largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Thương cậu bé Khmer suýt chết mấy lần vì không có tiền chữa bệnh

Tấn bị ung thư máu nên phải điều trị định kỳ hàng tháng nhưng gia đình không có tiền, ít khi con được đi chữa đúng lịch hẹn mà thường là nhập viện cấp cứu khi có biến chứng.

Cậu bé nghèo mạng lớn

Đang chơi cùng em, mũi bé Sơn Minh Tấn (SN 2011, dân tộc Khmer) đột nhiên chảy máu ròng ròng. Em gái nhỏ bật hét lên thất thanh rồi chạy đi kiếm giấy lau máu cho anh.

Chị Thạch Thị Vate Tha (SN 1976, mẹ Tấn) đang lặt rau để chuẩn bị hàng bán vào sáng hôm sau. Nghe tiếng con, chị lật đật chạy vào nhà, thấy Tấn nằm trên giường với gương mặt đầy máu thì khóc nức lên.

Chị Tha vơ vội chiếc điện thoại gọi xe cấp cứu rồi lục khắp nhà được mấy trăm ngàn bỏ vào túi xách cùng giấy tờ khám bệnh của con. Khi xe đến, chị chỉ kịp kêu chồng đi vay nóng thêm vài triệu rồi vội vã đưa con lên xe.

11 tuổi, Tấn đã trải qua 4 năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

11 tuổi, Tấn đã trải qua 4 năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

Chị Tha tâm sự: "Theo giấy hẹn, cuối tháng 2 con phải nhập viện để vào thuốc duy trì mà em xoay mãi chưa mượn được tiền nên cứ chần chừ. Đến tháng 3 thì nó vậy, đành vay nóng để đưa con lên đây chữa bệnh. Tiền lãi cao lắm, không có tiền đóng lãi là bị hăm dọa này kia nhưng túng quá phải liều thôi anh".

Khi quá thời gian vào thuốc, Tấn thường ngất xỉu, sốt cao, chảy máu mũi không ngừng.

Khi quá thời gian vào thuốc, Tấn thường ngất xỉu, sốt cao, chảy máu mũi không ngừng.

Những lần suýt chết như thế đã xảy ra nhiều lần với Tấn, nhiều đến nỗi cậu bé đã dần quen và mặc cho số phận. Suốt 4 năm chống chọi với căn bệnh bạch cầu lympho cấp (một dạng ung thư máu), Tấn đã vượt qua cửa tử không biết bao nhiêu lần, có lần gia đình đã đặt sẵn quan tài chờ đón con về nhà để lo hậu sự nhưng cậu bé Khmer vẫn vượt qua một cách thần kỳ.

Đó là khi Tấn mới phát bệnh vào cuối năm 2018, cơ thể con nổi hạch khắp người, không có chỗ nào lành lặn. Đến nỗi khi ngủ, Tấn phải ngồi gập người lại, kê gối vào bụng rồi ôm ngủ chứ không thể nằm.

Bệnh tình chuyển nặng rất nhanh nhưng Tấn không thể hóa trị ngay vì sức khỏe quá kém, thiếu máu cả 3 dòng, men gan tăng cao và sốt nặng. Phải trải qua 3 tháng điều dưỡng cơ thể, truyền máu, hạ men gan... thì Tấn mới đủ sức khỏe để vào thuốc.

Đã có lúc tưởng chừng Tấn không thể qua khỏi.

Đã có lúc tưởng chừng Tấn không thể qua khỏi.

Ngay toa hóa trị đầu tiên, phản ứng phụ khiến Tấn nguy kịch, rơi vào hôn mê phải thở máy và hồi sức tích cực suốt 3 tháng trời, duy trì sự sống bằng sữa dinh dưỡng truyền trực tiếp vào dạ dày.

Chị Tha kể: "Lúc đó Tấn yếu lắm, bác sĩ đã cho ngưng thở máy để về nhà lo hậu sự. Khi chờ xe về thì nó tỉnh dậy, thều thào nói làm vợ chồng tôi giật cả mình, vừa mừng vừa sợ...".

Theo bác sĩ điều trị, Tấn vượt qua được là một kỳ tích vì thời gian đó bệnh tình của bé quá nặng, chỉ mong chờ vào vận may.

Mặc cho số trời may rủi!

Trong những ngày đưa con đi hóa trị, chị Tha mang thai lúc nào không hay. Đang dắt tay con leo cầu thang lên phòng bệnh thì hỏng thai, chị bán vé số đứng dưới chân cầu thang nhìn thấy hốt hoảng hét toáng lên rồi chạy vội lại đưa chị đi cấp cứu.

Chị Tha chua chát tâm sự: "Ngày nào em cũng đi làm quần quật, mệt nhọc, cảm sốt cũng đi làm nên có thai cũng không thấy khó chịu hơn ngày thường. Đến khi đẻ rớt giữa đồng, giữa công trường xây dựng mới biết mình có thai. Em hư thai tổng cộng là 5 lần".

Sau đợt thuốc đầu nguy kịch, suốt 9 chu kỳ hóa trị tiếp theo, Tấn đáp ứng thuốc tốt, không xảy ra biến chứng nặng. Nhưng do sức khỏe kém, thiếu máu nhiều và men gan tăng cao nên mỗi chu kỳ điều trị đều kéo dài, hơn 2 năm mới hoàn tất 10 đợt vào thuốc.

Đến nay, Tấn đã được chuyển sang giai đoạn hóa trị duy trì, hàng tháng lên bệnh viện vào thuốc 1 tuần để kéo dài thời gian khỏi bệnh, hạn chế khả năng tái phát.

Gia đình chị Tha là hộ nghèo nhiều năm nay, thu nhập không đủ lo chi phí sinh hoạt chứ nói gì đến tiền chữa bệnh cho Tấn.

Gia đình chị Tha là hộ nghèo nhiều năm nay, thu nhập không đủ lo chi phí sinh hoạt chứ nói gì đến tiền chữa bệnh cho Tấn.

Thế nhưng, sau thời gian dài chữa bệnh cho con, đến nay gia đình chị Tha hầu như đã khánh kiệt, không còn khả năng đeo đuổi quá trình điều trị "căn bệnh nhà giàu" này.

Mỗi đợt hóa trị, chi phí đều hết từ 50 - 60 triệu đồng, phần lớn được bảo hiểm y tế chi trả nhưng gia đình vẫn phải trả từ 15 - 25 triệu đồng chi phí một số loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm và các dịch vụ khác.

Những ngày bán ế, hủ tiếu trở thành món chính của cả gia đình.

Những ngày bán ế, hủ tiếu trở thành món chính của cả gia đình.

Chị Tha bất lực trước bệnh tình của con vì giờ không còn biết vay mượn ở đâu ra tiền cho con điều trị,

Chị Tha bất lực trước bệnh tình của con vì giờ không còn biết vay mượn ở đâu ra tiền cho con điều trị,

Để có hơn 200 triệu đồng điều trị cho con, chị Tha đã bán chiếc xe máy mà 2 vợ chồng mua trả góp (đến nay vẫn chưa trả hết tiền góp cho cửa hàng xe máy), mượn 2 chiếc xe máy của mẹ và em gái đi cầm, mượn ngân hàng chính sách diện hộ nghèo 50 triệu đồng, vay bên ngoài thêm 20 triệu đồng...

Những ngày điều trị cho con, hai vợ chồng chị thuê nhà trọ gần bệnh viện cho đỡ tốn kém. Ban ngày chồng đi làm phụ hồ, tối về bệnh viện ăn cơm từ thiện cùng vợ con.

Những ngày hết đợt vào thuốc được về quê, hàng xóm cho chị Tha mượn mảnh đất mặt đường để bán hủ tiếu, mỗi ngày cũng lời được chừng 100.000 đồng để mua gạo mắm. Hôm nào bán ế thì hủ tiếu trở thành món chính của gia đình.

Trừ những ngày đưa con đi bệnh viện, chị Tha chưa từng dám nghỉ bán ngày nào dù trời mưa hay nắng, người mệt hay khỏe. Thế nhưng, thu nhập vài ba triệu mỗi tháng ở quê chẳng thấm vào đâu so với chi phí điều trị cho Tấn.

"Vào thuốc duy trì thì ít tốn kém hơn nhưng tiền xe đi lại, tiền ăn, tiền trọ... tốn kém lắm. Giờ nhà em chỉ còn cách đi xin thuốc nam từ thiện cho con uống cầm cự, bớt đau đớn. Khi nào Tấn có chuyển biến xấu như sốt cao, da sạm đen vì men gan tăng cao hay xuất huyết, chảy máu mũi… thì mới liều vay tiền nóng để đưa con đi cấp cứu", chị Tha cho hay.

Nói rồi, người mẹ lam lũ thở dài: "Dù biết vậy nguy hiểm cho con, bệnh dễ tái phát nhưng biết làm sao bây giờ anh ơi, nhà em có còn gì để bán nữa đâu, đành trông chờ vào số trời may rủi!".