largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Tôm lên bờ 'diễu hành' sau khi Mặt Trời lặn ở Thái Lan

Các nhà khoa học đã ghi lại cảnh tôm “diễu hành” từ lúc Mặt Trời lặn đến khi Mặt Trời mọc. Chúng đi ngược dòng lên đến 20 m. Một số cá thể tôm ở trên cạn hơn 10 phút.

Những màn “diễu hành” của tôm ở đông bắc Thái Lan đã đi vào truyền thuyết, trở thành cảm hứng của nhiều vũ điệu và thậm chí khắc họa thành tượng. Vào mùa mưa, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10, du khách mang theo đèn pin đổ xô đến các bờ sông để chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú này.

Tôm lên bờ sau khi Mặt Trời lặn

Tôm ngừng bơi vào lúc hoàng hôn và tập trung lại gần mép sông. Sau khi Mặt Trời lặn, chúng bắt đầu ngoi lên khỏi mặt nước rồi đi lại suốt đêm dọc theo những tảng đá.

Các nhà khoa học đã ghi lại cảnh tôm “diễu hành” ở Thái Lan. Ảnh: Watcharapong Hongjamrassilp.

Các nhà khoa học đã ghi lại cảnh tôm “diễu hành” ở Thái Lan. Ảnh: Watcharapong Hongjamrassilp.

Watcharapong Hongjamrassilp, một nghiên cứu sinh người Thái Lan tại Đại học California, Los Angeles, đã quyết định tự mình tìm cách lý giải hiện tượng này. Phát hiện của ông được công bố trên tạp chí Động vật học tháng 11.

Làm việc với trung tâm động vật hoang dã, ông Hongjamrassilp đã khảo sát 9 địa điểm dọc theo một con sông ở tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan. Họ thấy tôm "diễu hành" tại hai địa điểm, một ở đoạn ghềnh và một ở con đập thấp.

Họ ghi lại video tôm “diễu hành” từ lúc Mặt Trời lặn đến khi Mặt Trời mọc ngày hôm sau. Chúng đi ngược dòng lên đến 20 m. Một số cá thể tôm ở trên cạn hơn 10 phút.

“Tôi rất ngạc nhiên”, ông Hongjamrassilp nói, “bởi tôi chưa bao giờ nghĩ một con tôm có thể đi trên cạn được lâu như vậy”. Những tia nước bắn lên từ sông có thể giúp chúng giữ ướt mang để lấy oxy. Ông cũng quan sát thấy vỏ tôm có vẻ đọng một ít nước xung quanh mang, giống như một chiếc mũ bảo hiểm.

Một cá thể tôm Macrobrachium dienbienphuense. Ảnh: Watcharapong Hongjamrassilp.

Một cá thể tôm Macrobrachium dienbienphuense. Ảnh: Watcharapong Hongjamrassilp.

Kết quả phân tích ADN của những con tôm bắt được cho thấy gần như tất cả đều thuộc loài Macrobrachium dienbienphuense, một phần của chi tôm sống chủ yếu hoặc hoàn toàn ở vùng nước ngọt. Nhiều loài Macrobrachium di cư ngược dòng đến môi trường sống ưa thích của chúng.

Hầu hết số tôm “diễu hành” ông Hongjamrassilp bắt được đều còn nhỏ. Các quan sát và thí nghiệm cho thấy chúng có thể lên cạn khi dòng chảy của nước sông trở nên quá mạnh. Tôm trưởng thành có thể chịu được dòng nước mạnh hơn mà không bị cuốn trôi, vì vậy chúng ít có khả năng lên cạn hơn.

Nhiều nguy hiểm

Đi bộ trên cạn rất nguy hiểm cho tôm nhỏ, ngay cả khi trời tối. Ông Hongjamrassilp cho biết có rất nhiều loài săn mồi bao gồm ếch, rắn và nhện lớn ẩn nấp gần đó.

Và tôm chỉ có thể sống trên cạn trong thời gian ngắn. Nếu bị lạc đường, chúng có thể bị khô và chết trước khi kịp quay trở lại sông. Ông Hongjamrassilp đã bắt gặp những đàn tôm chết trên đá một vài lần.

Ông Watcharapong Hongjamrassilp đo dòng chảy tại nơi có tôm lên cạn. Ảnh: Watcharapong Hongjamrassilp.

Ông Watcharapong Hongjamrassilp đo dòng chảy tại nơi có tôm lên cạn. Ảnh: Watcharapong Hongjamrassilp.

Tuy nhiên, hầu hết tôm đều “lội ngược dòng” thành công và các nhà khoa học đã phát hiện những loài tôm nước ngọt khác trên khắp thế giới cũng có hành vi tương tự ở các khu vực có đập và thác nước.

Ông Hongjamrassilp cho biết việc rời khỏi nước khi gặp khó khăn trong bơi lội có thể đã giúp những loài động vật này thích nghi dần với môi trường sống mới trong lịch sử tiến hóa của chúng. Ngày nay, số lượng tôm "diễu hành" ở Thái Lan dường như đang giảm. Ông cho rằng du lịch có thể là một nguyên nhân, và việc tìm hiểu thêm về loài tôm có thể giúp bảo vệ chúng.

“Các tác giả của nghiên cứu đã thực hiện ‘một số quan sát thực sự xuất sắc’”, Alan Covich, một nhà sinh thái học tại Đại học Georgia, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết. Nhưng để hiểu lý do tại sao tôm Ubon Ratchathani lội ngược dòng và chúng di chuyển bao xa sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn, ông nói.

Tôm lên bờ bị nhện tấn công. Ảnh: Watcharapong Hongjamrassilp.

Tôm lên bờ bị nhện tấn công. Ảnh: Watcharapong Hongjamrassilp.

“Điều đáng ngạc nhiên nhất với tôi là nó đã thu hút rất nhiều khách du lịch”, tiến sĩ Covich nói. Ông chưa bao giờ gặp việc mọi người “tôn vinh” một loài giáp xác theo cách này.

“Chúng ta có lễ hội tôm càng, chúng ta có đủ thứ”, tiến sĩ Covich nói, “nhưng mọi người ăn chúng chứ không xem chúng di chuyển”.