largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Tây Ninh có 15 mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu

Việc chuẩn hoá quy trình cho các sản phẩm trồng trọt, cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đã góp phần phát huy tối đa giá trị sản xuất.

Năm 2023, Tây Ninh có tổng diện tích sản xuất cây ăn trái khoảng 25.000 ha, tăng trên 1.000 ha so với năm 2022, tổng sản lượng đạt gần 333.000 tấn.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh, địa phương đã có 15 mã số vùng trồng trái cây với diện tích hơn 552 ha được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU.

Cùng với đó là 16 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 520 ha đang chờ phản hồi phê duyệt mã số của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Mãng cầu được xem là cây ăn trái đặc sản của tỉnh Tây Ninh

Mãng cầu được xem là cây ăn trái đặc sản của tỉnh Tây Ninh

Trong năm 2023, có 25 cơ sở trồng trọt đăng ký áp dụng VietGAP trên địa bàn tỉnh, với 77,6 ha. Hiện toàn tỉnh có 652,71 ha đang áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP, 23,6 ha áp dụng quy trình sản xuất GlobalGAP và 4 ha diện tích đang sản xuất hữu cơ.

Đây là thời điểm người nông dân ở Tây Ninh bắt đầu triển khai kế hoạch sản xuất vụ Ðông Xuân 2023-2024. Dự kiến diện tích lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 trên địa bàn tỉnh vào khoảng 46.000 ha, năng suất 59,6 tạ/ha, sản lượng 274.022 tấn.

Cây bắp đạt khoảng 2.800 ha, năng suất 62 tạ/ha, sản lượng 17.546 tấn; Cây rau các loại là 7.900 ha, năng suất 18,9 tấn/ha, sản lượng 149.310 tấn; Cây đậu các loại ước khoảng 1.700 ha, năng suất 1,5 tấn/ha, sản lượng 2.550 tấn...

Sở Nông nghiêp và Phát triển- Nông thôn tỉnh Tây Ninh khuyến cáo nông dân sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, tưới tiết kiệm và cơ giới hoá trong sản xuất để nâng cao năng suất bình quân.