largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Vì sao chúng ta dễ bị bệnh khi trời trở lạnh?

Chúng ta có 1 “đội quân miễn dịch” trong mũi để chống lại nguy cơ nhiễm trùng, nhưng chỉ một nửa trong số chúng hoạt động khi trời lạnh.

Nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng đã chỉ ra một sự thay đổi sinh lý giải thích tại sao chúng ta dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp khi thời tiết xấu.

Phát hiện này là cơ chế sinh học đầu tiên giải thích tại sao cảm lạnh thông thường, cúm và COVID-19 lại tăng đột biến theo mùa, khi thời tiết lạnh hơn ở một số vùng nhất định và có thể giúp chúng ta tìm ra các biện pháp phòng ngừa tốt hơn.

Tiến sĩ Benjamin Bleier - giám đốc nghiên cứu trung tâm tai mũi họng Mass Eye and Ear tại Boston, Mỹ và là tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Thông thường, người ta cho rằng cảm lạnh và cúm xảy ra vào những tháng lạnh vì mọi người ở trong nhà nhiều hơn, nơi vi rút trong không khí có thể lây lan dễ dàng hơn.

Vào những tháng trời lạnh trong năm, số người bị bệnh về hô hấp thường tăng đột biến

Vào những tháng trời lạnh trong năm, số người bị bệnh về hô hấp thường tăng đột biến

Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân gốc rễ sinh học dẫn đến sự thay đổi theo mùa của các bệnh nhiễm vi rút đường hô hấp trên mà chúng ta thấy hàng năm, gần đây nhất là đại dịch COVID-19”.

Mũi là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại mầm bệnh xâm nhập. Việc phát hiện mầm bệnh ở mũi không khác gì bạn chọc vào 1 tổ ong bắp cày. Khi nhận ra dấu hiệu “xâm lăng”, một loạt túi ngoại bào (EV) ở mũi được giải phóng để bắt giữ và tấn công những "kẻ xâm lược".

Nghiên cứu chỉ ra rằng 1 loại vi rút corona và 2 loại vi rút gây bệnh cảm lạnh thông thường có thể giải phóng EV theo các đường truyền tín hiệu khác nhau. Dù vậy hệ thống EV không phải là không có điểm yếu.

Khoang mũi tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài do nhô ra khỏi khuôn mặt và tồn tại để hút không khí - vốn có thể rất lạnh vào mùa đông. Nghiên cứu mới cho thấy những người tham gia khỏe mạnh tiếp xúc với nhiệt độ 4,4°C trong 15 phút khiến nhiệt độ bên trong mũi giảm 5°C.

Khi họ sử dụng nhiệt độ giảm đó để mô hình hóa phản ứng của mô mũi đối với mầm bệnh trong thực nghiệm, họ nhận thấy rằng phản ứng miễn dịch giải phóng EV bị cản trở. Số lượng EV được tiết ra để bảo vệ chống lại mầm bệnh được phát hiện đã giảm gần 42%. Đồng thời những EV được kích hoạt cũng chứa protein kháng vi rút bị suy yếu.

Tiến sĩ, giáo sư Mansoor Amiji (Đại học Northeastern ở Boston) cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra cơ chế miễn dịch trong mũi liên tục bị suy yếu và đã chỉ ra điều gì làm ảnh hưởng đến sự bảo vệ này. Câu hỏi bây giờ chuyển thành: làm thế nào chúng ta có thể khai thác hiện tượng tự nhiên này và tái tạo cơ chế phòng thủ ở mũi nhằm tăng cường sự bảo vệ, đặc biệt là trong những tháng lạnh hơn?".