largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Tôn trọng quyền hình ảnh của cá nhân trên báo chí

Quyền hình ảnh là một trong các quyền về nhân thân của cá nhân. Quyền này được Hiến pháp và pháp luật tôn trọng, bảo vệ.

Cá nhân có quyền từ chối đăng ảnh mình trên mặt báo. Ảnh: TL

Cá nhân có quyền từ chối đăng ảnh mình trên mặt báo. Ảnh: TL

Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Đỗ Trung Tiến cho biết, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân trên báo chí bị điều chỉnh bởi pháp luật về báo chí, dân sự và các luật có liên quan; 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam ban hành vào năm 2016), quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.

Khi luật chưa quy định rõ

Việc khai thác hình ảnh của cá nhân trên báo chí cũng là khâu không thể thiếu để hình thành nên tác phẩm báo chí có chất lượng, đem lại sự trung thực cho tác phẩm. Chính vì vậy, báo chí luôn ưu tiên lựa chọn những hình ảnh thực của nhân vật gắn với sự kiện, vụ việc theo chủ đề mà tác giả thể hiện để đăng phát hơn là ảnh minh họa.

Tuy vậy, đối với người làm báo có trách nhiệm thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân vào tác phẩm báo chí của mình luôn cân nhắc sao cho việc sử dụng đó không vi phạm quyền về hình ảnh của cá nhân, làm ảnh hưởng tới bí mật đời tư, tâm lý, tinh thần, nhân phẩm, danh dự của họ. Đặc biệt, việc sử dụng hình ảnh trẻ em, người chưa thành niên, người yếu thế (nghèo, tàn tật, đồng tính, bị mắc bệnh hiểm nghèo…) buộc nhà báo phải cân nhắc thật kỹ khi đăng phát.

“Người làm báo phải nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân” - Điều 4 của 10 quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam ban hành vào năm 2016.

Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau: cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý (Khoản 1). Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hoặc hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm: hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh (Khoản 2).

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Luật Báo chí năm 2016 không có quy định cụ thể đăng phát hình ảnh cá nhân phải được họ đồng ý như Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, khi phát sinh tranh chấp về quyền hình ảnh của cá nhân phải áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết. Tuy vậy, tại Khoản 3, Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 có quy định, không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật (Điểm c); tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo (Điểm e).

Chính vì vậy, khi phát sinh tranh chấp việc sử dụng hình ảnh cá nhân giữa nhà báo và người có hình, theo luật sư Nguyễn Đức, phải dựa vào nhiều luật như: Báo chí, Dân sự, Sở hữu trí tuệ… và 10 quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, cơ quan báo chí đó để phân giải một cách công tâm, khách quan, khoa học, trách nhiệm.

Lấy đạo đức người làm báo để soi rọi

Theo nhà báo Đỗ Trung Tiến, do hiện nay pháp luật quy định chưa rõ việc sử dụng hình ảnh cá nhân đăng trên báo chí nên trong trường hợp còn lúng túng khi không biết việc sử dụng hình ảnh có vi phạm hay không thì nhà báo sẽ lấy công cụ đạo đức nghề nghiệp ra soi rọi và đi tới quyết định đăng phát hay dừng lại, hoặc dùng các hình thức khác cho phù hợp như: chụp sau lưng, vẽ minh họa…

Nhà báo Đỗ Trung Tiến bày tỏ quan điểm, việc đăng phát hình ảnh lên báo chí dù nhằm mục đích bảo vệ lẽ phải, công bằng xã hội, thật sự đấu tranh với những cái xấu nhưng vô tình ảnh hưởng tới nhân thân người có hình ảnh, ảnh hưởng xấu tới người thân của họ, chưa thật sự nhân văn, nhân đạo với người có hình ảnh bị đăng phát thì chủ động dừng lại.

Nhà báo Đỗ Trung Tiến bày tỏ, khi đăng phát hình ảnh của cá nhân, ngoài tuân thủ quy định pháp luật, nhà báo cần phải biết sử dụng thật hiệu quả và nhân văn 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, quy định của cơ quan nơi mình công tác thì tất yếu tránh được rủi ro tai nạn nghề nghiệp, thuyết phục được công chúng và ngay cả người có hình ảnh đăng phát.