largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

VietJet liên tục hủy chuyến bay, khách bức xúc “tố” hãng lừa đảo

Vài ngày trở lại đây, các đại lý, hành khách mua vé máy bay đều bày tỏ sự bất bình với hãng hàng không VietJet, và cho rằng, hãng đang cố tình làm ăn gian lận, giữ tiền vé máy bay của khách để tăng dòng tiền do thiệt hại khủng khiếp từ dịch Covid-19.

Anh Trần Quốc Cường ở Trần Hưng Đạo, Hà Nội bức xúc, sáng 24/4, anh đặt vé máy bay chặng Hà Nội- Phú Quốc trên chuyến bay VJ453, bay lúc 13h30 ngày 25/4. Nhưng khoảng 3-4 giờ đồng hồ sau, VietJet Air nhắn tin hủy chuyến bay VJ453 đồng thời cho biết, nếu muốn thì có thể bảo lưu vé trong thời hạn 360 ngày.

“Tôi nghĩ tưởng do hạn chế dịch Covid-19 nên hãng buộc phải hủy chuyến bay này. Tôi chấp nhận hủy vé chuyến bay VJ453 ngày 25/4 và đổi sang chuyến bay khác. Kỳ lạ thay, tôi tìm thấy chuyến bay số hiệu VJ1453 cũng bay lúc 13h30 phút ngày 25/4, chặng Hà Nội- Phú Quốc luôn. Tôi muốn đổi sang chuyến bay này nhưng gọi tổng đài của hãng không được”.

Không chỉ anh Quốc Cường, mà những ngày qua, rất nhiều hành khách mua vé máy bay của VietJet Air cho các chặng bay trong ngày tới đều rơi vào tình trạng, bỗng nhiên bị hủy chuyến bay, rồi cho phép bảo lưu giữ vé.

Nhưng cũng ngày giờ ấy, chuyến bay ấy, VietJet Air mở bán vé một chuyến bay khác. Nếu khách hàng muốn chuyển qua chuyến bay này thì phải bù thêm tiền chênh rất lớn, thường từ 700.000 đồng- vài triệu đồng/người.

Đại lý vé phản ánh tới Fanpage của VietJet về việc hủy chuyến vô tội vạ

Đại lý vé phản ánh tới Fanpage của VietJet về việc hủy chuyến vô tội vạ

Anh Nguyễn Xuân Hợi ở Quận Kiến An, Hải Phòng vẫn chưa hết bức xúc cho biết, sáng 24/4, anh Hợi lên website của VietJet Air đặt vé chuyến bay VJ277 chặng Hải Phòng- Tân Sơn Nhất, bay lúc 12h15 ngày 25/4.

Song, chỉ vài tiếng sau, VietJet Air nhắn tin thông báo với nội dung: “Vì lý do dịch bệnh Covid-19, chuyến bay của quý khách đã hủy. Tài khoản vé đã được bản lưu trong 360 ngày, khu có nhu cầu sử dụng, gửi qua email [email protected]”.

Anh Hợi cho hay: “Tôi rất bức xúc. Vì sau khi nhận được tin nhắn hủy chuyến của VietJet Air, tôi đã lên website của hãng để đặt bay chuyến khác vào Sài Gòn có việc gấp. Và, tôi phát hiện ra, hãng đã mở một chuyến bay khác, số hiệu VJ1275 cũng chặng Hải Phòng-Tân Sơn Nhất, giờ bay 12h15. Nhưng muốn chuyển qua bay chuyến này tôi phải đóng phí chênh lệch”.

Còn chị Nguyễn Hằng, một đại lý bán vé máy bay trên địa bàn quận Thanh Xuân cho hay, sáng 24/4, chị Hằng xuất 4 vé cho khách trên chuyến bay VJ246, chặng bay Tân Sơn Nhất- Thanh Hóa, giờ bay 13h30 ngày 25/4. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, hãng nhắn tin đến đại lý thông báo hủy chuyến bay này.

“Tôi kiểm tra trên hệ thống bán vé thì thấy hãng mở một chuyến bay VJ1242, chặng Tân Sơn Nhất- Thanh Hóa, cũng bay 13h30 ngày 25/4. Và 4 khách của tôi đã xuất vé nếu muốn chuyển sang chuyến bay này thì phải bù thêm phí chênh lệch, khá cao. Tôi gọi Tổng đài hỗ trợ VietJet đến cháy máy cũng không có hồi âm. Khách bị hủy vé thì bức xúc, khi được thông báo muốn bay ngày giờ ấy phải bù thêm tiền chênh thì chửi đại lý chúng tôi như một lũ lừa đảo”- chị Hằng vẫn còn bức xúc kể lại.

Cũng bởi lùm xùm liên quan đến nghi vấn “cố tình lừa để bẫy khách hàng, đại lý bán vé máy bay” để chiếm dụng vốn, tăng dòng tiền do bị thiệt hại nặng về vì Covid-19, hàng chục đại lý bán vé máy bay trên một Group bán vé uy tín đã “rủ nhau” phản ánh đến Cục Hàng không Việt Nam để mong có thay đổi từ VietJet Air.

Cộng đồng đại lý

Cộng đồng đại lý "rủ" nhau "tố" VietJet với lãnh đạo Cục hàng không

Một thành viên trên Tổng hội bán vé máy bay đã kêu gọi: “Các đại lý gọi đến lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam để phản ánh về chất lượng dịch vụ của VietJet Air. Chắc chắn khi lãnh đạo Cục biết có nhiều dư luận không tốt về VietJet, họ sẽ có chỉ đạo. Mọi người đừng có ngại, nếu không bận chắc chắn họ sẽ nghe máy. Trên lãnh thổ Việt Nam, pháp luật là tối thượng”. Kèm theo đó là hình ảnh, số điện thoại cơ quan, email của ban lãnh đạo Cục Hàng không được thành viên này đính kèm đưa lên. Ngay sau đó đã nhận được sự đồng thuận của hàng chục đại lý bán vé máy bay khác. Một số đại lý bán vé máy bay cho rằng, VietJet Air đang lợi dụng dịch Covid-19 để hủy chuyến bay vô tội vạ, ngay sau đó mở chuyến bay khác, cùng ngày giờ bay, cùng chặng để ăn tiền chênh lệch nếu khách muốn đổi vé.

Có nhiều đồn đoán cho rằng, VietJet đang gặp khó khăn về tài chính, dòng tiền bị sụt giảm mạnh. Bằng chứng là dịp trước Tết nguyên đán 2020 khi chưa có dịch Covid-19, giá cổ phiếu của VietJet Air (VJC) thường xuyên dao động ở mức 142.000-148.000 đồng/CP. Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2020 đến nay, cổ phiếu của VietJet liên tục lao dốc, thời điểm thấp nhất chỉ còn ở mức 94.000 đồng/CP.

Tòa soạn Thương hiệu và Sản phẩm nhận được phản ánh, vào cuối tháng 3/2020 khi dịch bệnh (dịch COVID-19) bùng phát mạnh, các chuyến bay của các hãng hàng không nói chung và hãng hàng không VietJet nói riêng bị hoãn, hủy chuyến nhiều.

Khi đó để giải quyết quyền lợi cho khách hàng Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Liên Lục Địa (Cty Liên Lục Địa) đề nghị phía hãng hàng không VietJet có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, Cty Liên Lục Địa đề nghị hãng “hoàn tiền vé về tài khoản đại lý của Cty Liên Lục Địa”. Tuy nhiên, hãng không đồng ý và chỉ “hoàn bảo lưu” trong vòng 180 ngày. Nếu trong 180 khách hàng không đi sẽ mất toàn bộ số tiền vé. Lúc này Cty Liên Lục Địa không đồng ý bởi như vậy sẽ gây khó khăn cho khách hàng, cho chính đại lý. Bởi, dịch bệnh không biết khi nào mới giảm, khách hàng khi nào mới bay được...

Sau cùng, Cty Liên Lục Địa lại nhận được nội dung của hãng VietJet là Hủy hợp đồng đại lý vé đối với Công ty, lý do “doanh số giảm không đạt theo chỉ tiêu của quý hãng đề ra”.

Ngoài ra Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm cũng nhận được thông tin về việc hãng bay này có dấu hiệu lừa dối khách hàng ở chương trình thẻ bay vạn năng “POWER PASS”. Liên quan đến các nội dung này, đại diện truyền thông của VietJet xác nhận đã nhận được câu hỏi của tòa soạn đến Email hệ thống, tuy nhiên vị này nói chưa hẹn thời gian sẽ trả lời.