largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Tìm cách giữ dòng vốn FDI

Trong 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng cao, riêng Đồng Nai lại giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều doanh nghiệp (DN) FDI trước khi đầu tư vào các tỉnh: Bình Dương, Long An, Bình Thuận đã ngỏ ý muốn đầu tư vào Đồng Nai.

Sản xuất thiết bị máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Friwo Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang

Sản xuất thiết bị máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Friwo Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, thu hút vốn đầu tư FDI của tỉnh trong 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 287 triệu USD, bằng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, cấp mới 10 dự án với vốn đăng ký hơn 83 triệu USD, bằng 30% so với cùng kỳ năm trước và điều chỉnh tăng vốn 27 dự án với hơn 204 triệu USD, bằng 44% so với cùng kỳ.

Đến rồi lại đi

Đồng Nai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp và những lĩnh vực khác, vì giao thông kết nối thuận lợi, hiếm khi xảy ra bão lũ, dân cư đông đúc. Do đó, các DN FDI khi có nhu cầu đầu tư vào khu vực phía Nam đều đến tỉnh tìm hiểu cơ hội để đầu tư. Có những tập đoàn FDI dự tính sẽ thuê đất để đầu tư vào Đồng Nai từ vài trăm triệu đến cả tỷ USD, nhưng sau một thời gian chờ đợi quá lâu đã rút lui, tìm nơi đầu tư tại các tỉnh khác như: Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận để đầu tư. Nguyên nhân là Đồng Nai không còn diện tích đất công nghiệp lớn để cho DN thuê làm nhà xưởng sản xuất.

Nếu đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các KCN thì Đồng Nai sẽ có thêm gần 1,2 ngàn ha đất công nghiệp để cho DN thuê, đầu tư cho sản xuất.

Giữa tháng 3-2022, Tập đoàn Pandano (nhà sản xuất trang sức hàng đầu thế giới của Đan Mạch) đã đến tỉnh dự tính thuê đất tại Khu công nghiệp (KCN) Công nghệ cao Long Thành để đầu tư nhà máy sản xuất có công suất lên đến 60 triệu sản phẩm/năm, chiếm hơn 30% sản lượng các nhà máy của tập đoàn. Sau đó, Tập đoàn Pandano thấy có thể phải chờ đợi thêm một thời gian dài mới có đất để thuê xây dựng nhà xưởng nên đã dời dự án qua tỉnh Bình Dương. Vì thế, Đồng Nai vuột mất dòng vốn FDI lên đến 100 triệu USD.

Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, dòng vốn FDI vào các KCN trên địa bàn tỉnh giảm mạnh là do các KCN còn rất ít đất để cho thuê. Do đó, nhiều DN FDI sau khi đến tỉnh không tìm được diện tích đất công nghiệp lớn để xây dựng nhà máy đã đến các tỉnh lân cận”.

Cũng theo ông Cường, nếu Đồng Nai giải phóng mặt bằng cho các KCN nhanh để các công ty hạ tầng có mặt bằng hoàn thiện hạ tầng, có đất cho DN thuê thì tỉnh sẽ đón được nhiều dòng vốn lớn của DN FDI.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, trước đó, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) dự tính sẽ đầu tư vào tỉnh hơn 1 tỷ USD nhưng vì không tìm được quỹ đất lớn để thuê nên đã rút lui, chuyển đến tỉnh Bình Dương để đầu tư. Vì không còn diện tích đất công nghiệp cho DN FDI thuê nên tỉnh đã bỏ lỡ nhiều dự án FDI có vốn lớn, công nghệ hiện đại, đem lại giá trị gia tăng cao.

Không nhanh chân sẽ tiếp tục bỏ lỡ nhiều cơ hội

So sánh với các tỉnh lân cận, Đồng Nai có nhiều lợi thế hơn hẳn vì có giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. DN đầu tư vào tỉnh sẽ giảm nhiều chi phí, rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, chỉ vì thực hiện hồ sơ thủ tục thành lập mới KCN chậm và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các KCN mở rộng kéo dài nên Đồng Nai thiếu đất công nghiệp cho thuê. Nhiều DN FDI vì không thể chờ đợi đã phải sang các tỉnh giáp Đồng Nai thuê đất để kịp với kế hoạch phát triển.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), 5 tháng đầu năm 2022, cả nước thu hút vốn FDI được hơn 11,7 tỷ USD và Bình Dương dẫn đầu cả nước với 2,52 tỷ USD. Như vậy, thu hút đầu tư FDI của tỉnh Bình Dương gấp gần 9 lần của Đồng Nai. Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong những tháng đầu năm tập trung ở những tỉnh, thành có cơ sở hạ tầng thuận lợi.

Đồng Nai nếu không thực hiện nhanh các thủ tục thành lập mới các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đưa vào quy hoạch KCN Việt Nam, đồng thời bồi thường nhanh các KCN đã thành lập hoặc mở rộng để đầu tư hạ tầng, có sẵn đất mời gọi DN FDI thì sẽ còn bỏ lỡ nhiều dự án, dòng vốn chất lượng cao vào tỉnh. Bỏ lỡ các dòng vốn FDI chất lượng cao sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển công nghiệp, xuất khẩu của tỉnh.

Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai cho hay: “Nhiều DN Hàn Quốc muốn mở rộng và đầu tư mới vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp, nhưng rất khó tìm được diện tích đất lớn để thuê. Đây là hạn chế lớn nhất của tỉnh trong thu hút dòng vốn FDI”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng mới đây đã làm việc với các công ty hạ tầng KCN, các địa phương để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng để có giải pháp kịp thời tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất. Mục tiêu của tỉnh, nhanh chóng hoàn thành công tác bồi thường, giao mặt bằng cho chủ đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng, có đất cho DN thuê xây dựng nhà máy sản xuất.