largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Thị trường quà Tết TPHCM: Đặc sản địa phương liên tục "cháy hàng"

Những ngày cận Tết Tân Sửu, những cửa hàng đặc sản của các vùng miền ở TPHCM tấp nập khách mua bán, nhiều mặt hàng liên tục rơi vào trạng thái khan hiếm.

Đặc sản đầy quầy, sức mua tăng

Vào một ngày giữa tháng Chạp, phóng viên có mặt tại cửa hàng phân phối chính thức của DNTN Hồ Quang Trí (chủ sở hữu giống lúa gạo ST25, ST24 nổi tiếng) ở hẻm 453/86 Lê Văn Sỹ (Quận 3, TPHCM), tận mắt chứng kiến cảnh buôn bán tấp nập hơn bao giờ hết. 4 nhân viên của cửa hàng tất bật nghe điện thoại ghi đơn và luân phiên nhau bán hàng cho khách.

Ông Phan Thành Hiếu - Giám đốc cửa hàng cho biết, khoảng nửa tháng trở lại đây, gạo ST25 được nhiều khách hàng đặt mua để làm quà tặng dịp Tết Tân Sửu. Đơn hàng quá nhiều, nhân viên chạy giao không xuể nên phải thuê thêm dịch vụ giao hàng cho các đơn hàng lẻ. Thậm chí, nhiều đơn hàng phải từ chối hoặc giao dưới số lượng đăng ký vì hàng liên tục hết cục bộ.

"Trung bình mỗi ngày cửa hàng nhập về 10 tấn, có ngày lên đến 15 tấn gạo ST25 và tất cả đều bán hết trong một ngày. Riêng mặt hàng gạo ST24 hữu cơ hiện không còn hàng. So với năm ngoái thì năm nay số lượng hàng bán ra tăng từ 3-4 lần" - ông Hiếu cho hay.

Gạo ST25 - đặc sản Sóc Trăng là một trong những mặt hàng làm nóng thị trường quà tặng Tết năm nay. Ảnh: Ngọc Lê

Gạo ST25 - đặc sản Sóc Trăng là một trong những mặt hàng làm nóng thị trường quà tặng Tết năm nay. Ảnh: Ngọc Lê

Bên cạnh đó, các mặt hàng đặc sản khác như khô nhái, cá tra sông, khô trâu, khô bò của An Giang; cá sặc rằn của Cà Mau… cũng được nhiều người dân "săn lùng" mua làm quà tặng dịp Tết.

Anh Nguyễn Văn Toàn, chủ một cửa hàng bán đặc sản (đường Cách Mạng Tháng 8, Quận 10) cho biết, năm nay, cửa hàng không dám chuẩn bị đặt hàng trữ trước, vì sợ sẽ tồn kho, tuy nhiên thực tế một số loại đặc sản đang "cháy hàng".

Nhiều loại đặc sản mới lạ

Tại cửa hàng bán đặc sản 3 miền ở chợ Bà Hoa (quận Tân Bình), hiện cả trăm loại đặc sản đã xuất hiện trên quầy kệ. Đặc sản miền Trung như bánh thuẫn, bánh khô, chả bò Đà Nẵng... chiếm hơn 80% lượng hàng bán Tết đã được nhập về.

"Năm nay, tại cửa hàng của tôi có nhập về các đặc sản miền Bắc mới lạ như cam Canh, nấm hương rừng Sa Pa, bánh chưng Hà Nội, cá kho làng Vũ Đại.... để phục vụ khách mua sắm. Đây cũng là những mặt hàng được nhiều khách hàng lựa chọn cho giỏ quà Tết năm nay" - Bà Bông chủ cửa hàng cho hay.

Nhiều người dân đến các cửa hàng tìm mua đặc sản địa phương để sử dụng dịp Tết. Ảnh: Ngọc Lê

Nhiều người dân đến các cửa hàng tìm mua đặc sản địa phương để sử dụng dịp Tết. Ảnh: Ngọc Lê

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù cận Tết, nhu cầu hàng hóa tăng cao nhưng giá cả các loại mặt hàng đặc sản chỉ tăng nhẹ từ 5-10%. Thêm vào đó, chủ các cơ sở chế biến, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng này cũng rất chú ý đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, bao bì bắt mắt, vì vậy đã được lòng nhiều khách hàng.

Thông tin từ Sở Công thương TPHCM cho biết từ nay đến 6.2, Thành phố sẽ tổ chức 69 chương trình hội chợ, chợ phiên. Theo đó, phần lớn chương trình được tổ chức giới thiệu tổng hợp các sản phẩm, trong đó nhiều nhất là thực phẩm, đặc sản các vùng miền để người dân có cơ hội mua sắm.