largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Nông dân Sóc Trăng làm giàu từ vườn mãng cầu ta cho trái mùa nghịch

Sóc Trăng - Nổi tiếng siêng năng và nhạy bén trong sản xuất nông nghiệp ở thị xã Vĩnh Châu, ông Huỳnh Thol đã áp dụng khá thành công nhiều mô hình như: Trồng nhãn, trồng hành, các loại rau cải, nuôi artemia.

Mặc dù vậy, đến khi áp dụng thành công mô hình trồng mãng cầu ta cho trái vào mùa nghịch thì người nông dân này mới thật sự hài lòng và duy trì phát triển hơn chục năm nay.

Hơn 10 năm đúc kết kỹ thuật cho mãng cầu ta ra trái mùa nghịch

Ông Huỳnh Thol - ở ấp Prey Chóp, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu là một trong những người tiên phong trồng mãng cầu ta và thành công nhất với việc cho trái vào mùa nghịch ở tỉnh Sóc Trăng. Tính đến nay, ông Thol đã có hơn 25 năm gắn bó với nghề trồng mãng cầu ta. Trong đó, khoảng 15 năm ông áp dụng kỹ thuật cho trái vào mùa nghịch.

Nông dân Huỳnh Thol là một trong những người tiên phong trồng mãng cầu ta và thành công kỹ thuật cho trái mùa nghịch ở TX. Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: Văn Sỹ

Nông dân Huỳnh Thol là một trong những người tiên phong trồng mãng cầu ta và thành công kỹ thuật cho trái mùa nghịch ở TX. Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: Văn Sỹ

Với việc cho ra trái vào mùa nghịch, mỗi năm ông Thol thu hoạch được 2 vụ. Với 4.000m2 trồng và cho 2 vụ trái, mỗi năm mang về thu nhập khoảng 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm.

Ông Huỳnh Thol đang bán mãng cầu ta cho thương lái. Ảnh: Văn Sỹ

Ông Huỳnh Thol đang bán mãng cầu ta cho thương lái. Ảnh: Văn Sỹ

“Nếu như trồng thông thường mãng cầu ta chỉ cho trái mỗi năm chỉ một vụ nhưng mình có kỹ thuật chăm sóc phù hợp và tỉa cành, ngắt lá đúng cách thì mỗi năm thu hoạch được 2 lần trái sẽ giúp lợi nhuận tăng lên gấp đôi. Bởi giá trái mãng cầu ta bán vào mùa nghịch thường cao gấp rưỡi so với giá bán vụ thuận.

"Đa số các đợt bán trái vào mùa nghịch, tôi bán được giá từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg. Còn giá bán vụ thường chỉ 20.000 đến 25.009 đồng/kg. Tôi xử lý cho trái mùa nghịch đến thu hoạch đúng vào mùa tết Nguyên Đán kéo dài đến mùa Thanh Minh để bán có giá cao.

Dù đã hái một lần trái, nhưng vườn mãng cầu ta nhà ông Huỳnh Thol còn rất sai trái trên cây. Ảnh: Văn Sỹ

Dù đã hái một lần trái, nhưng vườn mãng cầu ta nhà ông Huỳnh Thol còn rất sai trái trên cây. Ảnh: Văn Sỹ

"Không trồng thì thôi, chứ trồng rồi thì mê lắm. So với vườn nhãn nhà tôi cũng như nhiều vườn nhãn khác của nông dân trong xóm tôi biết, thì mô hình trồng mãng cầu ta tôi thấy ổn định hơn nhiều” - ông Huỳnh Thol chia sẻ.

Lan tỏa mô hình trồng mãng cầu ta cho trái mùa nghịch

Anh Quách Văn Khánh ở ấp Prey Chóp, xã Lai Hòa cũng bắt đầu trồng mãng cầu ta khoảng 4 năm nay. Nhà anh trồng 2 giống mãng cầu ta gồm giống mãng cầu ta Tây Ninh và giống mãng cầu ta truyền thống ở Vĩnh Châu, với diện tích 2.500m2.

Anh Khánh cho biết, mình học hỏi và áp dụng kỹ thuật cho ra trái vào mùa nghịch từ mô hình của ông Huỳnh Thol. Tuy nhiên, do mới áp dụng gần đây nên năng suất trái chưa đạt cao như mong muốn.

“Năng suất trái mùa nghịch ở vườn mãng cầu ta nhà tôi chỉ đạt khoảng 4kg/gốc. Như vậy, còn đạt rất thấp so với vườn mãng cầu ta của chú Huỳnh Thol. Vì mỗi gốc mãng cầu ta của chú Thol đạt trên 10kg mỗi vụ. Tuy vậy, mình cũng cảm thấy vui vì mỗi năm được thu hoạch đến hai vụ trái. Tôi sẽ đúc kết kinh nghiệm và học hỏi thêm kỹ thuật chỗ chú Huỳnh Thôl để nâng cao năng suất cho vườn mãng cầu nhà mình trong thời gian tới” - anh Khánh chia sẻ.

Mãng cầu ta phù hợp với thổ nhưỡng nhiều vùng đất ở TX. Vĩnh Châu cùng kỹ thuật chăm sóc của nông dân cho trái rất đẹp. Ảnh: Văn Sỹ

Mãng cầu ta phù hợp với thổ nhưỡng nhiều vùng đất ở TX. Vĩnh Châu cùng kỹ thuật chăm sóc của nông dân cho trái rất đẹp. Ảnh: Văn Sỹ

Theo Hội Nông dân thị xã Vĩnh Châu, toàn thị xã có hơn 300 nông dân trồng mãng cầu ta. Nhờ học hỏi và đúc kết kinh nghiệm từ những người trồng trước, đa số các vườn mãng cầu ta đều áp dụng kỹ thuật cho ra trái mùa nghịch. Lợi nhuận trung bình người trồng từ 10 đến 15 triệu đồng/1.000m2. Trong đó, gia đình ông Huỳnh Thol là một trong những hộ có diện tích trồng nhiều và là hộ tiên phong với việc áp dụng cho trái vào mùa nghịch ở thị xã.