Nếu xăng vượt 32.000 đồng/lít: Lo nhất là “té nước theo xăng”
Điều gì sẽ xảy ra nếu giá xăng tăng lần thứ 7 liên tiếp, để đến một mức giá chưa từng có trong lịch sử? Chắc chắn rồi! Tất cả sẽ “té nước theo xăng”.
- Dân bức xúc vì cây xăng đổ xăng pha nước lã
- Găm gần 6.000 lít dầu, cửa hàng xăng dầu bị phạt 15 triệu đồng
- Giá xăng có thể lên 30.000 đồng/lít, thương hồ chợ nổi như ngồi trên lửa
Giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang ở mức “không thể tưởng tượng” chắc chắn sẽ đẩy giá giá xăng dầu trong nước. Những dự báo cho biết, trong kỳ điều hành ngày mai (11.3), giá xăng dầu có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg tùy loại.
Phải mở ngoặc, đây sẽ là lần tăng giá thứ 7 liên tiếp.
Phải nhấn mạnh, so với giá xăng dầu hồi đầu năm 2022, mức tăng giá 5.000 đến 8.000 đồng/lít/kg ấy sẽ tương đương với tỉ lệ từ 27-44%.
Tăng gần 50% trong chỉ hơn 2 tháng. Sẽ là một cú sốc thật sự đối với rất nhiều ngành nghề, đối với cả nền kinh tế, cả cuộc sống của người tiêu dùng “đầu cuối” nữa.

Người dân đối phó với giá xăng dầu tăng kỷ lục bằng cách "chuyển từ xe máy sang xe đạp để đi làm", nhưng các doanh nghiệp, nền kinh tế không thể vận hành bằng "động cơ trà đá" được. Ảnh: Phan Anh
Cú sốc, bởi không khó đoán, thậm chí là một logic, tất cả các mặt hàng sẽ đều tăng giá.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm là một nhãn tiền. Với 5 lần tăng giá xăng, CPI đã tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu tăng cao đã khiến 10 nhóm trong rổ hàng hoá tính CPI đều tăng. Giá gas cũng thiết lập kỷ lục khi tăng tới 3,5%. Trong đó, riêng vận tải hàng hoá đường bộ tăng tới 3,29%. Thậm chí, giá vé tàu hoả tăng tới 7,95%. Hàng ăn, dịch vụ ăn uống, lương thực thực phẩm vật liệu xây dựng... cái gì cũng tăng.
Và tất nhiên, đầu cuối của việc tăng giá, nạn nhân cuối cùng của chuỗi giá... không ai khác: Chính là người tiêu dùng, là người dân. Những người đang tính đếm từng xu sau 2 năm khủng hoảng vì dịch bệnh.
Hôm qua, Bộ Công Thương đã có kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 50%. Tức là mức thuế sẽ giảm từ 500 đồng tới 2.000 đồng/lít/kg xăng dầu mỡ.
Cho dù kiến nghị này đã giảm gấp đôi mức giảm thuế mà Bộ Tài chính đề xuất, nhưng xét ra, vẫn chưa bằng mức độ ảnh hưởng của chỉ 1 lần tăng giá.
Có lẽ, đây không phải là lúc “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành nữa”, khi xăng dầu là đầu vào của cả trăm ngành kinh tế. Là yếu tố đẩy lạm phát hàng số 1.
2 tháng đầu năm, dù có sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản đã lên đến 32.700, tăng 51,3%, tức hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Đó chính là một chỉ dấu cho thấy sức chịu đựng đã tới ngưỡng, kể cả đối với những doanh nghiệp đã tồn tại, thoi thóp qua đại dịch.
Còn dân, 2 năm rồi, và cả năm nay nữa vẫn chưa hề được tăng lương, dẫu chỉ để bù đắp lạm phát.Liệu họ có còn sức để chịu thêm một cú sốc này nữa?