largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

'Khu Công nghệ cao ở TP Thủ Đức phải hướng tới Thung lũng Silicon'

Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định thành phố sẵn sàng tạo cơ chế, chính sách để phát triển ngành khoa học, công nghệ trên địa bàn, kể cả việc áp dụng những cơ chế đặc thù.

Tại buổi duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Sở Khoa học Công nghệ sáng 16/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra hình ảnh của Thung lũng Silicon tại Mỹ để định hướng cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao tại TP Thủ Đức.

Ông nhấn mạnh ngành khoa học kỹ thuật đóng vai trò cốt lõi trong nâng cao tốc độ, tạo đà phát triển bên vững cho nền kinh tế thời kỳ 4.0.

"Thung lũng Silicon của Mỹ không chỉ nghiên cứu mà còn tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, đóng góp cho nền kinh tế. Với tiềm năng vốn có, TP Thủ Đức với hạt nhân là Khu Công nghệ cao phải phát triển theo hướng đó", Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu.

Người đứng đầu chính quyền thành phố chỉ ra thực trạng hiện tại, ngành khoa học công nghệ trên địa bàn dù có nguồn lực lớn nhưng khả năng ứng dụng vào thực tiễn chưa cao. Ngay cả Khu Công nghệ cao TP.HCM, số lượng lao động phổ thông còn chiếm tỷ lệ lớn.

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của chính quyền TP.HCM, nhiều nơi còn chưa hiểu rõ, hiểu đúng về nội dung này. Đối với các doanh nghiệp, tỷ lệ đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2016-2020 toàn thành phố chỉ đạt hơn 40%.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong muốn Khu Công nghệ cao phát triển giống Thung lũng Silicon (Mỹ). Ảnh: Quang Huy.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong muốn Khu Công nghệ cao phát triển giống Thung lũng Silicon (Mỹ). Ảnh: Quang Huy.

"Tiềm lực khoa học công nghệ của TP.HCM rất lớn. Đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành luôn ở mức cao nhưng trong chừng mực nào đó, chúng ta chưa tạo ra cơ chế, chính sách để tận dụng được", Chủ tịch TP.HCM nhận định.

Để khắc phục những yếu điểm trên, ông Nguyễn Thành Phong cho hay các sở, ngành, đặc biệt là Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM phải giải được bài toán kết nối Nhà nước với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Sản phẩm nghiên cứu về công nghệ cần được ứng dụng vào thực tiễn, thương mại hóa giúp đem lại giá trị.

"Nói thì dễ nhưng chúng ta phải xem xét cần cơ chế, công cụ gì? Nếu chỉ bằng một quyết tâm, văn bản hay mệnh lệnh thì không thể làm được", Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.

Ông Phong lấy ví dụ về việc UBND TP đã giao Sở Tài chính nghiên cứu, xây dựng phần mềm quản lý nhà công, đất công từ lâu nhưng đến nay chưa hoàn thành. Lý do là Sở Tài chính chưa nhận thấy rõ mức độ quan trọng và nhu cầu thực tế của nó.

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các ngành cần nhận thức rõ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, khoa học công nghệ không chỉ dừng lại ở những nghiên cứu cơ bản mà phải trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp đối với nền kinh tế TP.HCM.

Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo sắp hình thành tại Khu Công nghệ cao. Ảnh: Quỳnh Danh.

Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo sắp hình thành tại Khu Công nghệ cao. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Một đề tài nào đó khi được các sở, ngành đặt hàng phải xuất phát từ nhiệm vụ được giao. Nghĩ ra một đề tài, sử dụng tiền Nhà nước để nghiên cứu rồi cất vào tủ không phải nhiệm vụ của chúng ta", ông Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết ông rất tâm huyết về việc xây dựng Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo của TP.HCM. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cần được nâng tầm so với hiện tại.

"Thành phố sẵn sàng tạo cơ chế, chính sách, áp dụng cả những cơ chế đặc thù đối với 2 viện này. Khi phát huy được đúng vai trò của mình, 2 viện không chỉ tác động đến nền kinh tế thành phố mà còn tác động tới cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Thông tin thêm về Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo sắp hình thành, ông Thành Phong chia sẻ đơn vị này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ của thành phố tới với doanh nghiệp, thực hiện thương mại hóa sản phẩm.

Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo được đặt ở Khu Công nghệ cao, có kết nối với khu vực nghiên cứu, đào tạo tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

"Đổi mới sáng tạo phải là từ khóa của TP.HCM. Thành phố muốn phát triển bền vững, muốn đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ thì phải thực hiện việc đổi mới sáng tạo", ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Thung lũng Silicon (Silicon Valley) là một thuật ngữ xuất hiện từ những năm 1970. Ban đầu tên gọi này được dùng để chỉ một số lượng lớn các nhà phát minh và hãng sản xuất các loại chip silicon đặt ở khu vực phía nam của vùng vịnh San Francisco, phía Bắc California ở Mỹ. Đây là một trong những khu vực giàu có nhất trên thế giới, được biết đến như trung tâm đổi mới về công nghệ toàn cầu.

Thuật ngữ Thung lũng Silicon sau đó được dùng với hàm ý chỉ sự phát triển của các khu vực tập trung và áp dụng công nghệ cao.