largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Mua dự án “bánh vẽ”, nhiều người nguy cơ mất trắng

Nhiều người đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì mua dự án đất nền khu dân cư mới tại số 18 Trường Lưu, phường Long Trường, quận 9, TPHCM thông qua hợp đồng đặt cọc, nhưng thực tế đây chỉ là dự án “ma”.

Thu tiền nhưng không giao đất

Phản ánh đến Báo Phụ nữ, nhiều khách hàng cho biết, cách nay khoảng 4 năm, họ ký hợp đồng mua các lô đất với ông Trịnh Ngọc Khoa (sinh năm 1967, ngụ quận 3, TPHCM) ở khu vực số 18 đường Trường Lưu, phường Long Trường, quận 9.

Empty

Thời điểm này, ông Khoa sở hữu khu đất rộng khoảng hơn 4.137,6m2 thuộc thửa 600, 742, 759, 787, 789 và 790, tờ bản đồ 36 phường Long Trường, quận 9, trong đó, diện tích đất được công nhận khoảng 3.757,1m2. Thời điểm đưa ra thị trường giao dịch, ông Khoa phân ra khoảng 50 lô đất có diện tích từ khoảng 50-90m2.

Theo anh Trần Anh Sơn (ngụ quận Thủ Đức), thông qua giới thiệu của Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Thịnh Phát (Công ty Đất Thịnh Phát), anh đã ký hợp đồng với ông Khoa mua một nền đất có diện tích 50m2 với giá 800 triệu đồng vào tháng 10/2016. Theo hợp đồng ký kết, ông Khoa cam kết sau khoảng 7 tháng kể từ ngày ký hợp đồng sẽ làm thủ tục sang tên chủ quyền cho khách hàng và chịu toàn bộ chi phí hạ tầng, pháp lý tách sổ, chi phí thuế phát sinh. Còn Công ty Đất Thịnh Phát đóng vai trò là đơn vị làm chứng.

Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết nhưng phía ông Khoa vẫn không làm thủ tục sang tên chủ quyền. Hạ tầng khu đất vẫn còn ngổn ngang. Anh Sơn nhiều lần khiếu nại thì ông Khoa viện đủ lý do để hoãn việc giao nền. Đến nay, anh Sơn đã đóng khoảng 400 triệu đồng nhưng đất vẫn chưa thấy đâu. Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ quận 9) mua một nền đất diện tích 54m2 của ông Khoa với giá gần 900 triệu đồng. Đến nay chị Hoa đã thanh toán được khoảng 420 triệu đồng. Thế nhưng, đến nay, chị đã nhiều lần yêu cầu ông Khoa sang tên khu đất nhưng ông Khoa vẫn không thực hiện.

Empty

Gia đình ông Phạm Văn Đàn (ngụ quận Bình Thạnh) do đông anh em, con cháu, nên ông quyết định mua đến 10 lô đất để phân chia cho các thành viên trong gia đình xây nhà ở. Đến cuối năm 2017, khi ông Khoa không thực hiện như cam kết. Ông liên tục đấu tranh, cuối cùng đã thanh lý được 4 nền, còn 6 nền không biết bao nhiêu lần ông yêu cầu ông Khoa giải quyết nhưng đều không được.

“Để có tiền mua đất, gia đình tôi phải đi vay mượn. Giờ đất không có để cất nhà ở, hàng tháng còn phải trả nợ vay mượn ngân hàng” – ông Đàn, than.

Lừa đảo?

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, hiện khu đất đã phân ra thành nhiều lô nhỏ, hình thành sơ bộ đường giao thông và một số hạ tầng kỹ thuật liên quan. Trong khi đó, theo UBND quận 9, hiện trên địa bàn quận không phê duyệt bất kỳ dự án nào có tên dự án khu dân cư mới tại số 18 đường Trường Lưu.

Các hộ dân cho biết, thời gian qua, họ đã gửi đơn phản ánh đến UBND quận 9. Sau đó, UBND quận 9 đề nghị người dân liên hệ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 9 để được hướng dẫn giải quyết. Tuy nhiên, theo người dân, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Trước tình hình trên, các khách hàng đã tố cáo vụ việc đến Công an TPHCM hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Khoa.

Empty

Theo trung tá Võ Văn Hữu, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, hiện đơn vị đã có công văn số 1337/TB-CQCSĐT-PC01 chuyển đơn tố cáo cùng các hồ sơ tài liệu của người dân cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM để xác minh điều tra theo thẩm quyền. Hiện tổng cộng có 16 khách hàng đứng đơn tố cáo đã ký hợp đồng đặt cọc mua nền đất và đã giao cho ông Khoa số tiền lên đến gần 13 tỷ đồng.

Trả lời vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hà, (đại diện cho ông Khoa) cho biết: “Trong quá trình thực hiện hợp đồng, chính sách Nhà nước có sự thay đổi trong việc phân lô bán nền nên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng. Ông Khoa đã nhờ nhiều nơi lo thủ tục pháp lý để ra sổ và mất rất nhiều tiền nhưng đều không được chứ không phải muốn “lật kèo” như khách hàng tố cáo. Đây là việc bất khả kháng nên hợp đồng vô hiệu”.

“Đúng ra tiền của ai trả về người đó nhưng ông Khoa đã hỗ trợ thêm 15% lãi suất, tính trên tổng số tiền mỗi người đã đóng vào. Một số khách hàng đã đồng ý nhận tiền, còn lại một số không chấp nhận vẫn khiếu kiện. Hiện ông Khoa đang bận công việc nên không ở Việt Nam, chưa gặp trực tiếp khách hàng, chứ không phải né tránh”, bà Hà nói.

Theo bà Hà, hiện 2/3 số người mua đất đã nhận lại tiền. Thời gian qua ông Khoa lỗ rất nhiều do trả lãi cho ngân hàng, chưa kể tiền đền bù lãi suất cho người mua đất. Bây giờ muốn lấy lại tiền, khách hàng phải chờ chứ không thể một lúc lấy lại hết được ngay.

Luật sư Nguyễn Trường (đoàn luật sư TPHCM) cho biết: "Việc người bán đổ lỗi cho các quy định pháp luật thay đổi để né tránh trách nhiệm là không thỏa đáng. Bởi hiện khu đất chưa thể tách thửa, cấp giấy chủ quyền, có nghĩa khả năng lớn toàn bộ khu đất vẫn là đất nông nghiệp và một số loại đất khác mà không phải đất ở. Việc chủ đầu tư chưa được cơ quan chức năng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô tách thửa đã mang ra thị trường giao dịch là trái Luật Đất đai. Đây có thể xem là một dự án “ma”, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng mà cơ quan công an đã khởi tố điều tra nhiều vụ việc tương tự".

Bên cạnh đó, trong vụ việc này cũng có lỗi của cơ quan chính quyền quận 9, khi để chủ đầu tư ngang nhiên phân lô đất nông nghiệp buôn bán trái quy định, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng. Ngoài ra, khách hàng cũng cần lưu ý tìm hiểu kỹ pháp lý khi giao dịch những tài sản có giá trị lớn để tránh rơi vào cảnh trắng tay.

Ngoài việc tố cáo đến cơ quan công an, hiện nhiều khách hàng đã gửi đơn khởi kiện chủ đầu tư đến Tòa án nhân dân quận 9.