Khó xử cán bộ hải quan 'giúp' Việt kiều nhập xe ô tô
Cấp sơ thẩm buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng tòa phúc thẩm cho rằng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên hủy án.
TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại vụ ông Phạm Phú Lộc (SN 1965, nguyên trưởng Phòng nghiệp vụ Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đặc biệt theo tòa phúc thẩm hành vi của bị cáo không thỏa mãn cấu thành tội phạm như cấp sơ thẩm quy kết. Hiện ông Lộc vẫn làm việc tại Phòng tổ chức cán bộ - thanh tra thuộc Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp.
Tạo điều kiện cho ba Việt kiều nhập xe
Theo bản án sơ thẩm, tháng 10-2012, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 thuộc Cục Hải quan TP.HCM tạm giữ một chiếc ô tô do ông Võ Minh Tiến đứng tên nhập khẩu. Lý do là ông Tiến giả mạo công văn của Tổng cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu chiếc xe theo dạng tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương được Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp cấp phép nhập khẩu trước đó.
Qua xác minh, chiếc xe được Tổng cục Hải quan hướng dẫn nhập khẩu cho một người khác chứ không phải cho ông Tiến nên chiếc xe này được bàn giao cho Công an tỉnh Đồng Tháp làm rõ.

Bị can Phạm Phú Lộc trình bày sự việc. Ảnh: MV
Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định năm 2012, bà Phạm Thị Hoàng Phi (được xác định là người liên quan trong vụ án) mang hồ sơ xin nhập hộ khẩu của ba Việt kiều (trong đó có ông Tiến) đến nhờ bị cáo Lộc giúp. Bị cáo nhờ công an xã làm hộ khẩu cho ba người này để được quyền nhập khẩu ô tô theo dạng Việt kiều hồi hương (Thông tư 118/2009 của Bộ Tài chính cho phép Việt kiều hồi hương có hộ khẩu ở Việt Nam được nhập một chiếc xe cá nhân đang sử dụng miễn thuế nhập khẩu và VAT). Bà Phi chi cho công an xã tổng cộng 16 triệu đồng, gồm tiền cho hai cá nhân và ăn nhậu.Trong tháng 9 và tháng 10-2012, bà Phi mang sổ hộ khẩu của ba Việt kiều đến Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp để xin cấp giấy phép nhập khẩu ô tô. Đối chiếu với Thông tư 118, bị cáo Lộc là trưởng phòng nghiệp vụ đã phê duyệt, đề xuất phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cấp phép nhập khẩu ô tô cho ba Việt kiều.
Theo hồ sơ cấp phép, ô tô của ba Việt kiều được cấp phép là xe mới, thời gian đăng ký xe chưa tới ba tháng, quãng đường vận hành chưa tới 100 km, không đủ điều kiện để nhập khẩu theo Điều 3 Thông tư 118/2009 của Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 03/2006 của Bộ Công an. Các văn bản này quy định xe nhập khẩu dạng này phải có thời gian đăng ký xe tối thiểu là sáu tháng, sản xuất không quá năm năm, quãng đường vận hành tối thiểu 10.000 km tính đến thời điểm nhập khẩu về Việt Nam.
CQĐT cho rằng bà Phi đã chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của bị cáo Lộc 460 triệu đồng. Tuy nhiên, cả hai đều khai số tiền này là bà Phi cho bị cáo Lộc mượn để điều trị bệnh, bị cáo Lộc đã trả hết vào ngày 16-9-2012. Theo CQĐT, thiệt hại đối với Nhà nước khi cấp phép nhập khẩu ba ô tô cho ba Việt kiều, số tiền thuế nhập khẩu và thuế VAT là hơn 3,3 tỉ đồng.
Không cấu thành tội như truy tố
Suốt quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Lộc kêu oan cho rằng cơ quan tố tụng không đủ chứng cứ chứng minh mình phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như đã truy tố. Bị cáo thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao và thực tế không được hưởng lợi vật chất. Tháng 11-2018, TAND tỉnh Đồng Tháp xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Lộc sáu năm tù về tội danh này nên ông kháng cáo kêu oan.
Tòa phúc thẩm cho rằng bị cáo Lộc bị truy tố với tư cách là trưởng Phòng nghiệp vụ Cục Hải quan và biết công văn của Tổng cục Hải quan đề nghị các địa phương tạm ngừng cấp phép nhập khẩu ô tô cho Việt kiều nhưng bị cáo vẫn tham mưu ký duyệt nhập khẩu xe, gây thất thu thuế. Cấp sơ thẩm không truy tố bị cáo về hành vi này mà lại truy tố hành vi nhờ công an xã nhập khống hộ khẩu cho các Việt kiều để buộc bị cáo tội danh như cáo trạng.
Tuy nhiên, án sơ thẩm cũng nhận định hai công an xã nhận của bà Phi 16 triệu đồng để giúp bà này làm thủ tục nhập hộ khẩu cho ba Việt kiều, khi nhận họ không biết việc nhập hộ khẩu là để làm thủ tục nhập xe, chỉ giúp về tình cảm và đã nộp lại 16 triệu đồng để khắc phục hậu quả. “Nhận định như vậy là mâu thuẫn với căn cứ buộc tội bị cáo Lộc ở phần trên, bởi lẽ hành vi của bị cáo nhờ công an xã nhập khống hộ khẩu không thỏa mãn các dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” - HĐXX nêu.
Theo tòa phúc thẩm, về mặt khách quan của tội phạm này phải có dấu hiệu là có hành vi làm trái công vụ, trong quá trình thi hành công vụ người có chức vụ, quyền hạn đã sử dụng quyền đó như một phương tiện thực hiện tội phạm. Làm trái là làm không đúng, có nghĩa là làm khác đi nhiệm vụ được giao. Về chủ quan người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, mục đích phạm tội là vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Việc bị cáo nhờ công an nhập hộ khẩu khống cho các Việt kiều (nếu có) thì cũng không phải làm trái công vụ, bị cáo cũng không làm khác đi nhiệm vụ được giao và cũng không sử dụng quyền hạn của mình như một phương tiện phạm tội.
Cũng theo tòa phúc thẩm, số tiền 16 triệu đồng cấp sơ thẩm tịch thu nộp ngân sách vì cho rằng tài sản liên quan đến hành vi phạm tội là chưa đúng. Bởi nếu kết luận tiền này liên quan đến hành vi phạm tội thì phải xem xét trách nhiệm những cá nhân đã nhận số tiền này. Để xét xử đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm, HĐXX phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Có nên thay đổi điều tra viên?
Mới đây Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp đã điều tra lại vụ án và mời ông Lộc đến lấy lời khai nhưng vẫn do điều tra viên (ĐTV) trước đây thụ lý giải quyết. Vì thế ông Lộc đã có đơn yêu cầu thay đổi ĐTV vì cho rằng tòa phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, việc ĐTV cũ tiếp tục thụ lý điều tra lại sẽ không đảm bảo tính khách quan. Ngày 12-5 vừa qua, CQĐT có văn bản trả lời không chấp nhận yêu cầu của ông Lộc vì quá trình trước đó ĐTV được phân công đã tiến hành các hoạt động tố tụng, điều tra khách quan, đúng trình tự, thủ tục, không thuộc trường hợp phải thay đổi ĐTV.
Luật sư (LS) Nguyễn Quang Trung (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng trường hợp này dù BLTTHS không quy định bắt buộc phải thay đổi ĐTV nhưng nên đổi để đảm bảo tính khách quan trong điều tra. Bởi có khách quan hay không thì dù sao kết quả điều tra cũ cũng đã bị tòa phúc thẩm không chấp nhận với hàng loạt tình tiết chưa rõ, có dấu hiệu sót người, lọt tội. Thậm chí bản thân ĐTV cũng có thể tự xin rút khỏi vụ án vì mình đã từng tiến hành tố tụng trong vụ án này.
Hủy án là đúng
Theo TS Vũ Thị Thúy (giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang TP.HCM), việc tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại là có căn cứ. Qua nghiên cứu bản án phúc thẩm thấy rằng tại cáo trạng VKS truy tố ông Lộc về hai hành vi là lợi dụng chức vụ, quyền hạn đề xuất cho nhập khẩu ô tô trái quy định và nhờ công an xã nhập khống hộ khẩu cho các Việt kiều. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS đã rút quyết định truy tố về hành vi thứ nhất nhưng tòa án vẫn tuyên bị cáo phạm tội này là sai nghiêm trọng. Bởi nếu HĐXX thấy việc rút quyết định truy tố không có căn cứ thì phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị viện trưởng VKS cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp (Điều 326 BLTTHS 2015).
LS Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận, cũng cho rằng về cấu thành tội danh tòa phúc thẩm nhận định đúng. Khi điều tra lại CQĐT cần làm rõ hành vi của ông Lộc có vi phạm hình sự hay không, nếu có thì vi phạm gì, hành vi nhận tiền để làm khống hộ khẩu của hai công an xã có dấu hiệu tội phạm hay không, tội gì. Thậm chí trường hợp bà Phi được xác định là người liên quan trong vụ án có hành vi đưa 16 triệu đồng cho công an xã có bị xem xét trách nhiệm hình sự hay không cũng cần phải làm rõ.
TP HCM: Cơ sở Green Skin Center tiêm filler, bottox trái phép
Cơ sở Green Skin Center tại địa chỉ 59 Bạch Đằng, Phường 2, quận Tân Bình, TP HCM bị phát hiện tiêm filler, bottox trái phép .
2 nhóm 14 đối tượng hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn ở miền Tây
Chiều 10/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trà Ôn đã bàn giao các đối tượng giết người cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long tiếp tục điều, xử lý.
Khởi tố vụ sản xuất hàng giả tại công ty xe máy LIFAN Việt Nam
Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả” tại Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN Việt Nam.
Bắt phó giám đốc trung tâm đăng kiểm lớn nhất Đồng Nai
Công an tỉnh Đồng Nai vừa bắt Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm 60-01S đóng chân ở TP Biên Hòa thuộc trung tâm đăng kiểm Đồng Nai.
Triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia, thu giữ 121kg ma túy
Lực lượng Biên phòng vừa triệt phá thành công đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, bắt 6 đối tượng, thu giữ 121 kg ma túy tổng hợp.
Phó Chánh án bị đâm: Vì sao đối tượng bị tuyên án vẫn tại ngoại?
Tuân bị cấp tuyên y án 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, mới đây, Tuân đã dùng kéo đâm thẩm phán để trả thù.
Vụ 3 quả dứa 500.000 đồng: Đã lập hồ sơ để xử lý
Công an phường Hàng Đào (Hà Nội) đã lập hồ sơ để xử lý bà N.T.T. do có hành vi bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng cho du khách nước ngoài.
Làm rõ trách nhiệm vụ 7 người tử vong tại Xi măng Yên Bái
Sở LĐ,TB&XH được giao thành lập Đoàn điều tra, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân vụ tai nạn lao động 7 người chết tại Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.
Vụ Hậu “pháo”: Bắt Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước
Ông Nguyễn Văn Khước , Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc bị cáo buộc nhận hối lộ từ Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu "Pháo").
Công an tỉnh Yên Bái phải khẩn trương điều tra vụ 7 công nhân tử vong
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện về vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.