largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

'Vua tôm' Cần Đước

Với thâm niên 24 năm nuôi tôm, kinh nghiệm đầy mình, từ chỗ không có mảnh ruộng, nay ông Khải đã thành tỷ phú. Ông Khải còn được mệnh danh là 'vua tôm' Cần Đước.

Tỷ phú nuôi tôm Nguyễn Văn Khải ở ấp Hòa Quới, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, Long An, Phó chủ nhiệm Hội quán nuôi tôm huyện Cần Đước.

Theo chân lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Long An, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Khải ở vùng nuôi tôm chủ lực của tỉnh Long An, và nghe ông kể về những thăng trầm trong 24 năm gắn bó với con tôm.

“Tôi ngày xưa vốn là thợ mộc, vì mê nghề tôm nên bỏ nghề mộc. Bước vào nghề nuôi tôm, tôi chẳng có nổi 1 công đất. Tất cả đều đi thuê. Hồi đầu mới nuôi, khó khăn nhiều lắm. Vốn không có, phải vay ngân hàng, kỹ thuật không có, phải tự mày mò, học hỏi. Thất bại cũng nhiều, nhưng mình quyết tâm, kiên trì, rút kinh nghiệm dần. Chưa kể, vùng này nước lợ, khó nuôi tôm lắm chứ không đơn giản. Vì thế, ở đây ít người dám làm, tôi thì khác, tôi liều mà. Ban đầu tôi thuê 3 công đất, vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi tôm sú quảng canh. Đây là kiểu nuôi liều, vì thành bại trông vào ông trời là chính chứ kỹ thuật có biết bao nhiêu đâu”, ông Khải kể.

"Vua tôm" Cần Đước Nguyễn Văn Khải. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ông Khải cho biết, thời gian đầu ông nôi tôm, năng suất rất thấp, mỗi công mặt nước ao chỉ được hơn 2 tạ tôm thành phẩm/vụ. Nhưng như vậy, cũng đã là thành công.

“Đến giờ tính ra tôi gắn bó với con tôm cũng mấy chục năm rồi. Nuôi tôm có năm kiếm lời tiền tỷ, cũng có khi thất bại, hoặc chỉ kiếm được vài trăm. Nhưng có 1 điều rất rõ ràng, là tôi đã thành công với con tôm. Nó giúp gia đình tôi có của ăn của để, các con ăn học nên người cũng nhờ con tôm. Thấy tôi thành công, bà con mới đến hỏi để làm, tôi chỉ cho hết, từ cách làm ao, cách xử lý nước. Rồi khi mình có vốn rồi, ai cần vay mình cũng giúp họ”, ông Khải nói tiếp.

Sau khi thắng mấy vụ tôm quảng canh, năm 2000, ông Khải thuê thêm 2ha đất, đầu tư mô hình nuôi tôm bán công nghiệp. Tiếp tục “làm liều” với con tôm. Lúc này, ông lại tiếp tục mày mò, tìm hiểu, và vay vốn ngân hàng đầu tư trang thiết bị ao nuôi với bạt trải, hệ thống xử lý chất thải, tạo oxy…Và ông tiếp tục thành công.

Ao lắng, một trong 3 giai đoạn nuôi tôm của anh Khải. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ao lắng, một trong 3 giai đoạn nuôi tôm của anh Khải. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Sau hơn chục năm gắn bó với nuôi tôm bán công nghiệp và liên tiếp thành công, năm 2018, ông Khải lại một lần nữa “nâng tầm” công nghệ nuôi khi đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao với trang thiết bị mới như hệ thống cung cấp thức ăn tự động, quạt nước, máy thổi oxy đáy, xử lý ao nuôi, ao lắng... Đây là quy trình nuôi khó hơn cách cũ, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, tư duy nhiều hơn.

Để thành công, an toàn hơn, hiện ông Khải và nhiều hộ khác ở Tân Chánh đang áp dụng quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 nuôi trong ao ương diện tích 200m2, tôm giống nhỏ thả với mật độ 1 triệu con/m2 trong thời gian 20 - 25 ngày. Khi tôm đạt kích cỡ khoảng 1.000 con/kg, ông bắt đầu chuyển sang ao khác để nuôi giai đoạn 2 với mật độ từ 300 - 400 con/m2. Sau khi nuôi giai đoạn 2 được khoảng 25 - 30 ngày, tôm đạt kích cỡ 100 - 150 con/kg sẽ chuyển sang giai đoạn 3. Giai đoạn 3 thả mật độ từ 150 - 200 con/m2. Ông Khải cho biết, nuôi theo quy trình 3 giai đoạn, rủi ro thấp, tỷ lệ sống đạt trên 90%, chi phí đầu tư giảm từ 20 - 25% so với cách thả nuôi trực tiếp”, ông Khải nói.

Với hơn 20 năm nuôi tôm, hiện anh Khải là một trong những người nuôi tôm thành công nhất ở Cần Đước, Long An. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Với hơn 20 năm nuôi tôm, hiện anh Khải là một trong những người nuôi tôm thành công nhất ở Cần Đước, Long An. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Theo ông Khải, muốn nuôi thành công thì cần xử lý nước trước tiên. “Trong nuôi tôm, quan trọng nhất là nước. Cho nên, phải “nuôi” nước trước, tức phải xử lý được nước. Sau đó tiến hành vệ sinh môi trường kỹ, phải đảm bảo xử lý hết những nguồn gây hại cho tôm như ốc đỏ, ốc đinh, tôm tích càng đỏ…cuối cùng chọn con giống tốt để thả và áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Như vậy mới nắm được thành công.

So với nuôi truyền thống, bán công nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả cao hơn nhiều. Tôm nuôi lớn nhanh hơn, chống dịch bệnh tốt, giảm hao hụt, giảm chi phí thả nuôi so với nuôi truyền thống khoảng 3 lần. Ngoài ra, thời gian nuôi cũng rút xuống ngắn hơn, còn khoảng 80 ngày”, ông Khải nói tiếp.

Hiện, ông Khải có diện tích nuôi tôm gần 4ha với 10 ao nuôi công nghệ cao. Mỗi năm thu hoạch ngót 80 tấn tôm, lợi nhuận không phải tính hàng trăm triệu, mà là tiền tỷ. Bình quân mỗi ha mặt nước nuôi tôm, ông Khải thu từ 500-600 triệu đồng/năm. “Nuôi tôm bây giờ có quy trình, kỹ thuật hết rồi. Nên cơ hội thành công cao, người nuôi chỉ hơn nhau ở tỷ lệ đầu con đạt là chính”, ông Khải nói.

“Anh Khải là một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi ở địa phương, là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn. Hiện nay với vai trò là Phó Chủ nhiệm Hội quán nuôi tôm huyện Cần Đước, anh Khải có những đóng góp rất lớn cho Hội quán, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm cho các thành viên Hội quán và bà con trong vùng. Anh cũng là người có nhiều đóng cho địa phương, như hỗ trợ vốn vay không lãi cho các hộ khó khăn làm kinh tế, hiến đất mở đường, góp Quỹ Hỗ trợ nông dân, hỗ trợ con em hội viên khó khăn đến trường…”, ông Trần Quốc Toản, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An.