largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Bỏ hàng trăm triệu học trường quốc tế nhưng không có bằng tốt nghiệp

TPHCM - Chấp nhận mức học phí cao tới 18 triệu đồng/tháng với hơn nửa tỉ đồng cho 3 năm học, học trường quốc tế 100% bằng Tiếng Anh nhưng có tới 40% học sinh không thể tốt nghiệp bậc THPT.

Muốn đi du học cũng khó mà ở lại Việt Nam học tiếp bậc đại học cũng không xong - đây là thực trạng mà phụ huynh, học sinh tại Trường THPT Quốc tế Việt Úc (SIC) đang phải đối diện.

40% không vượt qua chuẩn nước ngoài

Thời gian gần đây, một số phụ huynh tại Trường THPT Quốc tế Việt Úc (SIC) tại TPHCM lo lắng khi biết thông tin con mình có nguy cơ không được thi, nhận bằng tốt nghiệp THPT, để đi du học hoặc là học tại một trường đại học ở trong nước.

Trường THPT Quốc tế Việt Úc là trường công lập, được quản lý bởi Sở GDĐT TPHCM, do UBND TPHCM thành lập, dựa trên sự liên kết với Hội đồng học thuật Bang Tây Úc (SCSA), nước Úc.

Ban Giám Hiệu Trường THPT Quốc tế Việt Úc trao đổi với báo chí. Ảnh: V.D

Ban Giám Hiệu Trường THPT Quốc tế Việt Úc trao đổi với báo chí. Ảnh: V.D

Trường hoạt động từ tháng 11.2005. Toàn bộ chương trình giảng dạy tại SIC tuân theo chương trình giảng dạy của Bang Tây Úc. Ngoài ra, học sinh được học thêm môn Việt Nam học (gồm kiến thức 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) theo yêu cầu của Bộ GDĐT để đảm bảo bản sắc của dân tộc.

Để được thi lấy bằng tốt nghiệp chương trình THPT do Bang Tây Úc cấp – trình độ WACE, học sinh phải học theo bảng điểm ATAR. Nhưng do cấp độ này quá sức đối với một số em, nên không ít học sinh không theo kịp, buộc phải đăng ký học theo cấp độ GERNERAL. Điều này đồng nghĩa với việc khi học xong, các em này sẽ không được cấp bằng tốt nghiệp THPT của Bang Tây Úc. Nhà trường chỉ cấp bảng điểm là đã hoàn tất chương trình học ở SIC.

Trường THPT Quốc tế Việt Úc là trường công lập nhưng dạy chương trình quốc tế. Ảnh: HN

Trường THPT Quốc tế Việt Úc là trường công lập nhưng dạy chương trình quốc tế. Ảnh: HN

Đáng lưu tâm hơn là với việc chỉ hoàn thành chương trình học THPT, học sinh khó có cơ hội để tiếp tục học bậc cao hơn. Muốn du học, học sinh sẽ phải chọn học nghề hoặc phải học thêm một khoá dự bị (Foundation) và phải vượt qua vòng thi sát hạch để được đăng ký vào một trường đại học. Chỉ một số rất ít trường chấp nhận học sinh không có bằng tốt nghiệp và sẽ yêu cầu bổ sung thêm nhiều chứng chỉ, trình độ khác theo quy định riêng của từng trường.

Còn nếu phụ huynh muốn cho con vào học tại các trường đại học trong nước thì cũng không thể được vì hiện tại quy định của Việt Nam là học sinh buộc phải tốt nghiệp THPT nếu muốn vào đại học. Thậm chí, không ít trường cao đẳng cũng từ chối ứng viên không có bằng tốt nghiệp THPT.

Không thể quay lại học chương trình Việt Nam

Trao đổi với Báo Lao Động, bà Tô Hạ Uyên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ khi thành lập đến nay, mỗi năm nhà trường có khoảng 40% học sinh không đủ điều kiện để được dự thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT của Úc. Học sinh đạt ở cấp độ WACE, có bảng điểm ATAR thì được xét vào học tại các trường đại học của Úc và nhiều nước ở các quốc gia trên thế giới khác.

Học sinh không đạt cấp độ WACE được nhà trường cấp chứng chỉ và bảng điểm theo dạng hoàn thành chương trình học. Ảnh: HN

Học sinh không đạt cấp độ WACE được nhà trường cấp chứng chỉ và bảng điểm theo dạng hoàn thành chương trình học. Ảnh: HN

Trường hợp học sinh không đạt ở cấp độ WACE mà chỉ ở GENERAL thì được cấp bảng điểm, SIC cấp xác nhận hoàn thành chương trình học. Bà Uyên nhấn mạnh lại đây chỉ là xác nhận hoàn thành, chứ không phải là bằng tốt nghiệp.

Với các học sinh không đạt WACE, mà chỉ nhận bảng điểm thì tùy vào yêu cầu riêng của từng trường đại học có chấp nhận hay không chấp nhận xét bảng điểm. Các trường đại học đều có thể yêu cầu học sinh phải học dự bị đại học, tùy thuộc vào điều kiện của từng trường, hoặc có thể học nghề tại Úc.

Lí giải về việc học sinh học trường công lập nhưng không thể thi tốt nghiệp THPT tại Việt Nam, bà Uyên cho hay đây là chương trình quốc tế 100%, các môn học, điểm số khác với chương trình của Việt Nam hiện hành.

“Trong quá trình để xác định mục tiêu cho con thì phụ huynh được nhà trường tư vấn rất kỹ về chương trình đào tạo quốc tế. Để định hướng cho con đến với quốc tế thì chúng ta đi thẳng con đường chứ nửa chừng quay lại học chương trình giáo dục Việt Nam thì rất khó và không thể nào hoà nhập được”, bà Uyên cho hay.

SIC không phải là đơn vị duy nhất gặp tình trạng này bởi khi xác định việc cho con theo học chương trình quốc tế, các bậc phụ huynh cần phải cân nhắc tới năng lực học tập, khả năng tài chính và con đường đi lâu dài bởi nếu bỏ ngang giữa chừng học sinh rất khó để quay lại chương trình học tập của Việt Nam.

Để giải quyết bài toán về chất lượng học sinh và kết quả học tập sau 3 năm, ông Đỗ Kinh Thành – Phó Hiệu trưởng SIC cho rằng nhà trường sẽ phải kỹ hơn trong khâu tuyển sinh để rà soát về yêu cầu của học sinh, phụ huynh, cảnh báo sớm hơn để họ có chuẩn bị cần thiết.

Cùng với đó, nhà trường tiếp tục tổ chức khóa học làm quen với chương trình quốc tế trong khoảng 5 tháng trước năm học mới để học sinh, phụ huynh tìm hiểu và trải nghiệm môi trường quốc tế, từ đó có những lựa chọn phù hợp. Nhà trường cũng tổ chức lớp dự bị học tiếng Anh, lớp phụ đạo để hỗ trợ học sinh nâng cao năng lực học tập.