5, thị trấn Kim Tân).

"Ngoài địa chỉ mà báo Tuổi Trẻ phản ánh thì chúng tôi sẽ kiểm tra tất cả cơ sở hoạt động y, dược trên địa bàn huyện Thạch Thành. Kết thúc quá trình kiểm tra sẽ có thông tin cụ thể…", ông Tam cho hay.

Trước đó, ngày 31-12-2022, trao đổi với phóng viên, ông Tam khẳng định: "Trên địa bàn thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) không có ai được cấp phép để sản xuất thuốc".

Như đã thông tin trong bài phóng sự điều tra, ông Đặng Xuân Phát, ông Đặng Xuân Huy (49 tuổi, con ông Phát) và ông Đặng Xuân Phúc (40 tuổi, con ông Phát) đã được "dựng lên" tự nhận là người bào chế ra nhiều loại "thần được".

Ông Đặng Xuân Phát (giữa) và ông Đặng Xuân Huy (bìa trái) tự nhận bào chế ra

Ông Đặng Xuân Phát (giữa) và ông Đặng Xuân Huy (bìa trái) tự nhận bào chế ra "thần dược", hướng dẫn "diễn viên" đóng giả người bệnh uống "thuốc" Minh Mục Đan - Ảnh: Q.T.

Tuy nhiên khi chúng tôi tìm gặp trực tiếp ông Phát ngỏ ý muốn làm đại lý phân phối thuốc và mở rộng thị trường cho "thuốc" Minh Mục Đan thì người này tiết lộ: "Nhìn vậy thôi, nó là thuốc giả…".

Bên ngoài nhiều hộp "thuốc" Minh Mục Đan ghi: "Lô SX: 010922, NSX: 080822, HSD: 080825; số lô SX: 010822, NSX: 080822, HSD: 080825". Ngoài ra có lô còn không ghi thông tin nơi sản xuất, chỉ ghi: "NSX: 07/2022 và HSD: 07/2024"…

Tại nhà ông Phát, chúng tôi thấy còn có một số loại "thuốc" khác như: Minh Mục Cao (trị sáng mắt), Cao Tâm Phế Vương (chữa viêm phổi, hen suyễn) và Cửu Thập Tâm Lương (đặc trị tiểu đường). Trả lời Tuổi Trẻ, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết những loại "thuốc" này chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định của Luật dược năm 2016.

Không chỉ dựng lên "thầy thuốc", nhiều "diễn viên" sinh sống tại Hà Nội được thuê đến nhà ông Phát thay tên, đổi họ đóng giả người bệnh. Không ít nghệ sĩ, bác sĩ cũng đã được mời review "thuốc", sau đó clip review được tung lên mạng, chạy chế độ quảng cáo lừa dối người xem, bán "thuốc" trục lợi.

Thông tin đến phóng viên, có người bệnh cho biết sau khi uống "thuốc" Minh Mục Đan đã phải cấp cứu nhập viện trong tình trạng khó thở, chảy nước mắt sống, suy thận.