largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công: Đắk Lắk điều chuyển vốn 95 dự án

Tính đến tháng 9, toàn tỉnh Đắk Lắk mới thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được 40% kế hoạch.

Năm 2020, tổng số vốn đầu tư xây dựng đã phân bổ chi tiết ở tỉnh Đắk Lắk là gần 4.200 tỷ đồng, trong đó có hơn 690 tỷ đồng chuyển tiếp từ năm 2019. Đến đầu tháng 9, tỉnh mới giải ngân đạt 40,5% kế hoạch vốn năm nay; riêng vốn kéo dài từ năm trước chỉ giải ngân đạt 39%.

Vướng mắc lớn nhất ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng. Tình trạng này xảy ra ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Ông Lữ Ngọc Sinh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, một trong 2 đơn vị quản lý số vốn đầu tư lớn nhất của tỉnh cho biết, ban đang vướng bởi 2 dự án là Quảng trường trung tâm Thị xã Buôn Hồ và đường giao thông trục chính N6 trung tâm huyện Krông Buk, có nguy cơ phải chuyển vốn hơn 34 tỷ đồng.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến Đắk Lắk chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến Đắk Lắk chậm giải ngân vốn đầu tư công.

“Các dự án này hiện phương án đền bù thì đang được hoàn thiện. Nên nếu mà đến tháng 10 tới phương án đền bù không được dân đồng thuận, không được huyện phê duyệt thì sẽ đề nghị chuyển vốn; còn nếu được phê duyệt thì xem như là đã được giải ngân đảm bảo kế hoạch”, ông Lữ Ngọc Sinh cho biết.

Theo ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đắk Lắk, ngoài những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thì việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh còn bị vướng do sự thiếu chủ động của chủ đầu tư và các cấp ngành địa phương. Đó là chất lượng tư vấn chưa đạt yêu cầu; một số dự án phải dừng để điều chỉnh mức đầu tư do phát sinh trong quá trình thực hiện; và có cả những tồn tại từ những năm trước về đất, cát phục vụ thi công các công trình.

“Năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động hướng dẫn tháo gỡ vấn đề đất phục vụ các công trình xây dựng. Tuy nhiên, có tình trạng là hiện nay việc quy hoạch mỏ đất của các địa phương rất chậm, nên khi các nhà thầu lấy đất để làm thì phải lấy ở chỗ khác. Khi lấy của dân thì phải thực hiện quy trình thỏa thuận với dân, lên Sở Tài nguyên môi trường thẩm định xem xét trình cho UBND tỉnh đồng ý thì mới quay lại thực hiện được. Bên cạnh đó, việc đấu giá các mỏ khai thác cát cũng chưa triển khai thực hiện được”, ông Đinh Xuân Hà cho hay.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong 2 tháng gần đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã liên tục có các văn bản đôn đốc các sở ngành, địa phương. Theo đó, hàng tuần các đơn vị phải rà soát báo cáo cụ thể tiến độ thực hiện từng dự án. Trên cơ sở đó, trong tháng 8, UBND tỉnh đã điều chỉnh giảm kế hoạch vốn 95 dự án để tăng vốn cho các dự án đã phê duyệt quyết toán và hoàn thành thi công. Việc chuyển vốn hơn 240 tỷ đồng cho những dự án có khối lượng thi công, những dự án sắp hoàn thành, đã giúp tỉnh tăng 11% tỷ lệ giải ngân so với tháng trước. Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây là tín hiệu tốt để tỉnh quyết tâm hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của năm nay.

“Đã quyết tâm giải ngân 100% thì phải rà lại cụ thể từng dự án. Dự án nào cần vốn, có khối lượng thi công rồi thì phải báo ngay cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để điều vốn từ các dự án không giải ngân được. Nói như vậy để các sở, ngành phải chủ động tập trung rà soát cho dứt điểm, trong tháng 9 này phải xử lý hết việc điều vốn từ công trình không thực hiện được sang cho công trình giải ngân”, ông Phạm Ngọc Nghị nói.

Cùng với việc rà soát cụ thể từng dự án để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc và kịp thời điều chuyển nguồn vốn theo tiến độ thực tế, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo các sở ngành nghiên cứu tiến tới xây dựng một quy trình đầu tư chuẩn làm “cẩm nang” cho những dự án chuẩn bị triển khai, để khắc phục những tồn tại cố hữu trong công tác này./.