largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Thất thoát đất "vàng" ở Khánh Hòa (*): Đụng đâu cũng thấy sai phạm!

Không chỉ Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào kiểm tra mà các đoàn Thanh tra Chính phủ, bộ, ngành cũng liên tục vào cuộc. Và điều đau lòng là kiểm tra, thanh tra đến đâu sai phạm đến đó

Cuối năm 2020, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh ký thông báo kết luận thanh tra về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tại 35 dự án ở tỉnh Khánh Hòa giai đoạn từ tháng 1-2010 đến tháng 6-2017.

Đủ kiểu xà xẻo đất công

Trong đó, rất nhiều dự án nằm ở những khu vực trung tâm TP Nha Trang, có vị trí đắc địa và đa số đều sử dụng đất công không thông qua đấu giá với nhiều hình thức khác nhau.

Điển hình về sai phạm mà Thanh tra Chính phủ kết luận là 13 dự án sử dụng nguồn đất công giao cho doanh nghiệp (DN) làm dự án đã vi phạm quy định pháp luật. Như dự án khách sạn Horizon Nha Trang có diện tích 1.640 m2 nằm ở khu đất 102 Dương Hiến Quyền và đường biển Phạm Văn Đồng (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang). Đây là khu đất được nhà nước giao cho Đội Thanh niên xung kích quản lý trật tự đô thị TP Nha Trang và Đội Giải tỏa TP Nha Trang sử dụng. Tuy nhiên, việc giao đất đã xảy ra hàng loạt sai phạm là không đấu thầu, đấu giá; cho thuê đất làm khách sạn không đúng quy hoạch sử dụng đất; bán tài sản nhà nước không qua đấu giá.

Đất vàng rộng 2453m2 tại số 72-74 Trần Phú của dự án Starcity

Đất vàng rộng 2453m2 tại số 72-74 Trần Phú của dự án Starcity

Một hình thức "xà xẻo" đất công khác là lấy đất của DN nhà nước đang sử dụng để giao cho DN tư nhân làm dự án. Có thể kể đến dự án Starcity ở số 72-74 Trần Phú với diện tích 2.453 m2 do Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang làm chủ đầu tư. Lô đất này trước đây của nhà khách Tỉnh ủy, sau đó giao cho Công ty Cung ứng tàu biển (là DN nhà nước đã cổ phần hóa) sử dụng nhưng không qua đấu giá trước khi làm dự án khách sạn. Dự án tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh Nha Trang (60 Trần Phú, TP Nha Trang) với diện tích 4.509 m2 cũng có nguồn gốc từ DN nhà nước là Công ty Du lịch Khánh Hòa đem tài sản góp với Tập đoàn Mường Thanh xây tổ hợp khách sạn 46 tầng, vi phạm quy hoạch chung do Thủ tướng phê duyệt.

Nhiều DN cũng được ưu ái lạ thường khi sử dụng đất công làm dự án rồi sang nhượng hưởng lợi. Đó là trường hợp của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Cat Tiger Việt Nam được phép thực hiện dự án cao ốc văn phòng khách sạn Cat Tiger tại số 12 Lê Thánh Tôn có diện tích 2.112 m2. Dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2013 nhưng chủ đầu tư không triển khai gì, đến cuối năm 2017 thì chuyển nhượng cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Phú. Sai phạm ở dự án này là không đấu thầu, đấu giá; UBND tỉnh không xử lý chủ đầu tư khi chậm tiến độ 3 năm nhưng lại cho phép chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới.

Cùng là cái tên Cat Tiger, một dự án 8.700 m2 đất công ở số 4 Tố Hữu (TP Nha Trang) cũng được giao cho Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Cat Tiger thực hiện đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều điểm sai... Ngoài ra, chủ đầu tư này còn xuất hiện ở một dự án khác đang bị Công an tỉnh Khánh Hòa điều tra (ngoài 35 dự án có kết luận của Thanh tra Chính phủ) là chung cư Napoleon Castle 1 (TP Nha Trang).

Với hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép chuyển đổi chủ đầu tư dự án khu phức hợp Thiên Triều Bãi Dương từ Công ty CP Đầu tư Thiên Triều sang Công ty CP Đầu tư Viễn Triều Nha Trang mà không báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cũng như chưa được các cơ quan chức năng xem xét về nghĩa vụ tài chính có liên quan, gây thất thu ngân sách hơn 11 tỉ đồng...

Khó thu hồi tài sản

Trước khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận 35 dự án thanh tra thì Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKT TƯ) đã có kết quả kiểm tra và ra Thông báo kết luận số 680-TB/UBKTTW. Kết luận này nêu rõ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020 và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016, nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.

UBKT TƯ đã thay mặt Ban Bí thư công bố quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với các ông: Lê Đức Vinh (Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021 và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016); Nguyễn Chiến Thắng (Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016); Đào Công Thiên (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021).

Các ông Vinh, Thắng, Thiên đã trực tiếp ký những văn bản vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về đất đai, về đầu tư xây dựng các dự án. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có các quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức các ông Vinh, Thiên, Thắng do đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác.

Riêng ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (nhiệm kỳ 2015-2020), bị UBKT TƯ nhận định là có sai phạm rất nghiêm trọng nhưng chưa bị xem xét kỷ luật do mắc bệnh hiểm nghèo. Sau đó, ông Quang được cho thôi chức để điều trị bệnh.

Thực hiện thông báo Kết luận số 680 của UBKT TƯ, tỉnh Khánh Hòa đã xác định 3 nhiệm vụ cụ thể là rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản có sai sót; xử lý cán bộ sai phạm; thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát. Theo đó, Tỉnh ủy đã thành lập các tổ công tác do các Phó Bí thư Tỉnh ủy đảm nhiệm, trưng tập các cán bộ chuyên môn để giải quyết.

Đến nay, qua rà soát, có 18 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có sai phạm. Tỉnh ủy Khánh Hòa đã xem xét, thi hành kỷ luật 11 cán bộ là lãnh đạo các sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa với hình thức từ khiển trách đến cảnh cáo.

Riêng việc khắc phục thu hồi tài sản thất thoát cho ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, thừa nhận đang gặp nhiều khó khăn, chỉ mới thu hồi được một ít và sẽ phải tiếp tục thu hồi số tài sản còn lại.

(Còn tiếp)

Đề nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra
 
Thanh tra Chính phủ đề nghị tỉnh Khánh Hòa phải rà soát, xác định lại tiền sử dụng đất, chống thất thu ngân sách; tạm dừng cấp phép loại hình biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng mà tỉnh Khánh Hòa gọi là "đất ở không hình thành đơn vị ở". Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị trong quá trình kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý cán bộ, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tư lợi thì phải kịp thời chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.