largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Nông dân miền Tây than thở vì “giá lúa giậm chân, giá phân nhảy múa”

Sóc Trăng - Tính đến ngày 15.8, nông dân ở các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu và một phần của tỉnh Sóc Trăng đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu 2022. Khác hẳn với không khí vui tươi, phấn khởi vào mùa thu hoạch, nhiều nông dân khép lại vụ lúa hè thu với nhiều nỗi buồn lo, trăn trở.

Từ hòa tới lỗ

Do gieo sạ trễ hơn so với một số nông dân khác, đến ngày 14.8, ông Phạm Hoàng Mao, xã Ninh Quới A, (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) mới thu hoạch xong mẫu ruộng cuối cùng với diện tích hơn 12 công. Năng suất mỗi công đạt gần 700kg lúa tươi. Giống lúa gia đình ông Mao gieo trồng là Đài thơm 8.

Sau thu hoạch, ông bán lúa tươi tại ruộng với giá 5.800 đồng/kg. Trung bình, mỗi công bán được 4 triệu đồng. Ông Mao cho biết, với thu nhập như trên, 12 công lúa này coi như huề vốn. Bởi, chi phí đầu tư cho vụ lúa cũng đã gần 4 triệu đồng.

Với thu nhập 4 triệu đồng mỗi công, vụ lúa hè thu của ông Phạm Hoàng Mao coi như huề vốn. Ảnh: Văn Sỹ

Với thu nhập 4 triệu đồng mỗi công, vụ lúa hè thu của ông Phạm Hoàng Mao coi như huề vốn. Ảnh: Văn Sỹ

Ông Phạm Hoàng Mao (áo đỏ) chia sẻ cùng phóng viên. Ảnh: Văn Sỹ

Ông Phạm Hoàng Mao (áo đỏ) chia sẻ cùng phóng viên. Ảnh: Văn Sỹ

“Lúa hè thu mà thu hoạch được 700kg lúa tươi là đạt năng suất rồi. Tuy nhiên, mình không có lời do giá vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu tăng cao khiến chi phí đội lên gần gấp đôi so với những năm trước. Nếu như trước đây, tổng chi phí đầu tư mỗi công ruộng chì từ 2 đến 2,5 triệu đồng/vụ thì vụ lúa này tôi tính sơ tổng chi phí phân thuốc, tiền lúa giống, máy cắt đã gần 4 triệu rồi”, ông Mao than thở.

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch ruộng lúa nhà ông Phan Văn Nhum, xã Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm, sóc Trăng). Ảnh: Văn Sỹ

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch ruộng lúa nhà ông Phan Văn Nhum, xã Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm, sóc Trăng). Ảnh: Văn Sỹ

Là nông dân sản xuất giỏi ở xã Mỹ Quới, (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), ông Phan Văn Nhum cũng vừa kết thúc vụ lúa hè thu với nhiều trăn trở.

“Chưa bao giờ nông dân chúng tôi phải chịu sức ép khi làm ruộng như hiện nay. Giá phân, thuốc, xăng, dầu và cả nhân công đều tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với thời điểm từ giữa năm 2021 về trước. Ngay từ đầu vụ hè thu, tôi và nhiều nông dân trong xóm đã đắn đo có nên gieo sạ lúa hay không, cuối cùng vẫn phải làm.

Nhà tôi làm 27 công ruộng, thu hoạch xong trả tiền vật tư nông nghiệp, lúa giống, máy cắt, tiền phun xịt thuốc vừa đủ. Còn tiền công của vợ chồng tôi hơn 100 ngày coi như chịu lỗ. Bây giờ có mà than khổ với ông trời chứ biết than với ai. Giá lúa thì giậm chân mà giá thuốc, giá phân thì cứ bay nhảy”, ông Nhum bày tỏ.

Nan giải bài toán lợi nhuận

Theo ghi nhận, đây cũng là tình hình chung của hầu hết nông dân ở một số tỉnh miền Tây trước sự leo thang của giá vật tư nông nghiệp hiện nay. Đáng lo hơn, câu chuyện của người nông dân đã được phản ánh rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có những giải pháp tháo gỡ. Chính vì thế, nông dân không chỉ buồn lo cho một vụ mùa đã qua mà còn nặng trĩu nỗi lo cho nghề nông của mình.

Theo nhiều nông dân, với giá vật tư nông nghiệp và giá lúa hiện tại, nông dân rất khó có lời. Ảnh: Văn Sỹ

Theo nhiều nông dân, với giá vật tư nông nghiệp và giá lúa hiện tại, nông dân rất khó có lời. Ảnh: Văn Sỹ

“Thua lỗ một vụ lúa mình đã muốn héo ruột gan. Tuy nhiên, điều mà tôi cũng như nhiều nông dân quan ngại lớn hơn đó là tình trạng giá lúa không tăng mà giá vật tư, giá các dịch vụ nông nghiệp cứ tăng như vầy hoài thì nông dân chỉ có nước bỏ làm ruộng luôn. Chỉ tính riêng giá mỗi bao phân trên dưới 1 triệu đồng thì nông dân chúng tôi rất khó còn có lời”, một lão nông ở xã Vị Tân (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) bày tỏ.

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá lúa

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá lúa "giậm chân tại chỗ", thậm chí có nhiều lúc sụt giảm, đang là nỗi lo của nhiều nông dân. Ảnh: Văn Sỹ

Ông Trần Văn Na - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu - cho biết: “Từ giữa năm 2021 tới nay, chúng tôi đi đâu cũng nghe nông dân than thở về giá vật tư nông nghiệp. Với mức giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như đã qua và so sánh với giá lúa hiện tại thì bà con nông dân có lời rất thấp. Còn nếu nông dân làm đạt năng suất trung bình thì chỉ có thể huề vốn”.

Theo ông Na, ngành cũng đẩy mạnh thông tin, khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng giảm chi phí như: Hạn chế phun xịt thuốc phòng ngừa sâu bệnh khi không cần thiết, giảm lượng phân bón vừa đủ, mua vật tư ở đầu mối cung ứng để giảm trung gian nâng giá các loại vật tư… Tuy nhiên, những giải pháp trên cũng chưa thật sự cải thiện được chi phí đầu tư để giúp cho nông dân giữ được lợi nhuận từ vụ lúa.