largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Từ “học đại” trở thành nữ giảng viên “đánh đâu thắng đó”

Học về môi trường không có nghĩa là chỉ đến những nơi ô nhiễm, mà còn phải từ thực tế xung quanh.

TS Võ Thanh Hằng hiện là giảng viên Khoa môi trường và tài nguyên, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Môi trường là lĩnh vực chị Hằng đã từng chọn “học đại” khi vào ĐH năm 1998 và bị cuốn hút, để rồi gắn bó, say mê với ngành hơn 20 năm qua.

TS Võ Thanh Hằng cùng nhóm sinh viên chế tạo máy lọc không khí Air Mask giành giải nhất cuộc thi Bách khoa Innovation năm 2020. Ảnh: PHẠM ANH

TS Võ Thanh Hằng cùng nhóm sinh viên chế tạo máy lọc không khí Air Mask giành giải nhất cuộc thi Bách khoa Innovation năm 2020. Ảnh: PHẠM ANH

Càng học càng thấy thiếu kiến thức

Nhiều đề tài nghiên cứu, dự án của sinh viên dưới sự hướng dẫn của TS Võ Thanh Hằng đã chiến thắng tại nhiều cuộc thi và bước đầu có những đơn đặt hàng để tạo nguồn thu.

Đơn cử như ba năm liền chị đoạt giải nhất cuộc thi Bách khoa Innovation (2018, 2019, 2020); chế tạo máy lọc không khí Air mask được lọt vào chung kết khởi nghiệp toàn quốc năm 2020; giải nhất cuộc thi ý tưởng kinh doanh do Trường ĐH Kinh tế - Tài chính tổ chức năm 2018; giải khuyến khích toàn quốc về sáng tạo sinh viên trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức…

Nhớ lại những năm tháng cũ, TS Hằng cho biết chị là cựu sinh viên của Khoa môi trường những năm 1998. Chị chọn ngành này do thích Trường ĐH Bách khoa nên chọn “học đại” ngành môi trường vì có tuyển nữ.

Ban đầu chị gặp không ít trở ngại vì mơ hồ về ngành nghề, kiến thức chuyên môn khó, nguồn tài liệu hạn chế… Tuy nhiên, khi được cùng các thầy cô làm nghiên cứu, đi thực tập thực tế, chị bắt đầu có hứng thú. Đặc biệt, từ năm thứ ba, chị bắt đầu đam mê khi được theo đuổi lĩnh vực mới về nước. Chị nhận thấy những gì mình học và làm sẽ tốt cho sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành quản lý môi trường, chị về làm việc ở Sở TN&MT TP.HCM được sáu năm rưỡi với vị trí là chuyên viên. Công việc của chị luân chuyển các lĩnh vực như quản lý quan trắc, quản lý môi trường địa bàn, phát triển năng lượng sạch…

Càng làm việc chị càng nhận thấy thiếu kiến thức để giải quyết nên chị vừa đi làm vừa học cao học về khoa học môi trường.

Năm 2009, chị giành được học bổng và quyết định xin nghỉ việc để đi Hàn Quốc học tiến sĩ về kỹ thuật môi trường trong ba năm. Chị là người duy nhất tại TP.HCM được học bổng đi học nước ngoài năm đó.

“Lúc đó mình chỉ muốn làm sao tiếp cận công nghệ, chính sách và con người để học tập cái hay của đất nước khác. Trước hết là cho chính nhu cầu muốn học hỏi của mình” - TS Hằng bộc bạch.

Bỏ lương ngàn đô, trở về với 3 triệu đồng/tháng

Đến năm 2012, TS Hằng tốt nghiệp tiến sĩ loại xuất sắc và được nhận ở lại làm việc với mức lương 3.000 USD/tháng. Sau bốn tháng, chị quyết định về nước với mong muốn đi giảng dạy, muốn truyền đạt kiến thức và những hiểu biết công nghệ mà chị đã học được đến các thế hệ sau.

“Dù nước ngoài trả lương cao, cơ sở vật chất đầy đủ, điều kiện nghiên cứu tốt nhưng mình cảm thấy dù có làm đến 10 năm nữa, mình vẫn như lao động làm thuê cao cấp. Tiền họ trả nhưng những giá trị về nghiên cứu của mình vẫn là phục vụ cho nước họ, mình thấy như vậy là không hợp lý nên mình về. Về càng sớm thì mình còn khả năng phấn đấu để đạt được những điều mình muốn” - TS Hằng chia sẻ.

Sau nhiều lần nộp hồ sơ xin việc, năm 2012, chị được nhận vào trường cũ là ĐH Bách khoa với mức lương theo hệ số khoảng 3 triệu đồng/tháng. Theo TS Hằng: “Dù bắt đầu lại từ con số 0 nhưng tôi được tạo nhiều điều kiện để nghiên cứu và giảng dạy. Tôi nghĩ khi đi dạy, chính câu hỏi mà sinh viên đặt ra hoặc trả lời sẽ là động lực để tôi nghiên cứu và học tập, từ đó phát triển bản thân hơn”.

Năm 2013, TS Hằng thực hiện dự án nghiên cứu cùng với một đồng nghiệp trong khoa và xin được tài trợ trị giá 30.000 USD từ Hàn Quốc về xử lý nước sinh hoạt cho người dân. Nhờ đó dự án đã đem lại những lợi ích về đào tạo, được tiếp cận dự án quốc tế, phát triển các đề tài nghiên cứu về xử lý nước thải…

Bên cạnh đó, chị luôn khuyến khích và thường xuyên hướng dẫn sinh viên thực hiện các đề tài về môi trường để tham dự các cuộc thi về sáng tạo, khởi nghiệp. Từ đó, chị cùng với khoa đã có những đổi mới để đưa ngành học môi trường trở nên năng động, hấp dẫn hơn.

TS Hằng cho rằng mục đích cuối cùng vẫn là gắn liền giữa đào tạo với thực tế, với địa phương và doanh nghiệp. Từ đó, chị mong muốn thay đổi nhận thức của học sinh, gia đình và xã hội về ngành học môi trường, thay đổi nhận thức của mỗi người về bảo vệ môi trường.

“Trước đây nhiều người hay gọi tôi với biệt danh là “tiến sĩ về rác”, họ nghĩ môi trường chỉ là vấn đề ô nhiễm. Đúng, môi trường là giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nhưng các em đều được trang bị kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân chứ không phải cứ ô nhiễm là phải đưa thân ra để làm hại bản thân, như vậy thì không ai làm việc hết” - TS Hằng phân trần.

TS Hằng ví dụ về dự án chế tạo máy lọc không khí Air Mask theo công nghệ mới mà chị đang hướng dẫn cho sinh viên làm để chuẩn bị bước vào chung kết khởi nghiệp toàn quốc diễn ra vào tháng 12 tới. PGS-TS Võ Lê Phú, Trưởng Khoa môi trường và tài nguyên, Trường ĐH Bách khoa, chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy, TS Hằng rất nhiệt tình và năng động. Cô có đam mê với các ý tưởng sáng tạo mới để cùng sinh viên làm và đã có nhiều giải thưởng ở các sân chơi sáng tạo, khởi nghiệp trong và ngoài nước. Từ sự năng nổ của cô cùng với các thầy cô khác trong khoa đã góp phần đưa các ngành học về môi trường trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn, thu hút nhiều sự quan tâm của học sinh, sinh viên”.