largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Không tăng học phí năm học 2023-2024: Chính sách kịp thời, hợp lòng dân

HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND về việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND (ngày 12-12-2022) “Quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm học 2022- 2023” đến hết năm học 2023-2024.

Theo đó, mức học phí của năm học 2023-2024 sẽ không thay đổi so với năm học trước. Thông tin này đã khiến nhiều bậc phụ huynh vui mừng và phấn khởi.

Giữ ổn định học phí

Theo Nghị quyết số 19/2023/ NQ-HĐND, mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên vùng thành thị là 300.000 đồng/học sinh (HS)/tháng. Vùng nông thôn từ mầm non đến THCS, mức học phí là 100.000 đồng/HS/tháng. Riêng cấp THPT là 200.000 đồng/HS/ tháng. Đối với Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, mức học phí tương đương với mức học phí của cơ sở giáo dục phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn.

Đáng chú ý, để giảm áp lực chi phí cho người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỉnh đã thống nhất dùng ngân sách để hỗ trợ đóng học phí cho HS các trường công lập tại địa phương. Số tiền chênh lệch theo quy định chung, tỉnh sẽ chi ngân sách để hỗ trợ. Nguồn kinh phí thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Như vậy, HS Bình Dương sẽ được hỗ trợ một phần tiền học phí phải đóng góp. Theo đó, số tiền thực tế HS phải đóng ít hơn so với mức thu học phí theo quy định chung.

Việc học phí năm học 2023-2024 không tăng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho HS tham gia học tập. Trong ảnh: Một tiết học của HS trường THPT Thái Hòa, TP.Tân Uyên

Việc học phí năm học 2023-2024 không tăng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho HS tham gia học tập. Trong ảnh: Một tiết học của HS trường THPT Thái Hòa, TP.Tân Uyên

Cụ thể, vùng thành thị, HS học trực tiếp ở cấp mầm non trường đạt chuẩn quốc gia chỉ đóng học phí 180.000 đồng/ HS/tháng, trường chưa đạt chuẩn quốc gia chỉ đóng học phí 90.000 đồng/HS/tháng; cấp THCS chỉ đóng 60.000 đồng/ HS/tháng; cấp THPT chỉ đóng 80.000 đồng/HS/tháng. Đối với vùng nông thôn, với phương thức học trực tiếp, HS cấp mầm non chỉ đóng 50.000 đồng/HS/ tháng; cấp THCS đóng 40.000 đồng/HS/tháng; cấp THPT đóng 60.000 đồng/HS/tháng…

"Bình Dương là địa bàn có số HS là con em công nhân, người lao động đông. Do đó, việc không tăng học phí sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế cho phụ huynh, chia sẻ khó khăn để họ yên tâm làm việc. Thời gian tới, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh cũng sẽ tích cực triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho HS có hoàn cảnh khó khăn, tạo mọi điều kiện tốt nhất để tất cả HS đều được đến trường”.

(Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo)

Tại tỉnh Bình Dương, con em người lao động ngoại tỉnh có số lượng lớn. Trước thực tế đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc Bình Dương dùng ngân sách bù vào phần chênh lệch học phí không chỉ hỗ trợ những khó khăn về tài chính với người dân mà còn giảm bớt gánh nặng cho ngành giáo dục - đào tạo địa phương, đồng thời góp phần giảm tác động đến xã hội do ảnh hưởng của việc tăng học phí.

Phụ huynh phấn khởi

Tâm tư, trăn trở của nhiều bậc phụ huynh đã được giải tỏa sau thông tin mức thu học phí năm học 2023-2024 vẫn bằng mức thu của năm ngoái. Đón nhận tin vui này, các phụ huynh cho rằng chủ trương này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh cuộc sống của người dân vẫn đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là người lao động tại các khu công nghiệp. Với các gia đình có 2 hoặc 3 con đi học, điều này thực sự có nhiều ý nghĩa và giảm bớt được nhiều gánh nặng.

Tiệm may nhỏ hơn 20m2 tại khu phố An Thành (phường Thái Hòa, TP.Tân Uyên) là nguồn thu nhập chính và duy nhất để lo mọi chi phí sinh hoạt cũng như học tập của mẹ con chị Nhữ Thị Thu Hà bao năm qua. Chị Hà cho biết mấy năm về trước, thu nhập từ tiệm may cũng đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, lượng người tới đặt may đồ giảm đi nhiều nên thu nhập cũng giảm đi đáng kể. Chị phải chắt chiu, tính toán lắm mới bảo đảm cuộc sống nơi thành thị và nuôi con ăn học.

Chị Hà tâm sự: “Thời gian qua, vấn đề học phí vẫn là điều mà tôi quan tâm và theo dõi thông tin. Con gái tôi đang học những năm cuối cấp III nên có rất nhiều khoản phải đầu tư cho việc học. Đặc biệt, sau mấy năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mẹ con phải chi tiêu cả vào tiền tiết kiệm khiến kinh tế càng khó khăn hơn. Vì vậy, khi nghe thông tin không tăng học phí năm học này khiến chúng tôi vô cùng phấn khởi. Đây là sự chia sẻ và hỗ trợ rất lớn với chúng tôi”.

Có 2 con đang theo học tại các trường mầm non và THCS trên địa bàn TP.Dĩ An, bước vào năm học này, gia đình chị Nguyễn Thị Lan Hồng ở phường Dĩ An đã phải dành số tiền tương đối lớn vào việc mua sách vở, quần áo cho các con. “Mấy ngày nay, tôi có nghe thông tin về việc học phí năm nay vẫn giữ nguyên so với năm trước, bản thân tôi rất phấn khởi. Chính sách trên đã chia sẻ khó khăn và giảm gánh nặng đối với người dân. Do làm công nhân, thời gian không ổn định, không được nghỉ thứ bảy nên tôi phải cho bé nhỏ học mầm non tư thục. Vào đầu năm học mới, chi phí học tập cả hai đứa cũng tốn khá nhiều. Đầu năm tới, giờ tôi cứ thấp thỏm lo học phí của đứa lớn đang học cấp II tăng, nhưng nay có thể yên tâm hơn rồi”.

Có thể nói, thông tin giữ nguyên mức thu học phí năm học 2023-2024 như năm học trước khiến không chỉ gia đình chị Hồng, chị Hà mà tất cả phụ huynh trên địa bàn tỉnh đều vui mừng. Việc không thay đổi mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo điều kiện cho HS, đặc biệt là HS có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục học tập.