largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Miễn tiền thuê mặt bằng 6 tháng - chiến lược cộng sinh mới

Chủ mặt bằng văn phòng mạnh dạn miễn tiền thuê 6 tháng để tạo quan hệ hợp tác lâu dài với doanh nghiệp, như một giải pháp cộng sinh vượt Covid-19.

Ngay sau khi dừng cách ly xã hội, MK Center, mô hình văn phòng cho thuê trọn gói tại quận 1, TP HCM tuyên bố miễn tiền thuê 6 tháng cho doanh nghiệp. Năm hợp đồng tiếp theo, doanh nghiệp được giảm tiền thuê 25%. Trường hợp quá khó khăn không thể tiếp tục kinh doanh, doanh nghiệp cũng có thể thương lượng chấm dứt hợp đồng thuê mà không phải đóng phí phạt.

Đây là chính sách đồng hành hỗ trợ đối tác trong giai đoạn thách thức chung của nền kinh tế, theo bà Dương Thị Bích Trâm - CEO MK Creative Group (MKCG), đơn vị vận hành MK Center.

Mặt bằng kinh doanh trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận đóng cửa hồi tháng 3. Ảnh: Quỳnh Trần.

Mặt bằng kinh doanh trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận đóng cửa hồi tháng 3. Ảnh: Quỳnh Trần.

Chính sách này triển khai từ tháng 6 đến tháng 12 năm nay, áp dụng cho toàn bộ diện tích mặt bằng hiện có của đơn vị này là 20.000 m2, với sức chứa khoảng 6.000 chỗ ngồi, tổng giá trị ước tính của gói hỗ trợ lên đến 240 tỷ đồng.

Sau đơn vị này, hàng loạt bất động sản văn phòng, thương mại cũng tham gia "làn sóng" miễn giảm giá thuê mặt bằng. Trong đó có Vincom, Vạn Hạnh Mall, Takashimaya, Big C, Hưng Thịnh Retail... với hàng trăm tỷ đồng được chi trả trong chương trình hỗ trợ miễn giảm tiền thuê cho đối tác doanh nghiệp.

Làn sóng miễn giảm tiền thuê mặt bằng

Bà Dương Thị Bích Trâm cho biết, có ba lý do thúc đẩy xu hướng miễn giảm giá thuê mặt bằng. Trước hết trong giai đoạn cách ly xã hội, thực tế hầu hết doanh nghiệp đều phải đóng cửa, việc tiếp tục thu phí mặt bằng trong giai đoạn này là phi lý.

Sau khi đối tác doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, quá trình phục hồi sau dịch được dự báo vẫn sẽ khó khăn do ảnh hưởng "domino" từ những tháng đầu năm, khi doanh thu sụt giảm, giao thương với nước ngoài vẫn còn hạn chế và tâm lý tiêu dùng chưa thực sự hồi phục. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí và một trong những khoản phí lớn nhất là tiền thuê mặt bằng, đặc biệt với những doanh nghiệp khởi nghiệp.

"Nếu không giúp doanh nghiệp, họ sẽ tiếp tục khó khăn và điều đó có thể trở ngược lại, tác động lên phía cho thuê như MK Center. Việc hỗ trợ cùng các đối tác không phải chỉ là giúp họ mà còn thể hiện 'văn hóa đồng hành', giúp họ cũng như giúp mình", bà Dương Thị Bích Trâm nói.

Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa cũng cho rằng, động thái điều chỉnh giá thuê mặt bằng là một chiến lược khôn ngoan. Bởi lẽ, nếu giá thuê mặt bằng vẫn neo ở mức cao trong dịch, cơn lốc trả mặt bằng sẽ mạnh dần lên và đôi bên đều tổn thất.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có rất nhiều chủ tòa nhà có quyết định cứng rắn là giữ giá thuê để tránh làn sóng đòi giảm giá lan rộng. Các tổ chức, công ty sở hữu tài sản thường cân nhắc giảm giá thuê mặt bằng lâu hơn các chủ tài sản nhỏ lẻ.

Đại dịch thay đổi xu hướng trên phân khúc mặt bằng cho thuê.

Đại dịch thay đổi xu hướng trên phân khúc mặt bằng cho thuê.

Nguyên nhân cuối cùng xuất phát từ động lực cá nhân. CEO 8x của MKCG chia sẻ từ khi khởi nghiệp mô hình văn phòng "tập trung năng lượng" MK Center vào năm 2015, doanh nghiệp này từng trải qua hai lần lao đao vì bài toán mặt bằng. Dù đã ký kết dài hạn, đơn vị cho thuê vẫn đòi hỏi tăng giá và sẵn sàng "phá hợp đồng" khi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của khách thuê. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp nhỏ trong giai đoạn "chạy vạy" tìm kiếm mặt bằng với chi phí tốt.

"Từng gặp khó về mặt bằng, chúng tôi hiểu thách thức của doanh nghiệp hiện tại. Trong nguy có cơ, tôi tin lúc này là lúc phía cho thuê và bên đi thuê có thể hợp tác trên cơ sở lợi ích chung lâu dài, từ đó hình thành một cộng đồng gắn bó, chia sẻ với nhau từ công việc đến văn hóa doanh nghiệp", Giám dốc điều hành MKCG nói.

Khảo sát của CBRE Việt Nam cũng ghi nhận, nhiều chủ đầu tư hiện sẵn sàng đưa ra mức hỗ trợ lên đến 50-100% tiền mặt bằng cho khách thuê. Tuy giãn cách xã hội đã được nới lỏng vào cuối tháng 4, phần lớn các ngành hàng vẫn chưa được phép đi kinh doanh bình thường. Doanh thu dự kiến trong tháng 4 sụt giảm 90-100% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 60-70% so với tháng 3. Tình hình hiện tại buộc các chủ đầu tư phải tiếp tục những chính sách giảm gánh nặng chi phí cũng như tạo khoảng thời gian phục hồi cho khách.

Khảo sát về ảnh hưởng của Covid-19 với gần 200 khách thuê thuộc hệ thống đơn vị này cũng cho thấy, 79% khách thuê lo ngại môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm vẫn sẽ trở nên xấu hơn. 43% khách thuê tham gia khảo sát cho rằng doanh thu của họ sẽ giảm 10-30% năm nay. 61% tiết lộ chưa nhận được các hỗ trợ về giá thuê từ phía chủ nhà. 27% mong đợi các chủ nhà hỗ trợ họ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Những xu hướng mới sau dịch

Dù Việt Nam chưa công bố kết thúc dịch bệnh nhưng với tình hình kiểm soát tốt từ tháng 5 đến nay, thị trường bất động sản nói chung và phân khúc bán lẻ, văn phòng nói riêng đang dần cho thấy những tín hiệu phục hồi. Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, sẽ có nhiều xu hướng thuê mặt bằng, văn phòng mới trong thời gian tới với mục tiêu đảm bảo kế hoạch kinh doanh liên tục. Covid-19 đã và đang khiến các công ty, giới kinh doanh thuê mặt bằng nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược sử dụng, phân bổ diện tích thuê hiệu quả hơn so với trước đây.

Bà Thanh cho hay, có 85% các khách thuê khu vực châu Á Thái Bình Dương đang có kế hoạch áp dụng công nghệ vào văn phòng hoặc mặt bằng kinh doanh. 37% ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ sẽ đánh giá lại chiến lược hợp nhất văn phòng để giảm thiểu rủi ro của việc tập trung quá đông vào một địa điểm.

Hơn một nửa số khách thuê trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng có xu hướng xem xét việc chia tách các bộ phận ra nhiều mặt bằng thuê khác nhau. Ngoài ra, điểm đáng lưu ý trong kết quả khảo sát này là có 14% khách thuê cho biết họ sẽ tăng cường sử dụng không gian làm việc linh hoạt và mô hình văn phòng dịch vụ để tiếp tục duy trì hoạt động khi đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp.

Từ góc độ đơn vị cho thuê, bà Dương Thị Bích Trâm - CEO MKCG cho rằng, đại dịch sẽ làm thay đổi cơ bản tính chất quan hệ giữa bên cho thuê và khách thuê. Theo đó những đơn vị sở hữu bất động sản văn phòng có tư duy đồng hành và dài hạn, thể hiện qua chính sách ưu đãi tốt trong dịp này, sẽ có cơ hội gây dựng được cộng đồng doanh nghiệp gắn bó lâu dài. Từ đó giải quyết được bài toán hiệu quả kinh doanh bền vững cho cả hai bên.

Mặt khác, trong bối cảnh bài toán tối ưu chi phí được đặt lên hàng đầu, mô hình văn phòng trọn gói được cho là một ưu tiên lựa chọn của doanh nghiệp giai đoạn này. Đây là mô hình "lai" giữa văn phòng truyền thống và không gian làm việc chung.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ chi một khoản tiền cố định hàng tháng và ký hợp đồng thuê lâu dài để sở hữu một không gian làm việc riêng tư, tương tự văn phòng truyền thống. Tuy nhiên cơ sở vật chất, trang thiết bị đều đã được trang bị trước, đồng thời các dịch vụ tiện ích như lễ tân, in ấn, văn thư, hội họp... sẽ được chia sẻ chung với các doanh nghiệp khác.

Mô hình này giúp giải bài toán chi phí ban đầu cho các doanh nghiệp. Theo đó bên đi thuê sẽ không phải đầu tư bàn ghế, thiết bị, trang bị cho phòng ốc... mà chỉ cần "chọn chỗ, đếm số ghế và dọn vào làm việc". Đồng thời, doanh nghiệp vẫn có thể đảm bảo tính riêng tư cho đội ngũ mà không phải lo lắng về việc chia sẻ không gian với các đơn vị khác.

Bên cạnh đó, mô hình văn phòng chú trọng sức khỏe của nhân viên cũng được cho là một xu hướng mới thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Sau đại dịch, vấn đề sức khỏe được đặt lên hàng đầu, thúc đẩy sự thay đổi của các chủ đầu tư trên mọi phân khúc. Riêng với phân khúc văn phòng, những mặt bằng cho thuê có nhiều mảng xanh, tối ưu ánh sáng tự nhiên như MK Center có thể gây ấn tượng tốt với khách hàng, đối tác.

"Chúng tôi phát triển MK Center như một mô hình văn phòng 'thu hút năng lượng', tức là giúp người đi thuê đón nhận nguồn năng lượng tích cực từ tự nhiên như ánh sáng mặt trời, gió tươi... giúp họ cảm thấy thoải mái nhất trong 8 tiếng làm việc tại văn phòng", bà Dương Thị Bích Trâm nói.

Ở khía cạnh tích cực, các chuyên gia tin rằng dịch bệnh đang thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp, trở thành "liều thuốc thử" giúp hạ nhiệt làn sóng tăng giá thuê mặt bằng trong gần nửa thập niên qua. Đồng thời tạo ra những thay đổi theo chiều hướng bền vững, tạo hiệu quả kinh doanh lâu dài cho cả người cho thuê, đi thuê và thị trường bất động sản.

Bài liên quan