largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Người dân có thể mở thẻ ATM online từ năm sau

Ngoài thẻ ghi nợ nội địa (ATM), các loại thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh cũng nằm trong nhóm được phép phát hành thông qua phương pháp điện tử từ năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 17/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Đáng chú ý, một trong những quy định được bổ sung trong thông tư mới này là NHNN cho phép các tổ chức phát hành thẻ (ngân hàng, tổ chức tín dụng…) thực hiện phát hành thẻ ghi nợ (ATM), thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân thông qua phương thức điện tử.

Với quy định này, các ngân hàng hay công ty tài chính có thể phát hành thẻ ATM, thẻ tín dụng cho các khách hàng cá nhân thông qua hình thức online thay vì phải đến trực tiếp tại quầy giao dịch như hiện nay.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng yêu cầu các ngân hàng muốn được phát hành thẻ ATM qua kênh online phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành phù hợp với quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; giao dịch điện tử; đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng.

Theo đó, các nhà băng phải đáp ứng tối thiểu việc thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng.

Người dân có thể mở thẻ ATM, thẻ tín dụng qua kênh online từ năm 2022. Ảnh: Nam Khánh.

Người dân có thể mở thẻ ATM, thẻ tín dụng qua kênh online từ năm 2022. Ảnh: Nam Khánh.

Bên cạnh đó, ngân hàng phải kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng, cảnh báo cho khách về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ được phát hành online.

Trong quá trình làm thẻ ATM qua kênh online, NHNN cho phép các ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng. Tuy nhiên, các nhà băng phải chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh nếu có và phải đáp ứng một số yêu cầu tối thiểu.

Trong đó, ngân hàng phải có giải pháp, công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói…) với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ cần thiết.

Bên cạnh đó, ngân hàng phát hành thẻ phải có biện pháp kỹ thuật để xác nhận việc khách hàng đã được định danh đồng ý với nội dung tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ. Đồng thời, xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro, trong đó có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi phát hành thẻ.

Về hạn mức của thẻ mở online, NHNN yêu cầu các ngân hàng căn cứ điều kiện công nghệ áp dụng khi nhận biết và xác minh khách hàng để đánh giá rủi ro và tự quyết hạn mức giao dịch. Tuy nhiên, hạn mức giao dịch tối đa của thẻ ngân hàng mở online là 100 triệu đồng/tháng, bao gồm toàn bộ giao dịch rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán.

Đồng thời, thẻ ngân hàng mở qua kênh online sẽ không được rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài cũng như thanh toán quốc tế.

Nếu muốn có hạn mức giao dịch lớn hơn 100 triệu và được rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế, các ngân hàng phải có công nghệ để kiểm tra, đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Trong đó, ngân hàng phải áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình (video call) để thực hiện thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, đảm bảo hiệu quả như gặp mặt trực tiếp.

Ngoài ra, việc video call phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu như an toàn, bảo mật; độ phân giải cao; tín hiệu liên tục; có tương tác âm thanh, hình ảnh với khách theo thời gian thực; và được lưu trữ toàn bộ dữ liệu âm thanh, hình ảnh trong quá trình phát hành thẻ.

Theo Thông tư 17, các quy định trên sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022.