largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè: Đâu là giải pháp dứt điểm?

Từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại TP.Biên Hòa lại tái diễn. Bao năm qua chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố đã vận động, tuyên truyền, tổ chức thu gom phương tiện, xử lý người vi phạm… nhưng vẫn không giữ được vỉa hè thông thoáng lâu dài.

Mỗi tối vỉa hè đường Hà Huy Giáp (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) được nhiều người chiếm dụng buôn bán, gây cản trở lưu thông. Ảnh: K.Liễu

Mỗi tối vỉa hè đường Hà Huy Giáp (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) được nhiều người chiếm dụng buôn bán, gây cản trở lưu thông. Ảnh: K.Liễu

Việc chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè sẽ khó đạt kết quả khi mà hầu hết người dân dù biết lấn chiếm vỉa hè là sai nhưng vẫn vi phạm và chính quyền địa phương chỉ dừng ở việc tổ chức các đợt ra quân mà chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

* Rộ lên tình trạng chiếm dụng vỉa hè

Hành vi chiếm dụng vỉa hè để làm chỗ đậu xe, kê bàn, ghế, xe hàng, bày biện hàng hóa, tập kết vật liệu xây dựng, họp chợ… diễn ra khá phổ biến tại các tuyến đường ở TP.Biên Hòa. Chiếm dụng vỉa hè ngoài những người bán hàng rong, xe đẩy hàng lưu động còn có các hàng quán, người kinh doanh ngay mặt tiền đường…

Nhiều đoạn vỉa hè ở một số tuyến đường lớn như: Phan Đình Phùng (P.Quang Vinh), Phạm Văn Thuận (P.Tân Mai), Trần Văn Xã (P.Trảng Dài), Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất và P.Quyết Thắng)... bị chiếm dụng gần hết không còn chỗ cho người đi bộ.

Thời gian gần đây, trào lưu ngồi quán cóc vỉa hè “chém gió” được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Chỉ cần một xe đẩy cùng một số bàn, ghế là đã hình thành một quán nước “chễm chệ” ngay vỉa hè.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định rõ, đối với hành vi lấn sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông chiếm lòng lề đường có thể phạt tiền từ 2-6 triệu đồng. Đối với hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng đối với cá nhân, từ 200-400 ngàn đồng đối với tổ chức.

Vỉa hè công viên Dương Tử Giang vào những buổi tối, nhất là những ngày cuối tuần có rất nhiều điểm bán nước kiểu như trên. Bàn ghế được bày biện trải dài trên vỉa hè, người mua kẻ bán khá tấp nập, nhộn nhịp. “Buổi tối đi bộ dọc vỉa hè công viên Dương Tử Giang rất bất tiện vì phải né các quán lưu động, bàn, ghế được bày biện chiếm hết vỉa hè. Dưới lòng đường thì xe ô tô đậu xếp thành hàng dài, khiến người đi bộ đi lại rất bất tiện” - ông Nguyễn Văn Tình (ngụ P.Tân Tiến) cho hay.

Tương tự, vỉa hè đường Hà Huy Giáp (đoạn từ nhà hàng Sen Vàng đến khu vực vòng xoay Biên Hùng) cũng đang bị chiếm dụng kinh doanh cà phê, sữa đậu nành... Vào các buổi tối, đoạn vỉa hè đường Hà Huy Giáp, đoạn trước Trường mầm non Hướng Dương khách ngồi chật kín.

Hưởng ứng trào lưu ngồi vỉa hè “chém gió”, một quán cà phê tại góc đường Võ Thị Sáu (tiếp giáp đường Cách Mạng Tháng Tám, P.Quyết Thắng) cũng thường xuyên sử dụng vỉa hè làm mặt bằng kinh doanh. Khách ngồi khá đông nên người đi bộ muốn đi qua chỉ còn cách đi xuống lòng đường.

Còn ở con đường quanh sân vận động Đồng Nai (thuộc P.Tân Hiệp), vỉa hè được tận dụng để kinh doanh đồ ăn, thức uống rất sầm uất. Dù lực lượng chức năng nhiều lần ra quân xử lý nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại đây vẫn tái diễn.

* Tìm giải pháp xử lý triệt để

Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng TP.Biên Hòa và chính quyền các xã, phường cho biết, thường xuyên kiểm tra, xử phạt các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Tuy nhiên, theo nhận định của lực lượng chức năng, việc giải quyết triệt để đối với các trường hợp này là không dễ, nhất là với các tuyến đường bị chiếm dụng để buôn bán.

Lãnh đạo một số phường cho biết, với các hộ dân mặt tiền đường nếu vi phạm quy định về sử dụng vỉa hè, lòng đường thì tổ trật tự đô thị có thể xử lý còn với những người bán hàng lưu động thì khó vì khi thấy lực lượng chức năng từ xa, họ đã lên xe bỏ đi. Riêng các trường hợp chiếm dụng vỉa hè để mở “quán cóc”, các địa phương sẽ nhắc nhở, xử lý nghiêm.

Theo ông N.V.T. (ngụ P.Trảng Dài), để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, trước hết trách nhiệm thuộc về cán bộ, chính quyền địa phương. Việc lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè không phải không có quy định để xử lý mà vấn đề nằm ở chỗ áp dụng pháp luật không nghiêm.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Tuấn (ngụ P.Thống Nhất) cho rằng, việc lấn chiếm vỉa hè gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị cần xử lý. Tuy nhiên, nếu chỉ xử phạt thôi thì không thể giải quyết triệt để tình trạng chiếm dụng vỉa hè, cần có giải pháp khả thi hơn. Thực tế có nhiều trường hợp việc buôn bán trên vỉa hè chính là thu nhập nuôi sống cả gia đình nên chính quyền cần có giải pháp để tạo điều kiện sắp xếp cho họ một địa điểm thích hợp để tiếp tục kiếm sống. Thay vì cấm nên xem xét cho phép sử dụng vỉa hè và quản lý việc này thông các quy định cụ thể.

“TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã áp dụng biện pháp thu phí đậu xe trên lòng đường và sử dụng vỉa hè đối với những khu vực có vỉa hè đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn quy định. Nguồn tiền thu được cho hoạt động chỉnh trang đô thị hàng năm, theo tôi TP.Biên Hòa nên tham khảo giải pháp này” - ông Nguyễn Đức Tuấn đề xuất.

Bà LÊ THỊ HẠNH (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa): Quy hoạch tổ chức lại không gian vỉa hè 

Theo quy định, vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ qua lại nhưng chỉ bó khung cứng nhắc như vậy cũng thấy bất tiện. Vì khách bộ hành cũng có nhu cầu ngồi lại với nhau, những lúc dạo phố nếu mệt, khát nước muốn uống một ly cà phê, ly trà sữa hay ăn bánh tráng trộn… thì vẫn có thể thưởng thức, miễn không cản trở giao thông và người đi bộ khác. 

Việc buôn bán trên vỉa hè, với nhiều người có thể là trở ngại đối với mỹ quan đường phố và văn minh đô thị, nhưng nếu xét ở góc độ nhân văn thì là cách đơn giản người nghèo tự kiếm sống, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay. Do vậy, cần sự linh động hỗ trợ từ cơ quan chức năng trong việc xem xét có thể kết hợp quy hoạch tổ chức lại không gian vỉa hè hài hòa lợi ích giữa người dân và cảnh quan đô thị, để mọi người đều hưởng lợi từ vỉa hè. 

Đã từng du lịch Thái Lan, tôi thấy họ vẫn cho phép kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè nhưng được quy hoạch từng khu vực, tổ chức không gian hài hòa. Vỉa hè ở đây không chỉ dành cho người đi bộ thuận lợi mà còn giúp phát triển kinh tế với các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, thưởng lãm nghệ thuật đường phố nhưng không cản trở giao thông, vẫn dành lối cho người đi bộ. 

Bà N.T.H. (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa): Tôi muốn thuê vỉa hè để buôn bán 

Tôi bán cơm tấm trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu 3 năm nay, mỗi lần biết tin có lực lượng chức năng kiểm tra là cứ thấp thỏm không yên. Có khi tôi còn bị thu gom bàn ghế, bảng hiệu. Xe cơm của tôi thường dọn ra vào buổi chiều và bán đến khoảng 12 giờ khuya, thì dọn dẹp sạch sẽ khu vực mình buôn bán. 

Khu vực tôi kinh doanh giá cho thuê mặt bằng rất cao, hàng chục triệu đồng mỗi tháng nên tôi không có khả năng thuê để mở quán. Mà nếu thuê mặt bằng thì không thể bán cơm giá bình dân được. Nhờ giá bán bình dân, ngon, hợp vệ sinh nên khách đến ăn đông, chủ yếu là người lao động, thợ hồ, xe ôm, tài xế và những người thu nhập thấp…

Gia đình tôi có 4 người đều sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ xe cơm bình dân này, bản thân tôi luôn có ý thức sắp xếp nơi buôn bán gọn gàn, sạch sẽ, không gây trở ngại cho người đi bộ do vỉa hè con đường này khá rộng. Nếu chính quyền cho chúng tôi thuê vỉa hè với giá phải chăng, tạo cơ hội buôn bán đàng hoàng, hợp pháp tôi rất mừng. 

Gia An (ghi)