largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Sản xuất nông nghiệp: Tìm cách thoát "lời nguyền" manh mún

Thời gian qua, đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ để xây dựng các mô hình cánh đồng lớn (CĐL), chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ. Tuy nhiên, nền nông nghiệp vẫn chưa thoát khỏi “lời nguyền” sản xuất manh mún, thiếu bền vững.

Do thiếu những chuỗi liên kết mạnh, bền vững, doanh nghiệp (DN) lo bài toán khát vốn liên kết thu mua, nông dân thì loay hoay tìm đầu ra ổn định. Rồi cứ mỗi mùa vụ lại tái diễn tình trạng “lật kèo” - hợp đồng liên kết bị phá vỡ khi thì do bên bán, lúc tại bên mua.

Bài 1: Những cánh đồng chưa kịp lớn

Từ năm 2014, UBND tỉnh đã bắt tay vào triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng CĐL. Tiếp theo là triển khai Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Đồ họa thể hiện số lượng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, số lượng dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân

Đồ họa thể hiện số lượng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, số lượng dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân

Tỉnh quan tâm triển khai các chính sách trên, quan tâm đầu tư hạ tầng cho các vùng sản xuất. DN, HTX, nông dân cũng quan tâm đầu tư vốn lớn vào mục tiêu xây dựng CĐL, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa xứng với tiềm năng.

* Đầu tư mạnh

Triển khai xây dựng CĐL trong sản xuất, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 16 dự án CĐL được UBND tỉnh phê duyệt. Các dự án triển khai đều được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ tập huấn, hỗ trợ dịch vụ bảo vệ thực vật và nhiều chính sách khác như: hỗ trợ kinh phí thành lập mới HTX, hỗ trợ sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chuyển giao khoa học công nghệ, vay vốn lãi suất ưu đãi..

Ông TRẦN QUANG HIỆP, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Xuân Quế, đơn vị tham gia dự án CĐL cà phê tại H.Cẩm Mỹ, cho biết sau vài năm triển khai, nhiều nông dân rút khỏi chuỗi liên kết, chặt bỏ cây cà phê vì lợi nhuận thấp. Trong đó có nguyên nhân cà phê sạch chủ yếu vẫn bán trôi nổi cho thương lái với giá hàng thường, vì giá DN bao tiêu không cao hơn nhiều so với mặt bằng chung mà tiêu chuẩn thu mua lại khắt khe hơn.

Nhiều dự án CĐL được chính quyền các địa phương quan tâm đầu tư về hạ tầng như hệ thống đường, điện về tận cánh đồng. Cụ thể, dự án CĐL liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm điều tại xã An Viễn (H.Trảng Bom) với diện tích 568ha do HTX Dịch vụ nông nghiệp An Viễn làm chủ đầu tư. Địa phương đã có nhiều ưu tiên hỗ trợ vùng dự án này như: đầu tư cứng hóa 2 tuyến đường với chiều dài 5,7km với tổng kinh phí đầu tư hơn 17 tỷ đồng; đầu tư 2 tuyến đường điện trung thế và trạm biến áp, 1 tuyến điện hạ thế. Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ kinh phí đầu tư phân bón cho mô hình thâm canh điều, hướng dẫn kỹ thuật trồng, ghép cải tạo điều…

Dự án CĐL ca cao xen điều trên địa bàn H.Trảng Bom và các huyện lân cận cũng đặt ra mục tiêu phát triển cả ngàn ha, có các tập đoàn lớn tham gia bao tiêu sản phẩm. Theo kế hoạch, đây cũng là dự án cần vốn đầu tư lớn; trong đó, nông dân đầu tư vốn trồng ca cao xen canh cây điều, DN đầu tư nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu, địa phương đầu tư về hạ tầng, hỗ trợ nông dân một phần kinh phí về cây giống, phân bón và hệ thống tưới nước tiết kiệm...

Ông Nguyễn Văn Thu, Phó giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Viễn tính toán: “Tổng chi phí đầu tư từ giống đến hệ thống tưới nước tiết kiệm, vốn đầu tư ban đầu trồng xen canh ca cao trong 1ha điều khoảng 150 triệu đồng. Tôi đã bỏ tiền tỷ để đầu tư gần 9ha trồng cây ca cao xen canh cây điều. DN tham gia dự án cũng đã đầu tư xưởng sơ chế, bao tiêu trái ca cao cho nông dân với giá tốt, bình ổn”.

Ngoài ra, kết quả thực hiện Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng đạt nhiều kết quả nổi bật. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 31 cơ sở và 12.540 hộ sản xuất. Trong đó, có 49 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác lập, 117 chuỗi liên kết do các DN, HTX và nông dân chủ động thực hiện. Các địa phương vẫn tiếp tục triển khai xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.

* Vẫn thiếu tính bền vững

Kết quả đạt được về xây dựng CĐL, chuỗi liên kết vẫn chưa xứng tầm với sự đầu tư vốn lớn, dài hạn suốt thời gian qua. Cụ thể, chỉ có 16 dự án CĐL với tổng diện tích đạt gần 6 ngàn ha tham gia chuỗi liên kết. Con số này vẫn rất khiêm tốn so với tổng diện tích gần 170 ngàn ha cây lâu năm của tỉnh.

Đồng Nai có hơn 13 ngàn ha chuối, trong đó có những địa phương có vùng chuyên canh chuối già xuất khẩu với hàng ngàn ha nhưng vẫn chưa xây dựng được cánh đồng lớn cho cây chuối xuất khẩu. Trong ảnh: Thu hoạch chuối xuất khẩu tại xã Thanh Sơn, H.Định Quán

Đồng Nai có hơn 13 ngàn ha chuối, trong đó có những địa phương có vùng chuyên canh chuối già xuất khẩu với hàng ngàn ha nhưng vẫn chưa xây dựng được cánh đồng lớn cho cây chuối xuất khẩu. Trong ảnh: Thu hoạch chuối xuất khẩu tại xã Thanh Sơn, H.Định Quán

Xét trên từng dự án cụ thể, kết quả đạt được cũng rất thấp so với kế hoạch đề ra. Tuy mục tiêu của tỉnh đặt ra sẽ xây dựng được những CĐL hàng trăm, thậm chí cả ngàn ha nhưng khi triển khai vào thực tế, đa số quy mô các dự án CĐL chỉ dừng lại ở mức vài chục ha.

Nhiều chuỗi liên kết rơi vào cảnh “chết yểu” vì mối liên kết giữa DN và nông dân còn lỏng lẻo, dễ dàng đứt gãy do nhiều nguyên nhân như: chính sách hỗ trợ chưa đi vào thực tế; năng lực của HTX còn hạn chế, chưa thật sự trở thành một trong những mắt xích quan trọng để làm cầu nối của chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa lớn. Đặc biệt, các hợp đồng liên kết, tiêu thụ không đủ yếu tố pháp lý ràng buộc, không đủ “sức nặng” để chế tài bên này, bên kia.

Cụ thể, dự án CĐL ca cao xen điều trên địa bàn H.Trảng Bom và các huyện lân cận đặt ra mục tiêu phát triển cả ngàn ha nhưng sau 6 năm triển khai chỉ mới nhân rộng được 47ha với 22 hộ tham gia. Chôm chôm Long Khánh là một trong số ít đặc sản của Đồng Nai được cấp chỉ dẫn địa lý. Vài năm trước, chỉ tính riêng xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) còn cả ngàn ha chôm chôm. Theo đó, địa phương đã xây dựng dự án CĐL chôm chôm Bình Lộc với kỳ vọng xây dựng vùng chuyên canh, tạo lợi thế cạnh tranh cho trái chôm chôm tham gia thị trường xuất khẩu. Nhưng sau nhiều năm triển khai, đến nay dự án chỉ có 28 hộ tham gia với diện tích trên 33ha.

Dự án CĐL liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê 4C là một trong những dự án CĐL đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai tại 3 địa phương: Cẩm Mỹ, Tân Phú và Xuân Lộc với tổng diện tích hơn 600ha, có tập đoàn lớn tham gia làm chủ đầu tư. Nhưng sau thời gian triển khai, H.Xuân Lộc xin rút khỏi dự án vì không đạt về diện tích do nông dân đua nhau chặt bỏ cây cà phê. 2 địa phương còn lại tuy vẫn tiếp tục triển khai nhưng sau khi kết thúc dự án, những vùng chuyên canh cà phê này cũng không còn tồn tại. Nguyên nhân, những năm gần đây cà phê có giá thấp, một số vùng diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất nên nông dân chặt bỏ nhiều.

Thực tế, khá dễ dàng tìm thấy những câu chuyện về sự đứt gãy của chuỗi liên kết. Nguyên Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (H.Tân Phú) Vũ Văn Đông chia sẻ, dự án CĐL cây bưởi da xanh VietGAP của xã Tà Lài được triển khai có DN tham gia chuỗi liên kết, cam kết bao tiêu sản phẩm bưởi sạch cho nông dân với giá tốt cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Nhưng sau một thời gian triển khai, DN đã lặng lẽ rút khỏi dự án, trái bưởi sạch của nông dân chủ yếu vẫn tiêu thụ thông qua thương lái với giá hàng thường, HTX cũng hầu như không hoạt động.

Chiều ngược lại, nông dân cũng vì lợi nhuận trước mắt sẵn sàng phá vỡ giao kèo.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc), chia sẻ nhiều năm xây dựng CĐL sầu riêng, HTX luôn nỗ lực tìm đối tác là các hệ thống siêu thị, DN xuất khẩu để tham gia chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. “Nhưng đến nay, HTX vẫn chưa thực sự xây dựng được chuỗi liên kết chặt chẽ vì giá sầu riêng biến động quá lớn, khi mặt hàng này có giá tốt, thương lái chỉ cần trả cao hơn đôi ba ngàn đồng/kg, nông dân sẵn sàng bán ra bên ngoài, HTX khó đảm bảo về sản lượng khi ký kết hợp đồng với DN nên đầu ra vẫn thả nổi theo thị trường” - bà Nga nói.