Thị trường bán lẻ ICT hết 'ngọt', 2 ông lớn MWG và FRT 'nếm trái đắng'
Đúng như dự báo trước đó của ĐTTC với bài viết “Cổ phiếu bán lẻ ICT khi nào chạm đáy?”, mới đây các doanh nghiệp bán lẻ của ngành công nghệ với điển hình là 2 ông lớn MWG và FRT, công bố kết quả kinh doanh quý I-2023 với những con số vô cùng ảm đạm.

Ảnh minh họa
Lợi nhuận lao dốc
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý I của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), doanh thu thuần trong kỳ đạt 7.753 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2022. Trong đó, chuỗi FPT Shop đóng góp 58% doanh thu, chuỗi nhà thuốc Long Châu chiếm phần còn lại, nhưng 2 mảng kinh doanh này có kết quả kinh doanh trái ngược.
Cụ thể, mảng kinh doanh dược phẩm - “điểm sáng” của FRT - với doanh thu đạt 3.284 tỷ đồng (tăng 52%), tương đương doanh thu 36 tỷ đồng/ngày. Ngược lại, mảng kinh doanh ICT (loại hình công nghệ thông tin) của chuỗi FPT Shop, doanh thu giảm 20% xuống còn 4.513 tỷ đồng.
Kết quả, FRT ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất vỏn vẹn 2 tỷ đồng, giảm 99% so với mức lãi 169 tỷ đồng quý I-2022. Thê thảm hơn khi lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 5 tỷ đồng, EPS âm 43 đồng, trong khi cùng kỳ đạt 1.389 đồng. Đây là mức lãi ròng thấp nhất trong gần 3 năm qua, kể từ quý II-2020 của FRT.
Lý giải về kết quả trên, ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đốc FRT, cho biết do nhu cầu tiêu dùng quý I-2022 ở mức cao và tăng trưởng ổn định. Trong khi quý I năm nay, nhu cầu hàng hóa liên tục giảm mạnh do bị ảnh hưởng xấu bởi sự biến động của nền kinh tế và các yếu tố vĩ mô không thuận lợi, lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chịu áp lực cạnh tranh trong ngành bán lẻ ICT. Do vậy, doanh nghiệp phải đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu các sản phẩm điện tử, đặc biệt là Apple. Không những thế, doanh nghiệp còn chịu áp lực rất lớn từ lãi vay, tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên 85 tỷ đồng.
BCTC quý I của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) cũng không sáng sủa hơn. Cụ thể, doanh thu thuần đạt hơn 27.105 tỷ đồng (giảm 28%), lợi nhuận gộp (chưa trừ chi phí) đạt 5.214 tỷ đồng (giảm 36%).
So với thời điểm này năm ngoái, lợi nhuận giảm hơn 2.900 tỷ đồng. Nhưng sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận sau thuế của MWG chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng (giảm gần 99%). Với kết quả lợi nhuận này, MWG ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng âm trong bối cảnh các ngành hàng ICT đều có sức cầu yếu.
Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của nhà bán lẻ này kể từ khi niêm yết. Tính từ thời điểm MWG niêm yết trên sàn HoSE (năm 2014) tới nay, chưa quý nào lợi nhuận trong 1 quý của doanh nghiệp này đạt dưới 21 tỷ đồng.
Theo giải trình của ông Trần Huy Thanh Tùng, Tổng giám đốc MWG, sức mua điện thoại và điện máy suy yếu kể từ quý IV-2022 và tiếp tục giảm mạnh trong quý I năm nay. Tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu các sản phẩm giá trị cao diễn ra ngay cả đối với nhóm khách hàng cao cấp do suy yếu niềm tin về tiêu dùng. Bên cạnh đó, khách hàng có nhu cầu thực ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các khoản vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp.
Để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp chủ động chiến lược bán giá cạnh tranh, tăng cường khuyến mại. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 22% xuống còn 19%, trong khi chi phí hoạt động không thể giảm tương ứng.
Thực tế khắc nghiệt hơn dự báo
Theo ông Tùng, MWG đã cảm nhận được khó khăn của ngành bán lẻ ICT từ quý IV-2022. Vì vậy, HĐQT của MWG đã rất thận trọng khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2023, khi doanh thu và lợi nhuận gần như đi ngang so với năm 2022. Cụ thể, MWG đặt chỉ tiêu doanh thu 135.000 tỷ đồng (tăng 1%), lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.200 tỷ đồng (tăng 2%). Thế nhưng, thực tế khắc nghiệt hơn so với dự báo, khi kết thúc quý đầu tiên, MWG mới hoàn thành 0,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tương tự, HĐQT của FRT cũng đặt mục tiêu năm 2023 chỉ bằng 50% so với 2022 là 240 tỷ đồng. Trên thực tế, với lợi nhuận trong quý I là 2 tỷ đồng, khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm 240 tỷ đồng của FRT là điều không tưởng.
Chia sẻ với cổ đông tại ĐHCĐ thường niên 2023 mới đây, Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài, nói: “Sau nhiều năm tăng trưởng cao và liên tục dồn sức mở rộng, những “cơn gió ngược” trong thời gian qua là cơ hội để MWG tập trung rà soát hoạt động kinh doanh, củng cố nội lực. Là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với quy mô doanh thu 5,5 tỷ USD và mạng lưới hơn 5.500 cửa hàng trên toàn quốc, việc không ngừng tìm tòi, sáng tạo, dám thử nghiệm và chấp nhận sửa sai là cấp thiết để tạo ra những động lực tăng trưởng mới, giúp MWG phát triển vượt bậc trong tương lai”.
Như thường lệ, phát ngôn của ông Tài tiếp tục gây “sóng gió” và luôn nhận được phản ứng ngược từ nhiều cổ đông. Nguyên nhân do HĐQT đã nhận thấy sự bão hòa của thị trường bán lẻ ICT, nên liên tục mở rộng hoạt động bán lẻ ở các phân khúc mới.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại chưa có mảng kinh doanh nào mang lại hiệu quả, thậm chí nhiều mảng đã phải “khai tử”, như Bluetronics (Campuchia), AvaSport, vuivui.com, điện thoại siêu rẻ, mắt kính. Ngay như chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh được kỳ vọng là “cú đấm thép” cho MWG với mục tiêu hòa vốn vào năm 2023, nhưng trong năm ngoái chuỗi cửa hàng này tiếp tục lỗ kỷ lục 2.961 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 7.395 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông tại ĐHCĐ thường niên 2023 về hướng đi sắp tới của doanh nghiệp khi đối diện với sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ICT do sức mua sụt giảm, đại diện HĐQT FRT thừa nhận thị trường càng khó khăn sự cạnh tranh càng khốc liệt, doanh nghiệp này giảm giá doanh nghiệp kia cũng giảm theo. Chính sách này nhìn chung kéo nhau cùng đi xuống, khó có thể chiếm được khách hàng của nhau.
“Trước kia sản phẩm Apple được nhiều người tin dùng do bán lại không bị mất giá nhiều, nay cuộc chiến giảm giá khiến người tiêu dùng cảm nhận vừa mua đã lỗ, không còn giữ được giá như trước. Chính vì vậy, cuộc chiến giảm giá không phải là chiến lược hay, nhưng để giữ chân khách hàng, chúng tôi vẫn phải áp dụng” - đại diện FRT chia sẻ.
Việc 2 “ông lớn”của ngành là MWG và FRT bất ngờ lao dốc, cho thấy “miếng bánh” bán lẻ ICT đang đi đến hồi bão hòa.
TIN LIÊN QUAN
Phúc Trạch một mình tham gia và trúng gói thầu hơn 3 tỷ tại Hóc Môn
Không phải cạnh tranh, Công ty CP Đầu tư – Xây dựng Phúc Trạch là nhà thầu duy nhất tham gia và trúng gói thầu xây lắp hơn 3 tỷ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Ban QLDA ĐTXD) khu vực huyện Hóc Môn, TP HCM.
Dừa tươi “cháy” hàng
TPHCM đang trải qua những ngày nắng nóng, khô hanh nên các thức uống, trái cây giải nhiệt bán rất chạy và giá tăng cao. Từ cuối tháng 3, giá dừa tươi đã ở mức 15.000 đồng/trái.
TP.HCM miễn phí vé xe buýt trên tất cả các tuyến trong ngày 30/4
Nhằm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), TP.HCM sẽ miễn phí vé xe buýt cho hành khách trong ngày 30/4 trên toàn bộ 133 tuyến đang khai thác, bao gồm cả tuyến nội đô và liên tỉnh.
Tiền Giang: Cty Tấn Lộc trúng gói thầu cải tạo tuyến đò chèo rạch Bà Ngoạn
Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường Tấn Lộc vừa trúng gói thầu số 02 thuộc dự án cải tạo tuyến đường lên xuống đò chèo rạch Bà Ngoạn, với tỷ lệ tiết kiệm khoảng 3,8%, thời gian thực hiện 120 ngày.
TP.HCM chi hàng nghìn tỷ xây các công trình, dự án đón đại lễ 30/4
TP.HCM khởi công, khánh thành loạt dự án, công trình lớn để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Bộ Y tế yêu cầu thu hồi 12 loại sữa giả trên toàn quốc
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiểm tra, thu hồi toàn bộ 12 loại thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả còn trên thị trường.
Biết gì về gói chống thấm thượng lưu đập Đồng Nai 3 hơn 50 tỷ?
Gói thầu thi công xử lý tăng khả năng chống thấm mặt thượng lưu đập Đồng Nai 3 có giá 48,996 tỷ đồng đã thuộc về Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng...
Liên tục trúng thầu: Dịch vụ Kỹ thuật Vũng Tàu 'chọn mặt gửi vàng' tại Vietsovpetro
Năng lực CTCP Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật Vũng Tàu thế nào khi liên tiếp trúng loạt gói thầu tại Vietsovpetro?
Chủ dự án nghỉ dưỡng Le Méridien Đà Nẵng liên tục lỗ, khất lãi trái phiếu
Chủ của dự án Le Méridien Đà Nẵng là Công ty cổ phần Tonkin Land đã thua lỗ 3 năm liền, dư nợ ở mức 959 tỷ đồng cuối năm 2024.
Giá vàng hôm nay, 22-4: Tăng dữ dội
Giá vàng hôm nay 22-4 tăng mạnh do nhà đầu tư tiếp tục gia tăng nhu cầu trú ẩn an toàn, nhằm tránh rủi ro từ các thị trường khác.