largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

TP Thủ Đức cần thử nghiệm bình thường mới để nhân rộng toàn TP.HCM

Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị TP Thủ Đức nỗ lực có các sáng kiến, sáng tạo và thử nghiệm mô hình quản lý phù hợp trong thời kỳ bình thường mới để nhân rộng ra toàn TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác tới dự Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ 16/9 đến 22/9 tại TP Thủ Đức.

Rà soát khu nhà ở chật hẹp

Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của TP Thủ Đức, góp phần để TP.HCM có thêm một địa phương cơ bản kiểm soát được dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, ông đề cập đến một số hạn chế của TP Thủ Đức như công tác an sinh xã hội. Lãnh đạo TP.HCM chia sẻ với khó khăn khách quan của địa phương và yêu cầu TP Thủ Đức thực hiện công tác an sinh xã hội công khai, minh bạch và không để xảy ra sót lọt, không hỗ trợ trùng lắp.

“Chúng ta không thể tiếp tục kéo dài giãn cách nghiêm ngặt mà cần phải từng bước mở dần, thích ứng an toàn để kinh tế phục hồi và các hoạt động xã hội dần trở lại bình thường”, Bí thư TP.HCM nhấn mạnh và bày tỏ sự đồng tình với kế hoạch mở cửa trở lại của TP Thủ Đức.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: HMC.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: HMC.

Ông Nên yêu cầu TP Thủ Đức xây dựng chiến lược y tế bài bản trong bình thường mới. Chiến lược an sinh xã hội phải tính đến việc làm, chỗ ở cho công nhân, người lao động.

Khi người lao động có việc làm thì gánh nặng an sinh sẽ giảm. Tuy nhiên, thành phố cũng phải tính đến chỗ ở an toàn với dịch bệnh cho người dân. TP Thủ Đức rà soát các khu vực nhà ở chật hẹp, không đảm bảo môi trường sức khỏe và có kế hoạch kêu gọi đầu tư.

“Nhân lúc này, chúng ta cần bố trí, sắp xếp và quy hoạch lại để TP Thủ Đức tương xứng với tầm vóc, định hướng phát triển”, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu.

Bí thư Thành ủy TP.HCM dẫn chứng thêm một số hạn chế của TP Thủ Đức như việc kiểm soát đi lại hiện nay. Dù số lượng người được ra đường rất ít nhưng việc dừng xe quét mã QR vẫn tạo ra ùn ứ tại các chốt. Khi TP.HCM bước vào trạng thái bình thường mới, số người ra đường cao gấp nhiều lần hiện nay mà kiểm tra “thẻ xanh Covid-19” như vậy là không ổn.

Bí thư nhận định các hạn chế này cũng là vấn đề chung của TP.HCM. TP Thủ Đức cần nỗ lực có các sáng kiến, sáng tạo và thử nghiệm mô hình quản lý phù hợp trong thời kỳ bình thường mới để nhân rộng.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng yêu cầu các ngành, các cấp hình dung được tình huống phát sinh khi mở cửa trở lại để công tác quản lý, kiểm soát không tạo ra ùn ứ và đảm bảo các quyền đi lại, hoạt động giao thương, sinh hoạt… của người dân.

TP Thủ Đức đã kiểm soát được dịch bệnh

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, cho biết từ 28/8 đến 21/9, số ca mắc Covid-19 tại thành phố liên tục giảm. Từ 15/9 đến 21/9, TP Thủ Đức không ghi nhận chuỗi lây nhiễm mới. Tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt gần 99,6%, mũi 2 đạt 36,2%.

“Chúng tôi phấn đấu đến ngày 30/9, 100% người dân được tiêm ngừa, 100% người dân là F0 đã khỏi bệnh sẽ được cấp thẻ xanh Covid-19 để thuận khi lợi tham gia các hoạt động xã hội”, ông Hiếu cho biết.

TP Thủ Đức tái khởi động 4 công trình xây dựng ở vùng xanh trong sáng 23/9. Ảnh: Chí Hùng.

TP Thủ Đức tái khởi động 4 công trình xây dựng ở vùng xanh trong sáng 23/9. Ảnh: Chí Hùng.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Lê Thị Hồng Nga đánh giá số ca mắc mới ở TP Thủ Đức liên tục giảm trong 3 tuần gần đây. Tỷ lệ dương tính trên tổng số người xét nghiệm cũng giảm. Đối chiếu với các tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 của Bộ Y tế, TP Thủ Đức đã kiểm soát được dịch bệnh.

TP Thủ Đức đang xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế theo các giai đoạn cụ thể, với từng loại hình hoạt động và địa bàn cụ thể.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cũng bày tỏ lo lắng về việc kiểm soát dịch sau khi mở cửa trở lại, đặc biệt tại nơi có nhiều khu nhà trọ chật hẹp, dễ tạo ra lây nhiễm dịch bệnh. Ông cho rằng điều kiện quan trọng hàng đầu vẫn là tiêm ngừa đủ liều, giúp người dân tham gia trở lại các hoạt động xã hội an toàn.