largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Không khai báo y tế là gây hại cho mình và cộng đồng

Khi nhiễm Covid-19, người dân có trách nhiệm khai báo y tế (KBYT) đầy đủ, trung thực. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi người mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng người nhiễm, người thân và cộng đồng.

Thế nhưng, hiện có tình trạng F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đã không quan tâm đến KBYT. Một số người cho rằng, họ không KBYT là vì không muốn phải tiếp tục bị cách ly, phải nghỉ việc khi cuộc sống đã bị ngưng trệ quá dài do dịch bệnh.

Người dân cần khai báo y tế để địa phương có biện pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong ảnh: Nhân viên y tế P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) test nhanh Covid-19 cho một ca nghi nhiễm trên địa bàn phường. Ảnh: An An

Người dân cần khai báo y tế để địa phương có biện pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong ảnh: Nhân viên y tế P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) test nhanh Covid-19 cho một ca nghi nhiễm trên địa bàn phường. Ảnh: An An

Ngại KBYT

Dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng qua test nhanh, mỗi ngày trên địa bàn Đồng Nai vẫn có vài trăm ca, ngày nhiều có đến cả ngàn ca dương tính với SARS-CoV-2. Phần lớn các F0 hiện nay không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ nên một số người không bận tâm đến việc KBYT, không tự cách ly mà vẫn tiếp tục đi làm, sinh hoạt bình thường...

Anh T.Đ.Q. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, anh bị nhiễm Covid-19 ở công ty nhưng vẫn đi làm bởi không có triệu chứng nặng. Không chỉ có anh mà nhiều công nhân khác cũng bị nhiễm Covid-19 nhưng vẫn đi làm mà không bị buộc phải nghỉ việc, cách ly tại nhà. Anh cũng không KBYT tại địa phương.

Theo quy định, F0 điều trị tại nhà được dỡ bỏ cách ly khi: cách ly đủ 7 ngày, test nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2, trạm y tế xác nhận khỏi bệnh.

“Vợ chồng tôi đã nghỉ phòng dịch mấy tháng rồi, giờ trở lại cuộc sống bình thường thì tranh thủ làm để kiếm thu nhập, bù lại thời gian mất việc. Giờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 rồi, có nhiễm cũng nhẹ. Hơn nữa, sống chung với dịch Covid-19, lây nhiễm là bình thường” - anh Q. nói.

Tương tự, bà N.T.M. (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) mới đây cũng đã tái nhiễm Covid-19 lần 2 chỉ sau hơn 4 tháng. Vì đã tiêm 3 mũi vaccine ngừa Covid-19 nên khi nhiễm bệnh, bà M. hầu như không có triệu chứng gì nhiều nên bà cũng không KBYT. Bà M. tâm sự, lần đầu bị nhiễm bệnh, bà đã ra trạm y tế phường KBYT và phải chờ đến 2 ngày sau mới có nhân viên y tế đến nhà test lại và cấp cho vài loại thuốc thông thường, nên lần này tái nhiễm, bà không KBYT nữa, tự điều trị ở nhà. Những lúc thấy người khó chịu, bà gọi điện cho nhóm bác sĩ trên mạng chuyên tư vấn cho các F0 điều trị tại nhà.

Theo nhiều người dân, sở dĩ họ không muốn KBYT mà chủ động tìm những bài thuốc hoặc tự theo dõi bản thân ở nhà vì hiện nay những phản ứng của y tế cơ sở quá chậm chạp do trạm y tế phải xử lý quá nhiều công việc. Có không ít F0 phải ra tận trụ sở trạm y tế phường để KBYT. Nếu có cấp thuốc cũng chỉ là những loại thuốc thông thường, không có thuốc kháng virus nên nhiều người đã tự đến tiệm thuốc để mua mà không chờ đợi liên hệ của y tế phường.

Nguy hiểm từ việc không KBYT

KBYT đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, Chính phủ đã quy định khi nhiễm Covid-19 phải khai báo đầy đủ và trung thực. Bởi có khai báo đầy đủ, trung thực, cơ quan chức năng mới có những biện pháp phòng, chống lây lan, nhằm bảo vệ những người trong khu vực không an toàn; đồng thời, hướng dẫn cho người nhiễm cũng như những người trong gia đình biết cách để phòng tránh lây nhiễm

Thế nhưng, hiện nhiều người tiêm đủ mũi vaccine đã chủ quan khi lơ là, coi thường việc khai báo, KBYT không đầy đủ và khai báo thiếu trung thực, dẫn đến tình trạng khó khăn trong công tác kiểm soát và dập dịch.

Điểm a, Khoản 3, Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng mắc Covid-19 của mình và người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tuy đã được kiểm soát tốt nhưng vẫn đang gia tăng số ca nhiễm thì việc KBYT là trách nhiệm của mỗi người. Sự hợp tác trong KBYT đầy đủ của mỗi người dân là kênh thông tin kịp thời, hiệu quả để cơ quan chức năng có thể đánh giá đầy đủ tình hình dịch bệnh ở nơi đó, nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả từ sớm, qua đó ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng.

Trả lời về những lo ngại của người dân sợ bị lộ thông tin cá nhân khi KBYT, TS-BS Phan Huy Anh Vũ cho biết, người dân hoàn toàn yên tâm bởi thông tin sức khỏe cá nhân được bảo mật và chỉ sử dụng vào mục đích hỗ trợ phòng dịch. Quy định pháp luật liên quan đến bí mật sức khỏe của cá nhân cũng nêu rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm của người khai báo như: phải trung thực, tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của nhân viên và thực hiện theo quy chế của cơ sở y tế. Nếu ai vi phạm sẽ chịu các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật. Và ngược lại, người đó cũng có quyền được pháp luật bảo vệ và tôn trọng, cụ thể là quyền nhân thân với bí mật đời tư.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ khuyến cáo, nếu F0 không khai báo sẽ gây hại cho bản thân F0, người thân và cả cộng đồng. Mặc dù không phải tất cả các F0 đều được phát thuốc nhưng khi khai báo, F0 vẫn nhận được các quyền lợi như: được đưa vào quản lý và chăm sóc cũng như can thiệp kịp thời khi trở nặng, nhanh chóng đưa lên tuyến trên… Các F1 cũng được theo dõi, quản lý, bảo vệ, nhất là người già, người có bệnh nền, bệnh mãn tính. KBYT là việc làm quan trọng giúp cho ngành Y tế địa phương kịp thời ứng phó khi xuất hiện những ổ dịch mới, hướng dẫn cách ly những người có nguy cơ cao như: người già, người có bệnh nền nặng..