largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Ngư dân Bà Rịa Vũng Tàu đồng thuận với phương án đi biển đánh bắt hải sản

Ngày 18.9, lãnh đạo huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cùng chính quyền thị trấn Phước Hải đã tổ chức đối thoại trao đổi với đại diện các khu phố và ngư dân để lắng nghe góp ý, giải đáp thắc mắc cho ngư dân hoạt động đò nang, thúng máy trên địa bàn về việc ra biển đánh bắt ngày 19.9.

Từ sáng sớm ngày 18.9, nhiều ngư dân đã ra biển dõi theo con nước để dự đoán chuẩn bị cho chuyến biển vào ngày mai. Không ít các thuyền thúng đã sẵn sàng, hoặc đang kiểm tra lại ngư cụ, máy móc chuẩn bị cho việc đánh bắt.

Một thuyền thúng máy đã kiểm tra xong máy móc. Ảnh: T.A

Một thuyền thúng máy đã kiểm tra xong máy móc. Ảnh: T.A

Bên cạnh đó, đại diện các khu phố, và một phần ngư dân cũng đã có buổi đối thoại với chính quyền địa phương để được giải đáp những băn khoăn, những điều chưa hiểu rõ trong phương án đi biển đã được thông báo trước đó, cũng như có những kiến nghị để được xem xét giải quyết.

Sau khi được giải đáp những băn khoăn, nhiều ngư dân an tâm và đồng thuận cùng chính quyền địa phương, tuân thủ phương án mà tỉnh đã phê duyệt.

Theo đó, chính quyền địa phương đã giải thích việc đi biển cho ngư dân được chính quyền cho phép theo khung giờ nhưng vẫn căn theo con nước để đảm bảo thuận lợi cho việc đánh bắt của ngư dân theo đặc thù của nghề, với thời gian đánh bắt khoảng 5h hoạt động trên biển.

Việc giới hạn chỉ hơn 30% tổng số phương tiện (khoảng 250 phương tiện) được ra biển đánh bắt hàng ngày được giải thích là sẽ bố trí luân phiên chứ không phải người được – người không được đi biển. Người dân đi biển sẽ được cấp thẻ xác nhận hoạt động đánh bắt gần bờ trong phạm vi khoảng 6 hải lý.

Trong quá trình người dân đi biển, sẽ có lực lượng biên phòng, kiểm ngư tuần tra trên biển để người dân không lấn sang khu vực của các “vùng đỏ”, và giới hạn trên vùng biển huyện Đất Đỏ.

Ngư dân đang kiểm tra lưới, ngư cụ. Ảnh: T.A

Ngư dân đang kiểm tra lưới, ngư cụ. Ảnh: T.A

Ông Nguyễn Văn Lợi, một ngư dân đại diện cho khu phố Hải Trung tâm sự, trong giãn cách thì người dân khó, cán bộ cũng khổ, nhưng tôi vẫn tán thành theo phương án mà chính quyền địa phương đã công bố.

Theo ông Lợi, băn khoăn của ngư dân nghề cá xuất phát từ sự thất thường của nghề biển. Người ra trước thường được ưu tiên, còn người ra sau đã không có sản lượng mà bán còn mất giá.

Ông Lợi cũng góp ý thẻ đánh bắt cho ngư dân nên được chia thành 3 màu thì sẽ thuận tiện cho quản lý, và việc người dân đi trước, đi sau nên tiến hành bốc thăm của đại diện các nhóm, tránh sự tranh chấp có thể xảy ra.

Còn ngư dân đại diện cho khu phố Lộc An cũng kiến nghị chính quyền địa phương xem xét, trong trường hợp đến lượt ngư dân ra biển mà biển động, hoặc có ảnh hưởng về thời tiết dẫn đến không thể ra biển thì cũng có giải pháp để ngư dân không bị ảnh hưởng, thiệt thòi. Ý kiến này cũng đã được chính quyền địa phương tiếp nhận và xem xét.

Theo ông Hồng Như Vàng – Phó Chủ tịch UBND huyện, bà con ngư dân sẽ được đi biển với mật độ giảm về số lượng để hạn chế việc tập trung đông người, khi vào bờ buôn bán cũng sẽ đảm bảo giãn cách xã hội.

Với sản lượng thúng máy - đò nang đánh bắt được (dự kiến khoảng 3,7 tấn/ngày), huyện cũng hướng dẫn bà con tập kết ở Bãi Ngang buôn bán trực tiếp cho người dân. Các chủ phương tiện mà đồng thời là tiểu thương thì được bố trí vào các chợ truyền thống của huyện để buôn bán.

Việc mở biển tại địa phương đang theo lộ trình khôi phục các hoạt động đánh bắt hải sản, trước tiên đối với hoạt động đánh bắt gần bờ. Chính quyền địa phương sẽ tổng hợp, phân tích đánh giá để làm cơ sở triển khai khôi phục toàn bộ hoạt động khai thác, tiêu thụ hải sản trên địa bàn trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.