largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Phú Yên: Rừng Sơn Hội tiếp tục bị "xẻ thịt" để lấy gỗ

Phú Yên - Nhiều cây gỗ có đường kính hơn 1m thuộc tiểu khu 158 và 162 tại xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) vẫn ngày ngày bị "lâm tặc" cưa hạ để lấy gỗ, mặc dù những khu vực rừng này đang trong diện điều tra của Công an tỉnh Phú Yên.

Gần 1 năm qua, tại xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa xảy ra 9 vụ hủy hoại rừng. Mặc dù, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố, mở rộng điều tra các vụ phá rừng trên địa bàn xã này từ năm 2021 đến nay. Thế nhưng, nhiều khu vực rừng tại đây vẫn đang bị “lâm tặc” xẻ cây lấy gỗ cả ngày lẫn đêm.

Được biết, các khu vực rừng bị hủy hoại đang được điều tra tập trung tại các tiểu khu: 156, 158, 160, 162, 165, 167, 168, V3.2 với tổng diện tích 26,7ha. Ngoài ra, tại xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), 4 vụ phá rừng đang được điều tra làm rõ.

Nhiều cây gỗ bằng lăng có đường kính từ 120 - 140cm vừa bị lâm tặc bỏ lại khi thấy phóng viên.

Nhiều cây gỗ bằng lăng có đường kính từ 120 - 140cm vừa bị lâm tặc bỏ lại khi thấy phóng viên.

Chiều 13.9, sau khi nhận được tin báo có "lâm tặc" đang cưa hạ nhiều cây rừng tại tiểu khu 162 và 158 tại xã Sơn Hội, phóng viên đã lập tức tới hiện trường để ghi nhận tình hình. Đi bộ hơn 10km đường rừng hiểm trở, chúng tôi đã có mặt tại khu vực đang bị khai thác gỗ.

Đến khu vực được xác định tiểu khu 162, thôn Tân Thành (xã Sơn Hội), chúng tôi đã nghe tiếng máy cưa đang xẻ gỗ vọng lại từ xa. Lần theo tiếng cưa “giòn giã”, chúng tôi đã tiếp cận nơi “lâm tặc” đang xẻ gỗ.

Phát hiện có người đến, “lâm tặc” liền rút máy tháo chạy, để lại hàng chục cây gỗ to nằm ngổn ngang.

Nhiều cây gỗ lớn đến nỗi 2 người ôm mới xuể.

Nhiều cây gỗ lớn đến nỗi 2 người ôm mới xuể.

Tại hiện trường, có hơn chục cây gỗ lớn như: Mít nài, bằng lăng, lim… vừa bị chặt hạ, một số cây có đường kính từ 100 - 140cm, dăm gỗ vẫn còn vương vãi khắp mặt đất, gốc cây lớn đến nỗi hai người ôm mới xuể.

Tiếp đó, chúng tôi băng qua vài km để đến tiểu khu 158, khu vực Sông Cồn, thôn Tân Thuận. Đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh “trơ trụi” của một mảnh rừng tại đây.

Một số hộ dân chặt bỏ cây rừng, phát dọn để lấn chiếm đất rừng.

Một số hộ dân chặt bỏ cây rừng, phát dọn để lấn chiếm đất rừng.

Qua tìm hiểu, sau khi thu hoạch keo xong, một số hộ dân chặt bỏ cây rừng, phát dọn để lấn chiếm đất rừng nhằm mở rộng diện tích đất của mình.

Làm việc trực tiếp phóng viên, ông Trần Ngọc Tây - Chủ tịch UBND xã Sơn Hội - cho biết, hiện khu vực này đang được công an điều tra nhưng tình trạng phá rừng vẫn xảy ra liên tục.

Nhiều cây gỗ lớn chỉ còn lại mỗi gốc trơ trọi.

Nhiều cây gỗ lớn chỉ còn lại mỗi gốc trơ trọi.

“UBND xã đã ghi nhận thông tin phản ánh của báo chí và sẽ liên tục đi kiểm tra khu vực này, sẽ báo cáo lại tình hình sớm nhất” - ông Tây nói.Thông tin về tình trạng trên, ông Nguyễn Viết Thu - Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa - cho hay, do mới nhận công tác ngày 12.9.2022 nên chưa nắm cụ thể tình hình.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của phóng viên về vụ việc, phía BQL rừng phòng hộ huyện đã ghi nhận thông tin và sẽ chỉ đạo kiểm tra ngay trong ngày mai.

“Chúng tôi sẽ lập tổ đi kiểm tra các khu vực này liên tục. Khi phát hiện được vụ phá rừng nào sẽ lập biên bản chuyển cơ quan chức năng xử lý.

Gốc cây gỗ bị cưa hạ.

Gốc cây gỗ bị cưa hạ.

Tuy nhiên, “lâm tặc” ngày càng tinh vi, chúng luôn cử người đi theo dõi tổ công tác nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Cần phải có sự phối hợp của các cấp, tăng cường lực lượng cơ động của kiểm lâm... thì may ra mới hạn chế được” - ông Thu thông tin thêm.

Ông Thu cho biết, trong tháng 8.2022, BQL rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa đã lập biên bản 1 vụ phá rừng không có đối tượng ở xã Sơn Hội với diện tích 700m2. Lập biên bản 2 vụ lấn chiếm đất rừng với diện tích 6.570m2 và đã giao cho UBND xã Sơn Hội xử lý.

Như Báo Lao Động đã phản ánh trước đó, sáng 6.9.2022, vượt hơn 3km đường đồi núi, phóng viên đã thâm nhập vào khu rừng đang bị đốn hạ. Tại Tiểu khu 165, khu vực Suối Quanh, ở thôn Tân Hội (xã Sơn Hội), chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh các đối tượng ngang nhiên dùng máy cưa xẻ cây rừng, chất gỗ thành từng đống lớn để chờ vận chuyển theo đường mòn ra ngoài.

Đi bộ thêm vài trăm mét, chúng tôi nhìn thấy nhiều gốc cây rừng có đường kính từ 10cm - 20cm hoặc thậm chí có cây 30cm đều bị cưa sát gốc, số cây rừng bị đốn hạ sẽ được “lâm tặc” dùng lá cây keo phủ lên gốc, đợi sau khi lá keo khô thì sẽ đốt để “phi tang”.