largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Nhiều trẻ bị biến chứng sốt xuất huyết

Bé gái 10 tuổi, ở Mỹ Tho, Tiền Giang, xuất huyết ồ ạt, suy hô hấp, nhập viện chậm 15 phút là sẽ nguy hiểm tính mạng.

Bốn ngày sau khi bé nhập viện, chị Hoa mới được vào chăm sóc cháu gái ở khoa Sốt xuất huyết, BV Nhi đồng 1, TP.HCM. Chị cho biết, hôm 31/8 bé sốt cao, gia đình đưa đi khám, chích thuốc nhưng cơn sốt không dứt. Sau đó bé nhập viện hai ngày tại Mỹ Tho, bệnh nặng hơn phải chuyển đến BV Nhi đồng 1.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết cho biết, khi nhập viện, tình trạng bệnh nhi rất nguy kịch. Bé sốc sốt xuất huyết, suy hô hấp, chảy máu tiêu hóa, chảy máu sinh dục, chảy máu cam ồ ạt.

Bác sĩ Tuấn khám cho bệnh nhi sốt xuất huyết. (Ảnh: Thư Anh)

Bác sĩ Tuấn khám cho bệnh nhi sốt xuất huyết. (Ảnh: Thư Anh)

"Xuất huyết kéo dài sẽ khiến thiếu oxy mô, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu,... Nếu đến trễ 15 phút, e rằng khó giữ được tính mạng bệnh nhi", bác sĩ Tuấn nói.

Trong bốn ngày, bé gái được cách ly, điều trị hồi sức tích cực, cho thở áp lực dương, truyền dịch, bù các loại chế phẩm máu. Hiện huyết động ổn định, em tỉnh táo nhưng vẫn chảy máu cam và thở oxy qua mặt nạ.

Ngày 8/9, BV Nhi đồng 1 đang điều trị nội trú 60 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó 7 ca nặng. Còn tại BV Nhi đồng Thành phố, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, cho biết trung bình mỗi ngày tiếp nhận điều trị ngoại trú 10-20 ca sốt xuất huyết. Hiện khoa Nhiễm điều trị 10 bệnh nhi sốt xuất huyết. Có ba ca diễn tiến nặng, tiên lượng chưa khả quan.

Tại BV Nhi Trung ương, Hà Nội, Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em đã ghi nhận hơn 60 ca sốt xuất huyết trong tháng 8 và tháng 9 năm nay. Hiện có 6-7 ca sốt xuất huyết điều trị, có trẻ chỉ 5 ngày tuổi đã mắc bệnh do bị muỗi đốt.

Trong tháng 8, cả nước ghi nhận ba ca tử vong vì biến chứng nặng như sốc truyền dịch, ngưng tim, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu khi tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Ba ca tử vong gồm hai thiếu niên 16 và 17 tuổi, một người đàn ông 57 tuổi.

Bác sĩ Nam nhấn mạnh: "Người dân tuyệt đối không nên tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà, nhất là với trẻ em. Tất cả người có dấu hiệu nghi nhiễm phải đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán đưa ra chỉ định điều trị phù hợp".

Nếu không có các dấu hiệu cảnh báo biến chứng nặng, hầu hết trẻ được cho về nhà điều trị hạ sốt, bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên và tái khám hàng ngày. Khi theo dõi tại nhà, phụ huynh nên làm theo hướng dẫn của chuyên gia y tế.

Bác sĩ lưu ý cha mẹ không cho trẻ uống thuốc ngoài đơn thuốc đã chỉ định hay tự ý truyền dịch. Bố mẹ cần sử dụng đúng liều lượng paracetamol để hạ sốt cho trẻ, bổ sung đủ nước, cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, không uống nước có gas và tránh sử dụng thực phẩm có màu đen, đỏ để không nhầm lẫn với máu nếu trẻ nôn ói.

Bác sĩ Nam cũng lưu ý bệnh sốt xuất huyết thường sẽ diễn biến nặng vào từ ngày thứ 3 đến thứ 5 sau khi khởi phát khi cơn sốt đã giảm hoặc hết hẳn. Do đó, phụ huynh cần theo dõi con sát sao hơn.