largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho NLĐ: Khó hoàn thành trong tháng 8

Đến nay, các địa phương đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của hơn 5,2 triệu lao động. Bên cạnh nhiều địa phương đã “về đích”, vẫn còn các tỉnh, TP như Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Hưng Yên, Đà Nẵng, Tây Ninh... mới giải ngân gói hỗ trợ dưới 50% số tiền.

Bộ LĐTBXH yêu cầu các địa phương cần tuân thủ mốc thời gian đã cam kết, hoàn thành việc giải ngân trong tháng 8.

1.677 tỉ đồng hỗ trợ đến tay người lao động

Liên quan đến tiến độ thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, tính đến 22h ngày 29.8, 60 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ của 124.084 lượt doanh nghiệp với 5.182.111 lượt lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ là hơn 3.265 tỉ đồng (tương đương 50,32% so với số kinh phí dự kiến).

Các địa phương đã thẩm định và ra quyết định phê duyệt được hơn 2.725 tỉ đồng (83,4% số hồ sơ đề nghị), thực hiện giải ngân được 1.677 tỉ đồng (51,36% số hồ sơ đề nghị; 61,54% số đã được thẩm định phê duyệt).

Đến nay, có 55 tỉnh, thành phố có tỉ lệ giải ngân trên số tiếp nhận hồ sơ đề nghị đạt trên 80%. Trong đó, có 22 địa phương có tỉ lệ giải ngân so với số hồ sơ tiếp nhận đề nghị là 100% như: Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Trà Vinh, Hòa Bình, Phú Thọ, Hậu Giang, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Đồng Tháp....

Nhiều người lao động vẫn mong chờ được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà. Ảnh: Lương Hạnh

Nhiều người lao động vẫn mong chờ được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà. Ảnh: Lương Hạnh

Theo Cục Việc làm, dù gần hết thời hạn giải ngân, nhưng một số tỉnh tỉ lệ giải ngân vẫn dưới 50% như Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Hưng Yên, Đà Nẵng, Tây Ninh... Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thực hiện chính sách, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã có có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo các Sở LĐTBXH để đốc thúc việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đến nay tình hình triển khai chính sách đã được cải thiện, song vẫn còn một số tỉnh, thành phố giải ngân chậm, tỉ lệ giải ngân thấp do vai trò người đứng đầu chưa được phát huy.

Theo Bộ LĐTBXH, các địa phương cần tuân thủ mốc thời gian đã cam kết, hoàn thành việc giải ngân trong tháng 8. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 để chính sách này đến với người lao động.

Đôn đốc sát sao

Trước đó, Đoàn công tác của Bộ LĐTBXH đã đến làm việc tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng để đôn đốc việc giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. Theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương, đến hết ngày 26.8, toàn tỉnh đã có hơn 26.000 người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà với tổng số tiền gần 40 tỉ đồng. Đến 17h ngày 26.8, các địa phương trong tỉnh đã chi trả tiền hỗ trợ cho hơn 18.000 người với tổng số tiền gần 28 tỉ đồng, đạt gần 70% số tiền quyết định phê duyệt.

Do có sự đôn đốc sát sao, những ngày qua, Hải Dương đã có sự giải ngân nhanh chóng tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. Cụ thể, ngày 24.8, Hải Dương rơi vào top 5 tỉnh có tỉ lệ giải ngân thấp nhất cả nước (chỉ đạt gần 30%). Đến ngày 29.8, tỉ lệ giải ngân của Hải Dương đã đạt 100%.

Trước đó, đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương đã chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà. Cụ thể, một số doanh nghiệp chưa kịp thời tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ đề nghị của người lao động và tổng hợp gửi đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định. Nhiều doanh nghiệp chờ người lao động hoàn thiện hồ sơ mới gửi đến cơ quan có thẩm quyền nên có thời điểm gây ùn ứ, quá tải trong quá trình thẩm định, xác minh hồ sơ. Người lao động còn gặp khó khăn trong quá trình xin xác nhận của chủ nhà trọ để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc giải ngân, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho hay, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao; chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm.

Trình tự, thủ tục thực hiện đã được đơn giản hóa, nhưng trong thực hiện tại một số địa phương, người sử dụng lao động yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú,…; kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ để xác minh tình trạng cư trú của người lao động.

“Người sử dụng lao động lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần nên đến tháng 7.2022 hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Người sử dụng lao động sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động” - ông Bình nói.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách.