largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Quảng Bình: Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2021

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 780/UBND-KT yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người dân và chủ thể kinh tế hiểu được mục đích, ý nghĩa khi tham gia Chương trình.

Xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai Chương trình OCOP ở cấp huyện, phấn đấu trong năm 2021 mỗi huyện, thị xã, thành phố có thêm 03 - 05 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.

Quảng Bình tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2021 (ảnh minh họa)

Quảng Bình tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2021 (ảnh minh họa)

Khẩn trương triển khai thực hiện chu trình OCOP theo 06 bước đã được quy định tại Quyết định số 3989/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nộp và lựa chọn kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại, trong đó cần tập trung vào những sản phẩm đặc trưng, mang tính truyền thống của quê hương, vùng miền, có lợi thế để phát triển.

Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở cấp huyện theo quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 12/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng đến công tác tập huấn cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở cấp huyện để rà soát, thống nhất cách thức chấm điểm cho một số tiêu chí khó đánh giá như câu chuyện sản phẩm, tiêu chí về cảm quan... nhằm đánh giá đúng thực chất tiềm năng của sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở cấp tỉnh.

Bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ các chủ thể kinh tế đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, thiết kế bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng website cơ sở; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, phân công trách nhiệm cán bộ theo dõi, phụ trách Chương trình OCOP ở cấp huyện; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ tham gia quản lý, thực hiện Chương trình OCOP cấp huyện, xã nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao...