Tìm đầu ra cho sản phẩm trái cây các tỉnh, thành phía Nam
Sản lượng trái cây các tỉnh thành phía Nam tháng cuối năm 2021 và quý I/2022 còn khá lớn, tuy nhiên thị trường tiêu thụ có thể gặp khó do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Đây là nhận định của các đại biểu tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái” do Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối Nông sản 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ngày 4/12.

Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang (tỉnh An Giang). Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Tiêu thụ có thể gặp khó
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin: Sản lượng cây ăn trái năm 2021 các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào đạt hơn 7 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với 2020, tập trung ở những cây ăn quả chủ lực chuối, xoài, mít… Riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn; trong đó, thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn. Dự báo, trong quý I/2022, sản lượng trái cây phía Nam đạt khoảng 1,6 triệu tấn; Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 52% sản lượng, Duyên hải Nam Trung bộ chiếm 26%, Đông Nam bộ 16%, Tây Nguyên 6% .
Theo ông Lê Thanh Tùng, trong quý I/2022, việc tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái của các tỉnh phía Nam có thể gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ và xuất khẩu. Yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh tăng thêm, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu…
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất. Trong khi đó, năng lực chế biến trái cây trong nước còn nhiều hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi nên khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì sẽ gây ra rất nhiều tổn thất.
Ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Lo cho biết, hiện nay tiêu thụ nông sản của tỉnh đang gặp khó khăn dù đã huy động nhiều kênh tiêu thụ từ truyền thống đến thương mại điện tử. Ngành nông nghiệp tỉnh đã cố gắng kết nối qua Tổ Công tác 970, Mặt trận Tổ quốc của một số tỉnh để tiêu thụ nông sản cho nông dân song vẫn chưa giải quyết hết tồn đọng nông sản cho người dân.
Theo ông Văn Hữu Huệ, khó khăn về đầu ra, cạnh tranh quyết liệt khiến một số đơn vị thu mua chỉ đến từ 1-2 lần rồi không quay lại. Doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư rất nhiều nhưng không bán được. Việc kết nối để hình thành hợp tác xã còn yếu, nguyên nhân cũng do đầu ra kém, nông dân không hào hứng tham gia.
Phân tích về những khó khăn của ngành rau quả đang phải đối mặt hiện nay, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay: Dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến quá trình xuất khẩu bị ách tắc, tăng trưởng chững lại so với trước đây. Cụ thể, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tổ chức thu mua cũng như thuê tàu, thuê container… gây ra tình trạng ứ đọng rau quả ở một số nơi thời gian qua.
“Với hàng rau quả, thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay vẫn là Trung Quốc, tuy nhiên theo thông tin mà hiệp hội nhận được, Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán 2022 sắp tới, điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm khó khăn nữa là do chưa thể chế biến sâu nên rau quả Việt Nam khó có thể phục vụ các thị trường có khoảng cách địa lý lớn bằng những hình thức vận chuyển giá rẻ.” ông Nguyên thông tin thêm.
Cần chiến lược dài hạn

Dán tem kiểm định chất lượng sản phẩm tại Trang trại chuối xuất khẩu Huy Long An (Ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). Ảnh minh họa: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
Với sản lượng trái cây khá lớn trong những tháng tới, ông Lê Thanh Tùng đề nghị các địa phương cần nắm chắc sản lượng, chất lượng cây ăn trái trên địa bàn của mình để có những dự báo sớm về kịch bản tiêu thụ, kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ có phương án kết nối sớm.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể, kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây. Tập trung đầu tư cho bảo quản, chế biến, số hóa các loại nông sản để xây dựng kế hoạch tiêu thụ dài hơi trong nhiều năm.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu nhận định: Thị trường Trung Quốc đang thay đổi rất nhiều về vấn đề nhập khẩu và có thể nói đây là bước đệm khiến cả ngành nông nghiệp, các địa phương và các doanh nghiệp cùng thay đổi tư duy trong sản xuất và kinh doanh nông sản. Khi chất lượng sản phẩm rau quả của Việt Nam được nâng cao thì việc liên kết, tiêu thụ của các doanh nghiệp như Chánh Thu sẽ giảm được nhiều rủi ro khi bước ra thị trường thế giới.
"Tuy nhiên, việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia tích cực của cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Thực tế là có nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nông sản. Thời gian qua Công ty Chánh Thu làm mã số vùng trồng cho quả sầu riêng thì nhiều địa phương tỏ ra thờ ơ, mặc kệ người nông dân làm việc với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể kết nối, thu mua, tiêu thụ nhưng việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia của các địa phương. Nếu thay đổi được điều này thì xuất khẩu mới có thể khởi sắc hơn trong thời gian tới”, bà Ngô Tường Vy phân tích.
Ông Đặng Phúc Nguyên đề xuất, với khó khăn trước mắt, ngành nông nghiệp và các địa phương cần lên phương án đẩy mạnh tỷ lệ tiêu thụ rau quả, nông sản nội địa trong thời gian tới. Về lâu dài, các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp cần nghiên cứu, chuyển giao thêm các loại giống cây ăn trái mới có chất lượng cao, dễ canh tác.
Đối với sản xuất, cần cân nhắc việc định hướng hạn chế sử dụng các vật tư có nguồn gốc vô cơ, khuyến khích người dân liên kết thành hợp tác xã, canh tác theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Song song đó, cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào những thị trường, còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…
Cùng quan điểm, ông Đinh Viết Tú, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng: Cần cơ cấu lại sản xuất, chế biến và thị trường nông sản theo chuỗi; trong đó, ưu tiên các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có chất lượng cao. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần xây dựng các phương án để tăng chất lượng, giảm chi phí, tăng cường chế biến sâu và mở rộng thị trường cũng như xây dựng hệ thống cung ứng nông sản bền vững.
Đối với các địa phương, cần chủ động kết nối tìm thêm các thị trường tiềm năng để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống. Song song đó, quan tâm đầu tư đúng mức phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản xuất bằng cách xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển công nghiệp hỗ trợ và logistic.
Gói thầu hơn 14 tỷ tại TP HCM có về tay Công ty Đạt Hiệp Thành?
Với giá dự thầu hơn 13,66 tỷ đồng (tiết kiệm sau đấu thầu hơn 400 triệu), liệu rằng Công ty Đạt Hiệp Thành sẽ giành được gói thầu tại TP Thủ Đức, TP HCM (cũ).
2 nhà thầu muốn cải tạo khối hội trường tại Cao đẳng Long An
Theo biên bản mở thầu đã công bố ngày 1/7, gói thầu cải tạo khối hội trường hàng rào nhà bảo vệ Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đức Hòa đã thu hút 2 nhà thầu.
Everland và câu chuyện tài chính phía sau dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn
Tập đoàn Everland (HoSE: EVG) đang dồn trọng tâm vào dự án hàng nghìn tỷ Crystal Holidays Harbour Vân Đồn. Tuy nhiên, nhìn vào các con số tài chính và cảnh báo từ kiểm toán, tham vọng này có đang đứng trước những thách thức lớn về dòng tiền và tính minh bạch?
Phượng Thư – Long An thi công cứng hóa đê bao bờ Bắc K17
Dự án hoàn thành giúp khép kín vùng ngăn lũ bảo vệ sản xuất, cung cấp nước nâng cao sản lượng nông nghiệp cho khu vực huyện Tân Hưng, Long An (cũ).
Xây dựng 43 đảm nhận xây mới hai cống thủy lợi tại An Thới Đông
Công ty Xây dựng 43 tiếp tục khẳng định năng lực khi một mình tham gia và trúng gói thầu hơn 10 tỷ tại huyện Cần Giờ, TP HCM (cũ).
Tân Liên Phát Tân Cảng: Lỗ 397 tỷ năm 2024, kiểm toán có ý kiến ngoại trừ
Bức tranh tài chính đáng lo ngại với khoản lỗ lớn và ý kiến ngoại trừ từ đơn vị kiểm toán tại Báo cáo tài chính 2024 của Tiếp vận và Bất động sản Tân Liên Phát Tân Cảng.
PGBank bị Thanh tra NHNN phạt 370 triệu đồng, chuyển thông tin 15 cổ đông sang cơ quan chức năng
PGBank bị xử phạt về 3 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng gồm: Không ban hành một hoặc một số quy định nội bộ theo quy định của pháp luật; Lập hợp đồng ủy thác không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật; Không thành lập Hội đồng mua, bán nợ theo quy định của pháp luật.
Bình Trang được giao duy tu các tuyến đường tại Tân Hưng
Với giá dự thầu thấp hơn, công ty Bình Trang đã giành được gói thầu hơn 1 tỷ tại huyện Tân Hưng, Long An (cũ).
Hậu Giang: Liên danh Bội Thu – Khải Linh thắng gói thầu 6,8 tỷ
Gói “Hỗ trợ mua sắm phân hữu cơ (dạng viên)” tại Long Mỹ có kết quả trúng thầu ngày 20/6/2025, liên danh Bội Thu – Khải Linh trúng với giá 6,8 tỷ đồng
Everland: Liên tục không đạt kế hoạch lợi nhuận, dòng tiền kinh doanh âm kéo dài
Tập đoàn Everland nhiều năm liên tiếp đặt các kế hoạch lợi nhuận đầy kỳ vọng, nhưng kết quả thực tế không đạt. Trong khi đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục âm hàng trăm tỷ đồng. Dù quý 1/2025 có tín hiệu phục hồi nhẹ, bài toán dòng tiền vẫn còn là dấu hỏi lớn.