largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Nông dân đang rất cần tiếp sức

Nhiều khó khăn, nhất là giá vật tư đầu vào tăng “sốc”, đang là rào cản nông dân phục hồi sản xuất sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

Đây cũng là nội dung chính của buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và nông dân diễn ra vào ngày 29-5 với chủ đề Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

* Vật tư đầu vào tăng “sốc”

Giá vật tư đầu vào tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất đang là vấn đề thời sự nóng, được nông dân đặt ra đầu tiên tại buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ.

Mít rớt giá, chi phí đầu tư tăng khiến nông dân thua lỗ Trong ảnh: Vườn mít của nông dân tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Mít rớt giá, chi phí đầu tư tăng khiến nông dân thua lỗ Trong ảnh: Vườn mít của nông dân tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Chủ tịch Hội Nông dân H.Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) Võ Minh Châu đặt vấn đề: “Chứng kiến từng đoàn người ở quê hương tôi và các địa phương khác phải đi xe máy vượt cả ngàn km để về quê do tác động của dịch bệnh Covid-19, chúng tôi thấy thật đau lòng. Là lao động tự do, khi về quê, họ cũng không có việc làm và thu nhập. Xin hỏi và kiến nghị với Thủ tướng, Chính phủ sẽ có những giải pháp nào để giúp người nông dân trở lại thành phố, ổn định cuộc sống và đặc biệt là có giải pháp để chuyển đổi lao động để người dân ly nông nhưng không phải ly hương?”.

“Giảm chi phí là một mệnh lệnh và chúng ta sẽ làm được nếu chúng ta quyết tâm. Bộ NN-PTNT đã truyền thông để nhân rộng nhiều mô hình giảm chi phí trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và đã rất thành công. Bà con nông dân đã nói rằng, có thể bước đầu năng suất không cao bằng nhưng giá bán cao hơn, bù đi bù lại người nông dân có lời hơn so với cách làm trước kia” - Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN nói.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp cho rằng: “Muốn thực hiện thành công việc xây dựng thế hệ nông dân thông minh thì công tác đào tạo nghề rất quan trọng. Chính phủ có chính sách đột phá gì về đào tạo nghề cho nông dân để hình thành một thế hệ nông dân làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp?".

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhìn nhận, giá vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp tăng cao do đứt gãy chuỗi cung cấp toàn cầu bởi ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ.

“Chúng tôi được biết, nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón tăng từ 130-170% và giá đầu ra cũng tăng tương ứng. Trong thực tế, vật tư đầu vào chỉ chiếm khoảng 55-60% giá thành sản phẩm. Vì vậy, mặc dù là giá thế giới tăng và theo nguyên lý trong nước cũng phải tăng. Nhưng trong hoàn cảnh này, các doanh nghiệp cần chia sẻ lợi ích với người nông dân, với Nhà nước bằng cách tính lại việc tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá sản phẩm” - Bộ trưởng Diên cho hay.

* Gỡ khó cách nào?

Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ hạn chế xuất khẩu vật tư, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát thị trường để không xảy ra tình trạng ách tắc, ép giá. Bộ sẽ nghiên cứu để điều chỉnh thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế để giá thành sản xuất phân bón giảm xuống. Giải pháp cuối cùng, nếu vật tư nông nghiệp tiếp tục leo thang về giá, Bộ Công thương cùng Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét để hỗ trợ, trợ giá cho nông dân với một số vật tư thiết yếu nhằm góp phần chia sẻ khó khăn của người nông dân trong giai đoạn hiện nay.

Dưới góc nhìn khác, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chi phí đầu vào bao gồm lượng và giá. Về lượng có thể tiết giảm được để có chi phí thấp hơn, đầu ra cao hơn. Thời gian qua, những mô hình nông nghiệp mới đã chứng minh có thể tiết kiệm được vật tư đầu vào.

Ngân hàng Thế giới đánh giá, nông dân Việt đang lạm dụng khoảng 50% chi phí vật tư đầu vào. Trong thực tế, bà con nông dân đã xây dựng được chuỗi tuần hoàn trong những sản phẩm của mình, sử dụng những phế phẩm nông nghiệp hoặc là ứng dụng triệt để các mô hình khuyến cáo của khuyến nông đã giảm được chi phí đầu vào rất nhiều.

Bộ NN-PTNT đã giao cho các đơn vị của Bộ tiếp tục nghiên cứu các mô hình giảm chi phí; nông dân có thể tham gia HTX để mua chung với giá tốt. Ngoài ra, tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản đang phải nhập khẩu từ70-80% từ nước ngoài.