largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Tháng 2-2021, thành phố Hồ Chí Minh giải quyết việc làm cho hơn 27.000 lượt lao động

Theo Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 2-2021, thành phố đã giải quyết việc làm cho 27.412 lượt lao động, trong đó số chỗ việc làm mới tạo ra là 12.554 việc làm.

Công nhân Công ty cổ phần Dệt May Gia Định (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) trong phiên sản xuất đầu năm.

Công nhân Công ty cổ phần Dệt May Gia Định (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) trong phiên sản xuất đầu năm.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, đã có  54.157 lượt lao động được giải quyết việc làm, đạt 18,05% so với kế hoạch năm và số chỗ việc làm mới là 24.780 chỗ, đạt 17,09% so với kế hoạch năm.

Về tình hình chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong 2 tháng đầu năm 2021, đã có 20.149 lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Còn theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh (FALMI), nhu cầu nhân lực thành phố năm nay là khoảng 270.000 - 300.000 chỗ làm việc, trong đó có 140.000 chỗ việc làm mới. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I-2021 là khoảng 70.000 – 75.000 chỗ làm việc; các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho hoạt động ổn định phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Lý giải về vấn đề này, ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc FALMI nhận định: "Trong năm 2021, ít có biến động về lao động chất lượng cao, biến động chủ yếu ở lao động phổ thông, đặc biệt ở các ngành dệt may, giày da, chế biến thủy, hải sản, nhựa, cao su là những ngành thường xuyên biến động, thiếu hụt lao động", ông Phan Kỳ Quan Triết nói.

FALMI cũng dự báo, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tập trung trong các lĩnh vực, ngành nghề như kinh doanh, thương mại, công nghệ cao, dịch vụ... Đối với lao động phổ thông thì tập trung trong các doanh nghiệp dệt may, da giày, nhà hàng, khách sạn, bảo vệ chuyên nghiệp, vệ sinh công nghiệp...

Cụ thể, nhu cầu nhân lực năm 2021 tập trung ở các ngành: Kinh doanh - thương mại chiếm 20,16%, cao nhất trong tổng nhu cầu, tiếp đến là điện tử - công nghệ thông tin chiếm 10,96%; dịch vụ - phục vụ chiếm 7,25%... Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 25,21%, trung cấp chiếm 21,3%, cao đẳng chiếm 18%, đại học trở lên chiếm 21,29%.