Người chuyển giới tại "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam": Tưởng là nhân văn, nhưng...
Sự ứng xử với thí sinh này từ BTC lại dấy lên băn khoăn liệu sự nhân văn đã thật sự tròn vẹn?
- Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ thực hiện phẫu thuật chuyển giới
- Nhóm chuyển giới gạ du khách 'vui vẻ' rồi móc túi ở TP.HCM
- Đồng Nai: Nhóm nam chuyển giới, giả gái bán dâm giá rẻ, chuyên trộm cắp tài sản của khách
- Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2021 chấp nhận thí sinh chuyển giới
Những giọt nước mắt của Đỗ Nhật Hà khi được chấp nhận đi tiếp trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 khiến khán giả xúc động. Đây là thí sinh chuyển giới đầu tiên được chấp nhận tại cuộc thi này. Nhật Hà cho biết cuộc sống của mình không dễ dàng, khi là người chuyển giới.
Năm 2020, khi Hà ứng tuyển vào một công ty, đáp ứng đủ tiêu chí từ ngoại hình, chiều cao, sức khoẻ, chuyên môn, anh văn, nhưng cuối cùng bị loại do giấy tờ là nam giới. Sự việc gây ra cú sốc lớn, khiến người đẹp nhận ra rằng chỉ khi trở thành người có tiếng nói, mới có thể hành động tạo ra sự ảnh hưởng, thay đổi. Và Đỗ Nhật Hà chọn một cuộc thi nhan sắc để tìm cơ hội đó.

Đỗ Nhật Hà khóc sau khi nhận được vé vàng đi tiếp trong cuộc thi
“Tôi muốn chứng minh cho xã hội thấy những người như tôi có khả năng, có thể làm mọi việc lớn nhỏ như bao nhiêu người khác. Từ đó, tiếng nói, sự ảnh hưởng của tôi sẽ giúp đỡ được rất nhiều người, đặc biệt những người có hoàn cảnh giống tôi”, Đỗ Nhật Hà nói với ban giám khảo trong vòng thi áo tắm.
Thực tế, so về sắc vóc, kỹ năng trình diễn lẫn ngoại ngữ, kiến thức, nền tảng học vấn, Nhật Hà đều thể hiện ở mức độ tốt. Trong vòng thi ứng xử với ban giám khảo, Nhật Hà tự tin, có chính kiến, đối đáp mạch lạc, cuốn hút. Tuy nhiên, BTC cho biết Đỗ Nhật Hà tuy lọt qua vòng sơ khảo nhưng không được tranh tài ở các giải thưởng chính, mà vị trí cao nhất cô có thể đạt được là top 16 (nếu thắng trong phần bình chọn của khán giả).

Đỗ Nhật Hà ở khoảnh khắc nhận được vé vàng để đi tiếp trong cuộc thi
Điều này khiến quyết định chọn Đỗ Nhật Hà đi tiếp mà BTC cho rằng là sự ủng hộ dành cho cộng đồng LGBT, lại cho thấy điều ngược lại.
Khi được công nhận và xuất hiện với tư cách là thí sinh của cuộc thi, phải trải qua các phần thi như các thí sinh khác, Đỗ Nhật Hà có quyền được ứng xử như bất kỳ thí sinh nào khác tại sân chơi này. Việc "thí sinh Đỗ Nhật Hà" không được tranh tài cho những danh hiệu chính, bị giới hạn chỉ có thể dừng chân ở top 16, chính là một sự phân biệt đối xử.

Nhật Hà cùng Cadie Huỳnh Anh - cũng là người chuyển giới - trong phần thi áo tắm
Có thể Đỗ Nhật Hà không quan tâm điều đó, vì với cô, được cất tiếng nói trong không gian cuộc thi đã là đủ, nhưng điều đó không có nghĩa là BTC đã ứng xử thật sự công bằng đối với cô. Sự đặc biệt khoanh vùng này đã làm nổi rõ những khác biệt - điều đi trái với tính nhân văn, sự ủng hộ bình đẳng giới mà BTC đã tuyên bố.
Khát vọng của Nhật Hà lớn hơn rất nhiều so với những giới hạn mà BTC đặt ra. Đó là ước mơ mang theo hy vọng không chỉ của riêng cô mà còn là của một cộng đồng chưa được chính thức thừa nhận trong xã hội. Dĩ nhiên, không phủ nhận, đây là một trường hợp khó, vì trên giấy tờ Đỗ Nhật Hà vẫn là nam giới - điều không hợp lệ để tham gia cuộc thi.
Nhưng, nếu thật sự ủng hộ tiếng nói cho cộng đồng LGBT, người chuyển giới, BTC cuộc thi hoàn toàn có những lựa chọn tốt hơn về vai trò xuất hiện của Đỗ Nhật Hà. Không thiếu những sự kiện, hoạt động đồng hành, nâng cao nhận thức hoặc một hình thức cổ vũ nào đó mà BTC hoàn toàn có thể để Đỗ Nhật Hà xuất hiện.
Biến Đỗ Nhật Hà thành thí sinh nhưng lại tước đi những quyền lợi mà một thí sinh có quyền có, đó là cách ứng xử tàn nhẫn!