largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Thấy gì từ chuyện Bách Hoá Xanh đóng bớt cửa hàng?

Câu chuyện chuỗi bán lẻ Bách Hoá Xanh đóng bớt 170 điểm bán chỉ trong vòng 2 tháng đang lộ rõ sự tính toán chi li của nhà bán lẻ Thế giới Di động.

Trong khi đó, việc nhà bán lẻ Thái Lan là Central Retail Việt Nam sẽ đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng vào mảng bán lẻ ở Việt Nam trong 4 năm tới là chỉ dấu cho thấy “sức nóng” cạnh tranh mảng bán lẻ ở Việt Nam càng lúc càng lên cao giữa lúc sức mua vẫn đang là một thách thức lớn.

Trên website chính thức của Bách Hoá Xanh (BHX) tính đến ngày 12/7 đang cập nhật danh sách 1.972 cửa hàng. Con số này được cho là đã giảm gần 170 điểm bán so với 2 tháng trước đó.

Kém hiệu quả nên phải đóng bớt

Còn trên báo cáo kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022 của CTCP đầu tư Thế giới Di động (MWG) - công ty chủ quản của BHX, cho thấy phía BHX đã hoàn tất thay đổi Layout (mô hình trưng bày hàng hoá) khoảng 50% số cửa hàng, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng BHX vào khoảng 1,1 tỷ đồng.

Bài toán thường xuyên mà các nhà bán lẻ có quy mô lớn phải đối mặt là khi càng mở nhiều chuỗi bán lẻ thì chi phí sẽ càng tăng lên, cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn.

Bài toán thường xuyên mà các nhà bán lẻ có quy mô lớn phải đối mặt là khi càng mở nhiều chuỗi bán lẻ thì chi phí sẽ càng tăng lên, cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn.

Theo MWG, vào Quý 3/2022, toàn bộ cửa hàng BHX hiện hữu sẽ hoạt động với Layout mới, cũng như rà soát và xử lý triệt để các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, BHX cũng sẽ hoàn tất xử lý tồn kho phát sinh do hạ diện tích và giảm số lượng SKUs (đơn vị lưu kho) kinh doanh tại cửa hàng. Và đến Quý 4/2022 mục tiêu đặt ra là doanh thu phải đạt bình quân 1,3 tỷ đồng/cửa hàng, phát triển mạnh kênh bán hàng trực tuyến (online) nhằm cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động.

Quanh chuyện BHX đóng cửa đến 170 cửa hàng chỉ trong 2 tháng, nhiều ý kiến cho rằng đó là do trước đó hệ thống này mở ồ ạt, “tràng giang đại hải” như một khu vực dân cư lại có đến 2 - 3 cửa hàng dẫn đến thừa thãi, nên sau đó phải đóng cửa bớt là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, nhiều người vẫn không quên chuyện cách đây 1 năm khi xảy ra đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 thì cung cách làm ăn chộp giật ở một vài BHX cũng ảnh hưởng phần nào đến khả năng thu hút khách hàng như hiện tại.

Ngoài BHX thì MWG đang sở hữu một loạt chuỗi bán lẻ khác trong lĩnh vực điện máy, dược phẩm, sản phẩm mẹ và bé như Điện Máy Xanh, Top Zone, An Khang, Ava Kids.

Xét về mặt lợi nhuận chung của hệ thống bán lẻ, phía MWG thừa nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế chậm hơn tăng trưởng doanh thu do tăng chi phí đầu vào và tăng chi phí vận hành do ảnh hưởng lạm phát, do chiến lược bán giá cạnh tranh để thu hút khách hàng, rồi các chi phí tác động ngắn hạn có liên quan đến BHX (trong đó có việc xử lý cửa hàng hoạt động kém hiệu quả).

Từ câu chuyện đóng bớt số cửa hàng của BHX và mối băn khoăn về mặt lợi nhuận của MWG, giới chuyên gia cho rằng đây là bài toán thường xuyên mà các nhà bán lẻ có quy mô lớn phải đối mặt, nhất là khi họ càng mở nhiều chuỗi bán lẻ thì chi phí sẽ càng tăng lên, cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn.

Nhất là thời gian qua MWG đã mở ra quá nhiều lĩnh vực, bán đủ thể loại hàng hóa, từ cao cấp tới bình dân. Như ở Tp.HCM, chia sẻ với VnBusiness, nhiều người dân cho biết khi ra đường, đi được một đoạn là đã thấy độ “phủ sóng” đến chóng mặt của loạt biển hiệu Thegioididong, Điện máy xanh, Bách Hoá Xanh, Topzone, Ava Kids, An Khang... Chỉ có điều, mở nhiều như vậy nhưng không biết thắng thua thế nào hay là lại đóng bớt những cửa hàng kém hiệu quả như Bách Hoá Xanh.

“Sức nóng” cạnh tranh càng lên cao

Số liệu báo cáo của MWG cũng cho thấy điều này, trong khi số cửa hàng BHX được giảm bớt thì trong 5 tháng đầu năm nay MWG đã mở 371 cửa hàng Điện máy xanh Supermini, 36 cửa hàng Top Zone và 101 nhà thuốc An Khang.

Với việc ồ ạt mở rộng chuỗi cửa hàng như vậy thì “sức nóng” về mặt cạnh tranh càng lên cao trong ngành bán lẻ là lẽ đương nhiên. Nhất là khi có những tập đoàn bán lẻ ngoại vẫn đang nhắm đến việc gia tăng thị phần bán lẻ tại Việt Nam.

Như thông tin mới đây, Central Retail Việt Nam (thuộc điều hành của một nhà bán lẻ Thái Lan), trong kế hoạch 5 năm tới (2022 – 2026) sẽ đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng vào mảng bán lẻ ở Việt Nam và hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng đa kênh số 1 trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại.

Song song với việc đầu tư, nhà bán lẻ của Thái Lan sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh đạt 65.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi tỉ lệ doanh thu từ các nền tảng bán hàng đa kênh đạt mức 15% và phát triển mở rộng tại 55/63 tỉnh, thành ở Việt Nam.

Và để tăng tốc mở rộng kinh doanh, Central Retail Việt Nam cũng hướng đến mục tiêu nắm bắt các cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) trong mảng bán lẻ tại Việt Nam.

Mặc dù tăng trưởng thị trường bán lẻ ở Việt Nam trong các năm tới được cho là đầy triển vọng, nhưng trước mắt, theo dự báo nửa cuối năm 2022 sẽ là khoảng thời gian đầy khó khăn cho các nhà bán lẻ hiện đại trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá cả leo thang, sức mua của người dân sụt giảm.

Đặc biệt những người có thu nhập thấp và trung bình ở khu vực thành thị - nơi thị trường chính yếu của các nhà bán lẻ hiện đại. Thu nhập của những người này chủ yếu đến từ tiền lương, thường là cố định trong một khoảng thời gian dài. Cho nên khi lạm phát xảy ra (giá cả hàng hóa tăng lên) thì số lượng hàng hóa mà họ mua được sẽ ít đi với cùng một mức lương cố định đó.

Và khi sức mua sụt giảm, những mặt hàng không phải thiết yếu sẽ không phải là ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng. Chẳng hạn như mặt hàng điện máy. Trong tháng 6/2022 vừa qua và thượng tuần tháng 7/2022, nhiều đơn vị bán lẻ mặt hàng này có cho biết dù đã kích cầu tiêu dùng, tung ra hàng loạt hoạt động khuyến mãi, giảm giá nhưng sức mua vẫn chưa thể “tăng nhiệt”. Rõ ràng đây là thách thức lớn là cho các nhà bán lẻ điện máy trong việc duy trì doanh thu khi mà người mua giảm nhu cầu.