largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Nhóm lao động tự do, mất việc chưa được quan tâm đúng mức

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa nhận quá trình rà soát, xác nhận và hỗ trợ đối tượng lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa được quan tâm đúng mức...

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Nhiều địa phương đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho nhóm đối tượng người có công, người nghèo, bảo trợ xã hội...

Nhiều địa phương đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho nhóm đối tượng người có công, người nghèo, bảo trợ xã hội...

Công điện nêu rõ, qua theo dõi tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại các địa phương trong thời gian qua, về cơ bản các địa phương đã có sự chủ động, quyết liệt trong việc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch và thực hiện chi trả cho các đối tượng.

Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt tình hình tại địa phương và phản ánh của người dân, vẫn còn nổi lên một số vấn đề như: một số đơn vị cấp huyện, cấp xã còn lúng túng, chậm triển khai thực hiện việc hỗ trợ; quá trình rà soát, xác nhận và hỗ trợ đối tượng lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp chưa đầy đủ dẫn đến một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận được đúng chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, nhóm đối tượng người lao động mất việc, ngừng việc lại chưa được quan tâm đúng mức.

Tuy nhiên, nhóm đối tượng người lao động mất việc, ngừng việc lại chưa được quan tâm đúng mức.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp các chính sách của Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt thực hiện tuyên truyền đến các cấp xã, phường, thị trấn, thôn, sóc, bản và đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân các cấp, các doanh nghiệp khẩn trương triển khai việc rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ, xác định chính xác đối tượng, đảm bảo không trùng lặp cũng như xác định cụ thể thời điểm được nhận hỗ trợ, đặc biệt là đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thấp nghiệp, lao động bị ngừng việc, mất việc, hộ kinh doanh có doanh thu thuế dưới 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt công tác chi trả cho các đối tượng, đẩy mạnh việc chi trả trực tiếp qua tài khoản ngân hàng của người dân và người lao động. Đối với các địa phương đang thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện thì tiếp tục triển khai theo quy định.

Các địa phương cũng được đề nghị chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan liên quan tại địa phương tăng cường nhân lực phục vụ, bố trí bộ phận thường trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng giải quyết, không để tình trạng bức xúc kéo dài.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại địa phương bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch và phòng, chống bỏ sót, chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định pháp luật hiện hành.

Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, đến hiện nay, đồng loạt các địa phương trên cả nước đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nhóm đối tượng người lao động tự do, mất việc đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ, nhiều người mất việc lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Đơn cử như tại Hưng Yên, nhiều đối tượng lao động tự do bị mất việc, ngừng việc đã phải về quê mưu sinh, phụ giúp gia đình việc đồng ruộng trong thời gian chờ phục hồi việc làm.

Anh T.T.V (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đang làm nghề tài xế taxi cho biết, thời gian vừa qua, do dịch bệnh nên ít người đi theo yêu cầu giãn cách xã hội nên anh phải dừng lái xe về quê phụ giúp việc gia đình với vợ con. "Tôi vay tiền ngân hàng mua ô tô đi làm taxi hợp đồng, những ngày diễn ra dịch bệnh ít khách nên tôi về quê với vợ con. Giờ mỗi tháng vẫn trả lãi ngân hàng, trong khi tiền không kiếm ra cũng khổ lắm'', anh V chia sẻ.

Anh V vui mừng vì Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có những người lao động phải ngừng việc như anh.

"Tôi cũng được hướng dẫn của chính quyền địa phương đăng ký làm hồ sơ, thủ tục nhận tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy gì. Việc Chính phủ dùng tiền ngân sách để hỗ trợ, giúp đỡ người dân khiến chúng tôi cảm thấy được sự đồng hành, sẻ chia của Nhà nước với dân'', anh V chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên cho biết, đối với các đối tượng người lao động, dưới xã, huyện đang bắt đầu triển khai thống kê, rà soát các trrường hợp được thụ hưởng theo Quyết định 15 của Thủ tướng.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hưng Yên cũng cho biết, công tác rà soát các đối tượng thụ hưởng Sở đã đề nghị các địa phương thẩm định chặt chẽ hồ sơ, thủ tục để đảm bảo không xảy ra hiện tượng trục lợi. Danh sách các đối tượng được thụ hưởng đều được niêm yết công khai nơi chi trả.

''Nhóm đối tượng người lao động chúng tôi cũng đang quyết liệt triển khai, trước hết là công tác rà soát sau đó là việc thẩm định để việc chi trả hỗ trợ được đúng đối tượng'', ông Dũng nhấn mạnh.