“Nhập nhằng” việc chuyển giao Nhà máy nước Phan Hoà ở Bình Thuận
Hàng ngàn hộ dân ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đang chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt giờ cao điểm chỉ vì Nhà máy nước Phan Hoà vẫn chưa thể chuyển giao.
Nhà máy nước Phan Hoà cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 2.500 hộ thuộc xã Phan Hoà và 2 thôn xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, do công suất không đáp ứng đủ nhu cầu nên thường xuyên bị thiếu hụt, nhất là vào giờ cao điểm và tình trạng này đã kéo dài hơn 5 năm nay.
Trước tình hình đó, UBND huyện Bắc Bình đã thống nhất kiến nghị chuyển giao Nhà máy nước Phan Hòa từ Ban Quản lý công trình công cộng Bắc Bình sang Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận tiếp nhận và quản lý, nhưng bị vướng thủ tục pháp lý nên chưa thể thực hiện.

Nhà máy nước Phan Hoà chủ yếu sử dụng nước ngầm từ hệ thống giếng khoan để cung cấp nước thô cho nhà máy xử lý (Ảnh: Đoàn Sĩ)
Điệp khúc thiếu nước giờ cao điểm
Gần 5 năm nay, gia đình ông Imum Kết ở thôn Bình Thắng, xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận luôn sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, dù gia đình có đăng ký sử dụng nước từ Nhà máy nước Phan Hoà. Ông phải đầu tư thêm phi chứa nước, đồng thời khoan thêm giếng ngầm, tuy nhiên nguồn nước từ giếng khoan lại nhiễm phèn, mặn.
“Tôi có điện thoại cho Nhà máy nước Phan Hoà, gọi 2 – 3 lần không bắt máy. Tết Nguyên đán vừa rồi Phan Hoà cũng không có nước, rồi đến Tết Ramewan vừa qua cũng không có nước, nhờ đề xuất với Nhà máy nước Phan Hoà làm sao cho có nước để dân sinh hoạt”, ông Kết bức xúc.
Nhà máy nước Phan Hòa do Ban Quản lý công trình công cộng huyện Bắc Bình quản lý, có công suất hơn 700 m3/ngày đêm, chủ yếu sử dụng nước ngầm từ hệ thống giếng khoan để cung cấp nước thô cho nhà máy xử lý. Vào mùa khô hạn, lượng nước ngầm sụt giảm, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, không đủ nước để phục vụ nhu cầu sử dụng của bà con nhân dân (khoảng 1.400 m3/ngày đêm).
Để đáp ứng nguồn nước cung cấp cho bà con, trước mắt, Ban Quản lý công trình công cộng huyện Bắc Bình đã đấu nối 3 điểm với hệ thống cung cấp nước sinh hoạt của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận - Chi nhánh cấp nước Bắc Bình để bổ sung thêm khoảng 600 m3/ngày đêm cho người dân.

Ông Imum Kết ở thôn Bình Thắng, xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình bức xúc khi nhắc đến chuyện nước sinh hoạt (Ảnh: Đoàn Sĩ)
Tuy nhiên, do hệ thống đường ống chính trước đây đầu tư nhỏ (phi 60 - 90) khả năng tăng áp nguồn nước hạn chế, đồng thời nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt ngày một tăng cao do đó việc đáp ứng đủ nước sinh hoạt cho toàn bộ người dân xã Phan Hòa và 2 thôn Bình Thuỷ, Bình Lễ của xã Phan Rí Thành, nhất là các hộ dân ở cuối tuyến ống cấp nước trong các giờ cao điểm, dịp lễ, tết... rất khó khăn.
Về lâu dài, UBND huyện Bắc Bình đã thống nhất chủ trương chuyển giao Nhà máy nước Phan Hòa từ Ban Quản lý công trình công cộng Bắc Bình sang Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận để tiếp nhận và quản lý, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Ông Nguyễn Minh Trí – Giám đốc Chi nhánh cấp nước Bắc Bình (Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận) cho biết, đơn vị sử dụng nguồn nước sông Luỹ rất dồi dào, công suất vận hành 8.000 m3/ngày đêm. Khi được tiếp nhận, đơn vị phải làm lại đường ống lớn xuyên suốt qua 3 thôn của xã Phan Hoà.
“Về phía công ty, cũng như chi nhánh Bắc Bình, cũng có hướng phối hợp, khi có là tiếp nhận liền. Bên phòng kỹ thuật và phát triển mạng của chi nhánh cũng đã ra hiện trường ở Phan Hoà để khảo sát, lên bản vẽ sơ bộ. Tuy nhiên đến nay chủ yếu vẫn là thủ tục pháp lý phía UBND huyện với các sở, ban, ngành ở tỉnh”, ông Trí nói.
Vướng thủ tục pháp lý
Theo văn bản số 676 ngày 14/3/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, hệ thống nước xã Phan Hòa đã được giao cho Ban Quản lý công trình công cộng huyện Bắc Bình nên việc chuyển giao nhà máy nước cho đơn vị khác quản lý là chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch bao gồm cả đất gắn với công trình, được thực hiện theo quy định về xử lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đã giao (Điều 17 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP).

Ông Lê Nam Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Thuận trả lời PV Đài Tiếng nói Việt Nam (Ảnh: Đoàn Sĩ)
Ông Lê Nam Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Thuận (Sở NN&PTNT) cho biết thêm: “Sau khi có Nghị định 43/2022 rồi, nó mới có cơ sở để mình căn cứ vào đó để giải quyết vấn đề. Sau khi nghiên cứu Nghị định 43, để mà chuyển giao Nhà máy nước Phan Hoà này thì trước tiên phải thu hồi nó đã. Sau khi thu hồi xong mới chuyển giao cho đơn vị khác quản lý sử dụng, bởi vì Nhà máy nước Phan hoà này đã bàn giao rồi”.
Liên quan đến việc chuyển giao Nhà máy nước Phan Hoà, UBND tỉnh Bình Thuận đã có 3 văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện Bắc Bình cùng phối hợp giải quyết và gần đây nhất là văn bản số 1004 ngày 29/3/2023.
Trong đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao UBND huyện Bắc Bình báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống nước xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình và có văn bản đề xuất chuyển giao hệ thống nước xã Phan Hòa, theo hướng thu hồi và chuyển giao tài sản hệ thống nước xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình cho đơn vị khác quản lý; đồng thời, làm việc với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận và Sở Xây dựng để thống nhất việc đồng ý tiếp nhận công trình theo hình thức ghi tăng vốn tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhà máy nước Phan Hoà được xây dựng từ năm 1992, nâng cấp sửa chữa 2002 (Ảnh: Đoàn Sĩ)
Tuy nhiên, theo nội dung văn bản số 802 ngày 30/3/2023 của Sở Xây dựng gửi UBND tỉnh, thì Sở Xây dựng không phải là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận) nên việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh giao Sở Xây dựng thực hiện nội dung trên là không phù hợp.
Ngoài vướng mắc các thủ tục pháp lý, theo Ban Quản lý công trình công cộng huyện Bắc Bình, việc chuyển giao Nhà máy nước Phan Hoà cũng sẽ làm giảm đáng kể doanh thu (gần 200 triệu đồng/tháng) gây khó khăn trong hoạt động đầu tư phát triển của đơn vị.
Mùa khô hạn đang cận kề, trong khi đó “điệp khúc” thiếu nước giờ cao điểm vẫn đang kéo dài. Và câu chuyện thiếu nước sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận không biết bao giờ mới đến hồi kết?./.
TIN LIÊN QUAN
Đình chỉ hội thảo thẩm mỹ trái phép có liên quan đến ông “Mr. Lee”
Kiểm tra đột xuất nơi diễn ra hội thảo trái phép, phát hiện và ra quyết định tạm giữ 11 loại sản phẩm (gồm trang thiết bị y tế, hộp filler), hơn 400 tờ rơi, catalogue giới thiệu sản phẩm, 6 standee quảng cáo hội thảo để tiếp tục làm rõ theo quy định.
Cách sử dụng máy sưởi điện an toàn, tiết kiệm điện năng khi thời tiết rét buốt
Hiện nay thời tiết ở miền Bắc đang rất rét, có nơi xuống âm độ khiến nhiều gia đình lựa chọn máy sưởi điện. Tuy nhiên khi dùng sản phẩm này cần đảm bảo đúng cách để đảm bảo an toàn, tiết kiệm điện năng.
Ăn bánh mì tại tiệm có tiếng, nhiều người nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
Sau khi ăn bánh mì mua tại một tiệm có tiếng ở TP Sóc Trăng, nhiều người có biểu hiện giống như ngộ độc thực phẩm.
Bắt giám đốc nhập khẩu hạt điều thô rồi tiêu thụ trong nước
Vị giám đốc nhập khẩu hạt điều thô theo loại hình chỉ để chế biến thành phẩm rồi xuất khẩu, nhưng đã tiêu thụ trong nước nên bị điều tra về hành vi buôn lậu.
Tìm bị hại của Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Vạn Tín Phát
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thụ lý điều tra vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Vạn Tín Phát (tổ 18, KP.Hương Điền, phường Long Hương, TP.Bà Rịa) theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 44/QĐ-CSKT.D4 ngày 29/5/2023.
Trong 1 ngày, PVTEC trúng 2 gói thầu tại Khu bảo tồn Đồng Nai
Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu cả 2 gói thầu phát dây leo nuôi dưỡng rừng cho Công ty TNHH PVTEC…
Đồng Nai: Trung tâm vi mạch bán dẫn đầu tiên được thành lập
Đồng Nai vừa thành lập Trung tâm Vi mạch bán dẫn đầu tiên trên địa bàn, nhằm đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn trên cả nước vào năm 2030, góp phần quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp này.
Đồng Nai: Duy nhất 1 nhà thầu dự gói thầu duy tu hơn 8 tỷ
Phòng Quản lý đô thị huyện Long Thành (Đồng Nai) đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu duy tu bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường huyện Long Thành năm 2024, trị giá hơn 8 tỷ đồng.
Dỡ bỏ 'quả tạ' ép người vay tiền mua bảo hiểm
Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cấm ngân hàng ép người vay tiền mua bảo hiểm nhân thọ. Liệu người dân đã trút bỏ nỗi lo, khi ngân hàng vẫn chịu áp lực bán bảo hiểm bởi các hợp đồng độc quyền 10 - 15 năm.
Bảng xếp hạng Top 500 DN lớn nhất Việt Nam: Petrovietnam nằm Top 3 liên tiếp 15 năm
Tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, tại Lễ công bố và tôn vinh các DN trong Bảng xếp hạng VNR500-Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2023, do Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report)...