largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Nhiều dịch vụ làm đẹp bằng tế bào gốc hiệu quả mơ hồ nhưng giá hàng trăm triệu

Đại biểu Quốc hội lo ngại về tình trạng nhiều dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo với những công dụng "thần kỳ" nhưng chưa được kiểm định rõ ràng, trong khi giá cả lại rất đắt đỏ.

Sáng nay (2/11), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các ĐBQH thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Thảo luận tại tổ, GS.TS.BS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, (ĐBQH đoàn Hà Nội) đi sâu vào Điều 7 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tập trung vào nhóm dễ bị tổn thương.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí hiện nay có nhiều dịch vụ tế bào gốc, làm đẹp bằng tế bào gốc được quảng cáo rất nhiều nhưng nhiều khi hiệu quả của dịch vụ không đúng như quảng cáo, người tiêu dùng không khéo sẽ dùng và tốn không phải hàng chục mà có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng hiệu quả không mong muốn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội).

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội).

“Về tế bào gốc, có thể nói là thần dược nhưng có một điều là thần dược ấy không phải lĩnh vực nào cũng đáp ứng trên cơ thể được và dùng được hiệu quả. Duy nhất là tế bào gốc dùng để ghép, điều trị các bệnh về máu, ung thư máu… rất hiệu quả, đây là điều cả thế giới công nhận”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết.

Theo đại biểu, làm đẹp, trẻ hóa da bằng tế bào gốc… thì còn mơ hồ, nhưng nhiều nơi đã đưa vào áp dụng. Một dịch vụ như vậy là rất đắt, nên đại biểu cho rằng cần phải có biện pháp bảo vệ rõ ràng.

“Tất cả những dịch vụ gì được tổ chức, dịch vụ đó sâu, đặc thù, tốn kém nhiều…thì cần có cách để bảo vệ cho phù hợp”, đại biểu nhấn mạnh.

Nói về trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị chú ý các thông tin liên quan đến tật bệnh như đình chỉ thai nghén, hiến mô tạng. Từng có thời điểm có những người đi hiến máu cũng bị "dè bỉu" vì tưởng là đi bán máu, hoặc có người hiến mô tạng về lại bị nói là "bán xác" con để kiếm tiền… Vì thế, cần có chính sách để bảo vệ việc làm đó.

Ở Điều 10, thông báo thu thập sử dụng thông tin đây là điều hết sức đúng, nhưng đại biểu đề nghị cần làm sâu sắc hơn nữa. Đặc biệt là tôn trọng quyền riêng tư nhân phẩm.

Còn theo đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội), về dịch vụ đối với người tiêu dùng, có nhiều quy định về quyền và trách nhiệm, nhưng quyền rõ nhất là quyền được tư vấn thì hầu như không có người tư vấn nào nói rõ sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào không tốt… Nếu không có người tư vấn, người tiêu dùng không hiểu biết sẽ rất khó được bảo vệ quyền lợi.

Đặc biệt, hiện nay người cao tuổi là người bị tổn thương nhiều nhất với các sản phẩm về chữa bệnh. Thống kê cho thấy 95% người cao tuổi có 2,9 bệnh nền, nên các sản phẩm về thuốc hiện nay nếu không được tư vấn thì rất khó lựa chọn.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, hiện các đơn vị tư nhân sản xuất rất nhiều sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ đông y đến tây y, trong luật nêu ra các đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng cụ thể với từng đối tượng thế nào thì chưa rõ, nên cần phải làm rõ thêm.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội).

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội).

“Tôi lấy ví dụ một túi hàng hiệu trị giá 200 triệu nhưng không được tư vấn cẩn thận người tiêu dùng có thể mua phải hàng không chuẩn (giá chỉ 4 triệu mà phải mua với giá vài trăm triệu). Cho nên, cần phải cho người tiêu dùng được tư vấn đầy đủ những sản phẩm muốn mua, có nhu cầu”, đại biểu nêu.

Trong vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, đại biểu Xuân Cừ cho rằng việc xử lý các nhà sản xuất và phân phối hiện còn rất nhẹ. Đơn cử như tại các địa phương, đối tượng người cao tuổi được giới thiệu rất nhiều các sản phẩm tốt cho sức khỏe, thậm chí có cả giấy tờ chứng minh nhưng không loại trừ đó là giấy giả. Vì thế, theo đại biểu xử lý với các sản phẩm giả, các sản phẩm không đúng với tiêu chuẩn cần được quan tâm, xử lý nghiêm. Bởi, thuốc giả mà dùng thì rất nguy hiểm. Đại biểu đề nghị cần phải có quy định cụ thể đối với người sản xuất và người phân phối thì mới bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.

Cần kiểm soát khi hàng trên mạng... khác hàng khi nhận

Còn theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), về quyền của người tiêu dùng tại khoản 6, điều 15 có nêu rõ: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn…” Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, đa số các giao dịch mua bán được thực hiện trên môi trường internet, nhiều hàng hóa trên mạng so với thực tế rất khác nhau, nhiều người mua bị lừa, nhận những mặt hàng không giống như đã thỏa thuận trên mạng, tuy nhiên khi nhận được hàng không đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã nhưng vẫn không thực hiện được yêu cầu bồi thường.

Có những người bán hàng sau đó tắt điện thoại, thoát khỏi giao dịch gây bức xúc trong dư luận nhưng chế tài xử lý hiện nay chưa có, không kiểm soát hết được, rất khó để thực hiện chế tài. Từ thực tế này, đại biểu yêu cầu Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này./.