largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Kon Tum: Dân khổ vì đường bị múc làm mương

Người dân thôn 5, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum những năm vừa qua rất bức xúc vì một con đường lớn dùng để đi lại, vận chuyển nông sản, phân bón, vật tư… bỗng trở thành con đường mòn, khiến việc đi lại khó khăn, đội chi phí sản xuất nông sản lên đến hơn 20%.

Con đường rộng 4,5 m giờ thành đường mòn vì bị múc làm mương.

Con đường rộng 4,5 m giờ thành đường mòn vì bị múc làm mương.

Thời gian gần đây, phóng viên Báo Nhân Dân nhận được nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân về việc “đường bị múc làm mương, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh nông sản”.

Cụ thể, với chiều rộng hơn 4 m và chiều dài gần 1 km, con đường đất tại thôn 5, xã Hòa Bình dùng để đi lại, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất cho người dân. Thế nhưng, gia đình ông Lê Văn Trung đã ngang nhiên múc hơn 2 m chiều rộng và gần 300 m chiều dài đường để làm mương thoát nước cho rẫy gia đình ông, khiến cho con đường biến thành lối mòn với hố sâu hơn 1,5 m bên cạnh. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống thường nhật cũng như sản xuất, kinh doanh nông sản của người dân nơi đây.

Đưa chúng tôi đi đến con đường bị múc thành mương, anh A Lên, thôn 5, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, cho biết: Mình sống ở đây cũng hơn 20 năm, đã thấy con đường có sẵn từ hồi ấy. Gia đình mình làm rẫy, làm ruộng nên mình hay đi qua con đường này. Trên đường này hồi xưa, xe công nông, chở rơm, chở lúa đi được hết. Bữa nay, người ta múc cái mương, đi không được do con đường còn lại nhỏ xíu, bên cạnh là mương nên đi sợ bị rớt xuống mương. Gia đình mình làm ruộng không có đường đi rất khổ, giờ mình muốn đến nương rẫy phải đi đường vòng qua rất khó khăn, tốn kém cho mình hơn hồi trước nhiều.

Anh Nguyễn Tuấn Vũ, thôn 5, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, tiếp lời anh A Lên: Nguyên thủy con đường này đã có từ xưa, người dân đi làm nương, rẫy, canh tác rừng cao-su… đi lại qua đường này rất đông. Các xe Hoa Mai, xe máy cày, xe công nông chở vật tư, phân bón phục vụ sản xuất hay chở nông sản ra ngoài để bán đều đi con đường này. Từ ngày ông Trung mua rẫy, rồi lấy lý do rẫy bị ngập nước nên tự ý múc đường thành mương khiến cho xe tải, xe máy cày không đi qua được, phải đi đường vòng mất 3 km, đội chi phí lên 20-25% so với trước. Từ khi bị múc, con đường bị sạt lở suốt, khiến giờ chỉ còn lại lối mòn. Đến mùa mưa thì xe máy cũng không dám đi qua vì đất yếu, sợ sạt lở, rớt xuống mương khi nào không biết.

Những đoạn sạt, lở đến sát mép đường mòn, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Những đoạn sạt, lở đến sát mép đường mòn, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Chúng tôi đã gửi nội dung phản ánh, kiến nghị của bà con thôn 5 đến UBND xã Hoà Bình, thành phố Kon Tum. Sau nhiều lần đặt lịch hẹn làm việc nhưng không được vì lý do lãnh đạo xã bận công tác, chúng tôi đã được UBND xã Hòa Bình cung cấp Biên bản làm việc về việc kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của phóng viên Báo Nhân Dân.

Biên bản này có các đại diện của xã Hòa Bình là: UBND xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, Hội Nông dân xã, Hội Cựu chiến binh xã, Đại diện Ban nhân dân thôn 5 và các hộ dân thôn 5. Đáng chú là tại phần Các hộ dân thôn 5 chỉ có ông Lê Văn Trung, người đã múc đường làm mương (?!).

Kết quả kiểm tra thực địa tại Biên bản làm việc cho thấy độ rộng của con đường là 4,5 m, trong đó 270 m chiều dài con đường có một bên là mương thoát nước. Ý kiến các bên tham gia cho biết, năm 2012, ông Lê Văn Trung mua mảnh đất rồi tiến hành nạo vét và đào thêm trong quá trình sử dụng nên có sạt lở rộng ra. Tuyến đường nhằm phục vụ chính cho việc đi lại của các hộ dân canh tác trước kia, từ khi các hộ dân hợp đồng nhận khoán cao-su với nông trường cao-su Hòa Bình thì người dân ít đi lại.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Phan Văn Pháp cho biết: Việc múc đường làm mương có từ năm 2012, sợ bí nước không làm rẫy được nên ông Lê Văn Trung đã múc đường thành mương và có sự thống nhất của các hộ dân quanh đây. UBND xã đã vận động sức dân để lấp lại đường nhưng người dân không đồng ý.

Khi được hỏi Biên bản thống nhất của các hộ dân cho múc đường làm mương và việc múc mương là của một hộ dân tại sao không yêu cầu hộ dân ấy lấp mương, trả lại nguyên trạng con đường mà chính quyền phải vận động sức dân để làm thì đồng chí chủ tịch xã nói quanh co, không trả lời được.

Bà Trần Thị Hồng Đông, thôn 5, xã Hòa Bình, cho biết: Tôi vô đây làm rẫy từ năm 1994, xe chở mía vẫn đi ra, đi vô, người dân đi làm thường xuyên qua con đường này để làm cao-su cho nhà nước. Rẫy tôi sát với rẫy ông Trung, nhưng tôi không hề biết chứ đừng nói chuyện thống nhất để ông Trung múc đường làm mương. Khi ông Trung đưa xe vô múc mương và trồng dưới mương một hàng xà cừ thì tôi cứ nghĩ đã có sự đồng ý của chính quyền. Trước đây vận chuyển phân bón tôi hay đi con đường này, nay phải đi vòng mất 3 km, tăng chi phí sản xuất cho gia đình tôi. Đường đó là đường dân sinh người ta vẫn đi lại đều đặn, nói không ai đi là không đúng. Chỉ về phía xa, trên đoạn đường không bị múc thành mương, anh Nguyễn Tuấn Vũ chua xót: Ngày xưa con đường dài gần 1 km to và đẹp thế đấy nhưng giờ bị múc 1 đoạn làm cả con đường không lưu thông xe cơ giới để vận chuyển hàng hóa, vật tư nông sản cho bà con được. Mong muốn của bà con bây giờ là làm thế nào con đường được trả lại hiện trạng như xưa để tiết giảm chi phí sản xuất, thuận tiện lưu thông hàng hóa, vật liệu xây dựng, nông sản cho bà con.