largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Kiên Giang phát triển mô hình nuôi tôm - lúa quản lý cộng đồng thích ứng biến đổi khí hậu

Thời gian qua, từ sự hỗ trợ của Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL), mô hình sản xuất tôm - lúa quản lý cộng đồng đang phát huy hiệu quả trong việc sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu tại Kiên Giang.

 Tại Kiên Giang, dự án MD-ICRSL được triển khai với tên gọi “Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án 9 (ICRSL Kiên Giang)”.

Theo đó, dự án triển khai nhiều mô hình sinh kế tại hai huyện An Biên và An Minh (Kiên Giang) như: Nuôi tôm - lúa; nuôi sò huyết dưới tán rừng; nuôi tôm 2 vụ/năm; nuôi tôm sú kết hợp nuôi cua; nuôi tôm - lúa quản lý cộng đồng và nuôi tôm - lúa - tôm càng xanh.

Trong các mô hình trên, mô hình nuôi tôm - lúa quản lý cộng đồng tại xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh và xã Tây Yên A, huyện An Biên, với diện tích trên 116ha đang cho kết quả tích cực.

Các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ con giống, men vi sinh, thức ăn tôm, máy sục khí oxy, kỹ thuật… để chuyển đổi từ canh tác 2 vụ lúa sang luân canh 1 vụ lúa và 1 vụ tôm.

Bên cạnh đó, để triển khai các mô hình sinh kế thuộc Tiểu dự án 9 hiệu quả, các địa phương có nông dân tham gia đã quan tâm, hỗ trợ liên kết sản xuất thông qua các tổ, nhóm; đồng thời, tạo điều kiện để hộ dân được tham gia và thành lập các tổ nhóm.

Nông dân huyện An Biên (Kiên Giang) thu hoạch tôm từ mô hình tôm - lúa. Ảnh: ĐẶNG LINH

Nông dân huyện An Biên (Kiên Giang) thu hoạch tôm từ mô hình tôm - lúa. Ảnh: ĐẶNG LINH

Hiện trên địa bàn hai huyện An Biên và An Minh có khoảng 266 tổ hợp tác, hợp tác xã đang hoạt động. Số lượng cán bộ kỹ thuật địa phương đủ đáp ứng nhu cầu, giúp tổ nhóm dễ tiếp cận thông tin kỹ thuật nhờ sự hỗ trợ của dự án.

Theo đánh giá, tôm nuôi trong ruộng lúa chủ yếu sử dụng thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn thấp, ít dịch bệnh. Sản xuất lúa hoàn toàn không sử dụng phân bón và thuốc hóa học. Do là sản phẩm sạch cho nên tôm - lúa sau thu hoạch có đầu ra với giá ổn định ở mức cao.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, mô hình sản xuất tôm - lúa nói trên thích ứng với điều kiện tự nhiên. Khi vào mùa khô, điều kiện nước mặn trên kênh rạch xâm nhập vào sâu, thuận lợi cho việc thả nuôi tôm. Sau khi thả nuôi tôm từ tháng 1 đến tháng 8, mùa mưa đến, nước ngọt trên kênh rạch chảy xuống là điều kiện thuận lợi để cải tạo nước mặn và gieo sạ vụ lúa phù hợp thời tiết cũng như đặc điểm của mùa vụ.

Theo đánh giá chung của các mô hình ở hai huyện An Biên và An Minh, sau khi triển khai dự án, năng suất tôm tăng từ 250kg/ha lên 357kg/ha, tăng 107kg/ha, tương ứng mức tăng 38%.

Năng suất lúa bình quân từ 4,29 tấn/ha lên 4,62 tấn/ha, tăng 330kg/ha, tương ứng 7,6%. Lợi nhuận khi thực hiện mô hình cũng tăng từ 40,2 triệu đồng/ha lên 55,7 triệu đồng/ha, tăng 15,4 triệu đồng/ha, tương ứng 38%.

Mô hình tôm - lúa quản lý cộng đồng phát huy hiệu quả của nông dân ở Kiên Giang. Ảnh: ĐẶNG LINH

Mô hình tôm - lúa quản lý cộng đồng phát huy hiệu quả của nông dân ở Kiên Giang. Ảnh: ĐẶNG LINH

Theo Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO thủy lợi), 6 năm qua (2016-2022), với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB), dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long đã giúp hơn 1 triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Kiên Giang.

Tuy nhiên, trước những thách thức đe doạ đến sự phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là sinh kế của hàng triệu người dân đang bị ảnh hưởng, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo về đề xuất Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long (WB 11).

Theo tổng hợp đề xuất của Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi, WB 11 với mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại 9 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang, Dự án WB 11 sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng thời, Dự án WB 11 chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch, từ đó tạo việc làm, thu nhập cao hơn cho người lao động.

Dự án WB 11 dự kiến có 3 hợp phần: Hợp phần 1 tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin; hợp phần 2 đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng; hợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.

Về tiến độ triển khai Dự án WB 11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị chức năng của bộ nỗ lực để tháng 12-2023 sẽ có những dự án thành phần đầu tiên trình lãnh đạo Ngân hàng Thế giới.