largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Thêm một người bị ngộ độc pate Minh Chay ở TP.HCM

Đây là trường hợp thứ 10 được chuyển đến TP.HCM điều trị do ngộ độc botulinum trong pate Minh Chay.

Ngày 12/9, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết đơn vị này tiếp nhận thêm bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay. Đây là trường hợp thứ 10 được ghi nhận tại TP.HCM và là người thứ 7 điều trị tại đơn vị này.

Trước đó, khoảng cuối tháng 7, bệnh nhân L.T.H. (35 tuổi, ngụ tại Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) ăn pate Minh Chay. Sau 2 ngày, người phụ nữ có triệu chứng mệt, đi lại khó khăn.

Bệnh nhân đã trải qua khoảng một tháng điều trị yếu liệt cơ, đặt nội khí quản, thay huyết tương 4 lần tại một số bệnh viện. Dù điều trị, theo dõi thời gian dài, các bác sĩ tại đây chưa chẩn đoán được chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này của người bệnh.

Gần đây, các thông tin về pate Minh Chay lan truyền trên truyền thông, nghi ngờ người này ngộ độc botulinum, bác sĩ tuyến dưới đã chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ban đầu, bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội thần kinh do yếu liệt chi. Tuy nhiên, các bác sĩ tại đây không tìm thấy dấu hiệu bất thường và nghi ngờ nguyên nhân khác. Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ quyết định đưa bệnh nhân đến đơn vị Chống độc, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo dõi tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới nhận thấy dấu hiệu điển hình của ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum.

Một bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC.

Một bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC.

Sau 16 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sụp mí và thở máy. Ngày 10/9, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Rà Rịa để tiếp tục điều trị.

TS Hùng cho biết những năm 1975-1980, các bác sĩ là thầy của ông từng gặp một số ca ngộ độc tương tự. Thời gian đó, việc điều trị không mang lại kết quả khả quan.

"Ngay cả bác sĩ ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho biết họ chưa bao giờ gặp ca ngộ độc này. Do đó, chúng tôi không ngạc nhiên khi bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác. Nhờ phương tiện kỹ thuật hiện đại, các bác sĩ mới xác định được vi khuẩn gây ra tình trạng ngộ độc này", TS Hùng nói.

TS Hùng cho biết đến nay, các trường hợp bị ngộ độc botulinum trong pate Minh Chay nặng nhất từng điều trị tại đơn vị này đã cai được máy thở. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn, bệnh nhân buộc phải được hỗ trợ thở máy trở lại.

Hiện tại, các bệnh nhân bị ngộ độc không nguy hiểm đến tính mạng nhưng chưa thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Dự kiến, thời gian các bệnh nhân được theo dõi, điều trị và thở máy kéo dài vài tháng.

Ngoài ra, TS Hùng cho biết thêm điều đáng mừng là thuốc giải độc botulinum được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp đã chuyển về đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Các bác sĩ đang hội chẩn, đánh giá trường hợp nào cần sử dụng thuốc giải độc.

Nguyên nhân là thuốc giải chỉ có tác dụng tốt nhất trong tuần đầu tiên nhiễm độc. Trong khi đó, số lượng thuốc giải không nhiều, bệnh viện cần dự trù để điều trị cho trường hợp ngộ độc mới.

Botulinum không giống các ngộ độc khác. Đối với trường hợp thông thường, khi có huyết thanh hoặc thuốc giải để trung hoà độc tố, bệnh nhân sẽ cải thiện.

Với ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum, chúng tác động đến đầu mút thần kinh, gây biến chứng thời gian dài. Việc dùng thuốc giải độc càng sớm, thời gian thở máy của bệnh nhân có thể được rút ngắn lại.