largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính có gì đặc biệt?

Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn là thi trên giấy, đồng thời triển khai thí điểm mở rộng dần thi trên máy tính.

Dự kiến, đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT sẽ công bố cụ thể phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025. Theo Bộ, kỳ thi năm 2021 sẽ giữ hình thức thi trên giấy giống như năm 2020. Hướng tới triển khai thí điểm hình thức thi trên máy tính.

Đối với thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).

Đây không phải lần đầu, Bộ GD&ĐT đề cập đến phương án tổ chức thi trên máy tính giai đoạn các kỳ thi từ 2021 - 2025. Ngoài thi trên giấy, sẽ chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.

Giai đoạn này, Bộ sẽ thí điểm tổ chức thi trên máy tính để từng bước áp dụng phương thức thi này phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với điều kiện thụ hưởng giáo dục và cách tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh.

Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng tổ chức các kỳ thi trên máy tính. Ảnh: VNU

Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng tổ chức các kỳ thi trên máy tính. Ảnh: VNU

Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả kỳ thi ngoài xét công nhận tốt nghiệp THPT, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả để xét tuyển trong tuyển sinh.

Trên thực tế, thi trên máy tính cũng đã áp dụng tại Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức từ năm 2015. ĐH Quốc gia HN đã mở rộng kỳ thi trên máy tính tại nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước, ngày càng thu hút số lượng thí sinh đăng ký dự thi. Nhiều trường đại học cùng phối hợp tổ chức, sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực quốc gia.

Ghi nhận tại kỳ thi cho thấy, các thí sinh tham gia dự thi với tâm lý rất thoải mái, tự tin và nghiêm túc. Các yếu tố ngoại cảnh như thời tiết không làm ảnh hưởng tới việc tổ chức thi. Một điểm khác biệt nữa so với kỳ thi "truyền thống", đó là thi trên máy tính của ĐH Quốc gia Hà Nội thí sinh biết điểm luôn, việc công bố điểm cũng diễn ra khá nhanh.

Để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 195 phút. Kết quả bài thi có giá trị để đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia HN và vào các trường khác đã được ĐH Quốc gia HN đồng ý để xét tuyển. Kết quả bài thi được bảo lưu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi.

Riêng bài thi ngoại ngữ gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 90 phút. Kết quả bài thi ngoại ngữ chỉ có giá trị ngay trong năm dự thi. Thí sinh thực hiện bài thi đánh giá năng lực và bài thi ngoại ngữ trực tiếp trên máy tính, tại các phòng thi đủ tiêu chuẩn. Thí sinh lần lượt làm hết phần bắt buộc, sau đó làm phần tự chọn. Bài thi hợp lệ phải làm cả phần bắt buộc và phần tự chọn (1 trong 2 nội dung tự chọn).

Về phương pháp chấm điểm, bài làm của thí sinh được chấm trực tiếp trên máy bằng các phần mềm thích hợp. Kết quả thi của thí sinh được tính bằng tổng số câu trả lời đúng trong bài thi. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được điểm. Tổng điểm toàn bài là 140 điểm.