largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Phát triển thương hiệu nón lá Sai Nga

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận nghề làm nón lá xã Sai Nga là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thuộc loại hình thủ công truyền thống năm 2020. Đây là bước đà quan trọng để xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nghề thủ công truyền thống của địa phương.

Nghề làm nón lá Sai Nga phát triển mạnh mẽ từ khoảng những năm 1950. Đầu tiên là một số người dân ở làng Chuông (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội) trong thời kì tản cư đã mang đến đây nghề làm nón lá. Trải qua thời gian, nghề làm nón được người dân nơi đây bảo tồn, phát triển.

Người dân Sai Nga đang nỗ lực giữ nghề truyền thống

Người dân Sai Nga đang nỗ lực giữ nghề truyền thống

Trước kia, hơn 90% số hộ trong xã Sai Nga làm nghề làm nón. Nay do có khu công nghiệp đóng trên địa bàn huyện, số hộ làm nghề giảm đi đôi chút. Ở Sai Nga, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết làm nón.

Bà Nguyễn Thị Thảo, 68 tuổi ở khu Văn Phú 3 cho biết: “Từ lúc còn rất nhỏ tôi đã học ông bà, bố mẹ làm nón, đến nay đã được hơn 50 năm trong nghề. Tôi đã truyền dạy nghề cho các em, các cháu tận dụng thời gian lúc nông nhàn để làm thêm. Nguyên liệu làm nón gồm: Lá, khuôn, vành, mo tre, hoặc mo vầu, sợi cước, sợi len để nhôi và một lưỡi cày để là phẳng lá. Để làm ra một chiếc nón phải mất khoảng 3 giờ. Một chiếc nón đẹp là chiếc nón lá phải trắng, đường khâu mượt mà, những vết khâu trên mỗi vành nón phải đảm bảo khoảng cách đều tăm tắp”.

2-1613726217

Hiện xã Sai Nga có một Hợp tác xã nón lá với 26 hộ thành viên để liên kết, hỗ trợ nhau về kỹ thuật và bao tiêu đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm làm ra đều được thương lái thu mua tận nơi hoặc đưa đi bán các nơi như: các hội chợ thương mại; dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng; các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên…. và xuất khẩu sang cả Trung Quốc. Tuy nhiên, người làm nón Sai Nga vẫn thích đem nón đến chợ phiên và coi đó như một nét văn hóa truyền thống của làng mình.

Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng triển khai việc đưa máy móc hiện đại vào làm nghề để giảm công lao động cho người dân và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tập trung phát triển và đưa thương hiệu nón lá Sai Nga không chỉ ở trong tỉnh, các tỉnh lân cận mà ra toàn quốc.  Hiện nay, các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã đang quan tâm đầu tư xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn kết sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống với du lịch văn hóa.